Tầm nhìn mới của quyền Chủ tịch Trần Quốc Tuấn giúp VFF thay đổi tư duy, không chạy theo thành tích bóng đá trẻ, chấp nhận có thể sự không hài lòng của dư luận, khi cử đội U.21 tham dự Giải U.23 Đông Nam Á và Á vận hội.
“World Cup 2026 là nhiệm vụ và đích đến của VFF. Chúng ta đang có lực lượng kế thừa dồi dào nhưng chỉ trở thành thế hệ thực sự tinh nhuệ, có đủ bản lĩnh dày dạn trên trường quốc tế, đủ trình độ chuyên môn để cạnh tranh với những đối thủ mạnh nhất châu lục, khi và chỉ khi được cọ xát liên tục, được đầu tư đột phá về mọi mặt… Việc đội tuyển Việt Nam vào đến vòng loại thứ 3 World Cup 2022 là thành tích tự hào, nhưng cũng cho thấy chúng ta còn thiếu nhiều thứ. Trách nhiệm của VFF là phải khỏa lấp những cái còn thiếu đó. Sự bền vững của bóng đá Việt Nam phải được xây dựng lại một cách khoa học hơn, chuyên nghiệp hơn. Đã đến lúc, chúng ta phải sẵn sàng cho mục tiêu World Cup 2026” - tầm nhìn mới ấy của quyền Chủ tịch Trần Quốc Tuấn giúp VFF thay đổi tư duy, không chạy theo thành tích bóng đá trẻ, chấp nhận có thể sự không hài lòng của dư luận, khi cử đội U.21 tham dự Giải U.23 Đông Nam Á và Á vận hội.
Quyền Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn (phải) và HLV Park Hang-seo |
Đây là bài học của bóng đá Nhật Bản. Để chuẩn bị cho Olympic 2020 trên sân nhà, người Nhật đã đầu tư từ 3 năm trước đó. Là ĐKVĐ nhưng tại vòng chung kết Giải U.23 châu Á 2018, Nhật Bản mang đến Trung Quốc dàn cầu thủ U.21 (thua đậm Uzbekistan 0-4 và dừng bước ở tứ kết), tiếp đó là Asiad ở Indonesia (thua U.23+3 Việt Nam 0-1 ở vòng bảng, nhưng vẫn vào chung kết và thua Hàn Quốc 1-2). Hy sinh những mục tiêu phụ, thậm chí chấp nhận thất bại, Olympic Nhật đã trưởng thành để vào đến tứ kết Tokyo 2020 và nhiều cầu thủ U.21 ngày nào nay đã là tuyển thủ quốc gia. Đặc biệt, theo suốt U.21 Nhật Bản từ vòng chung kết Giải U.23 châu Á 2018 đến U.23 ở Olympic Tokyo là HLV Hajime Moriyasu, người bây giờ là HLV trưởng đội tuyển quốc gia xứ Phù tang.
Phương Duy