"Đội tuyển Việt Nam (ĐTVN) có thành tích tệ nhất lịch sử", HLV Park Hang-seo bảo thủ, có được gia hạn hợp đồng?... Thảm họa đến nơi?!
“Đội tuyển Việt Nam (ĐTVN) có thành tích tệ nhất lịch sử”, HLV Park Hang-seo bảo thủ, có được gia hạn hợp đồng?... Thảm họa đến nơi?!
Những gì tốt đẹp mới hôm qua sớm bị quên |
Đúng là lần đầu tiên ĐTVN thua 4 trận liền (tính cả trận cuối cùng ở vòng loại thứ 2 trước UAE là 5), nhưng có thật bức tranh u ám, phải “đao to búa lớn” đến vậy? Thậm chí, người ta đánh tráo khái niệm “đây là thành tích tệ nhất trong những lần tham dự vòng loại World Cup”, mà cố tình quên rằng đây là lần đầu tiên bóng đá Việt Nam có mặt ở vòng loại cuối cùng của 12 anh hào hàng đầu châu lục.
Cũng có lập luận, với nhân sự không quá nhiều thay đổi so với Asian Cup 2019, tại sao ĐTVN hiện tại chơi kém hơn? Vậy thì so sánh, 2 năm trước trên đất UAE chúng ta thua Iraq (đội chỉ đang đứng thứ 5/6 đội ở bảng A) 2-3, thua tiếp Iran 0-2 và chỉ nhờ trận thắng Yemen 2-0 mới có vé cuối cùng dành cho đội thứ 3 đi tiếp. Vào vòng 1/8, ĐTVN vượt qua Jordan trong loạt sút luân lưu 11m và dừng bước trước Nhật Bản ở tứ kết. Tức 2 chiến thắng của thầy trò HLV Park Hang-seo chỉ là trước 2 đội không vào được vòng loại thứ 3 World Cup 2022 này (Yemen còn đứng bét bảng D ở vòng loại thứ 2).
Còn ở đấu trường hiện tại, chúng ta là “út bẹt”, có thứ hạng thấp nhất trong 12 đội (ngay cả Syria, đội mới có 1 điểm, đứng chót bảng A cũng hơn ĐTVN tới 14 bậc trên bảng xếp hạng FIFA); tính chất ganh đua cũng khác hẳn, không chỉ vì một danh hiệu ở châu lục mà là cơ hội xuất hiện ở ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh 4 năm mới có một lần mà bất kỳ HLV, cầu thủ nào cũng ao ước.
“Miếng giữa làng bằng sàng xó bếp” nên các đối thủ đều tập trung binh lực, quyết tâm cao nhất. Thể thức cũng khác, không phải thi đấu tập trung mà trải dài đến 8 tháng trời, di chuyển hàng chục ngàn km.
Ở trình độ cao nhất của bóng đá châu lục, bài thuốc thử nào cũng nặng đô, ĐTVN mới bộc lộ những hạn chế, khiếm khuyết mà trước đó có thể lấy tinh thần, ý chí để che lấp. Hàng thủ từng là chỗ dựa an toàn nhất trở thành yếu huyệt, hàng loạt sai lầm cá nhân nối tiếp nhau xuất hiện... Tóm lại là quá tầm, như cậu học trò đứng đầu trường làng, lần đầu ra thành phố tụt lại. Chúng ta thua đơn giản vì đội bạn giỏi hơn, có gì mà phải thất vọng, ầm ĩ?
Thực tế, ĐTVN hiện tại đã chạm trần giới hạn. Năng lực, đẳng cấp của lứa cầu thủ vàng số 1 Đông Nam Á này chỉ đến khoảng dưới 12 châu Á. Điều đó không phải đến bây giờ mới nhận ra mà đã biết, đã xác định ngay từ đầu. Đa phần chỉ mong đợi đội tuyển thi đấu hết sức mình; giới chuyên môn, báo chí đều hiểu điều đó, thậm chí còn ghi nhận những điểm sáng tích cực như cách phản ứng, “dám chơi” của các cầu thủ trước đối thủ vượt trội chứ không “chịu trận”, bằng chứng dù chưa có điểm nào nhưng đã ghi đến 4 bàn sau 4 trận.
Tuy nhiên, một số trang mạng, anh hùng bàn phím “chỉ yêu bóng đá… thắng” vẫn bực tức và cả cay nghiệt bởi sự thiếu hiểu biết đến mức ảo tưởng. Những cái vừa là đúng, là hợp lý, tốt đẹp của ngày hôm qua trở thành cái sai, cái bảo thủ, tồi tệ. Tại sao không thấy để tự hào khi nhiều ông lớn như: Uzbekistan, Bahrain, Jordan, Kuwait giờ đây phải đá vòng loại Asian Cup 2023, mà lại tạo thêm áp lực cho thầy trò HLV Park, tự mua dây buộc mình?
Cần học cách chấp nhận để biết chỗ đứng của mình ở đâu để phấn đấu, tiến bộ. Ngay cả khi ĐTVN không bằng Thái Lan 5 năm trước, thua hết cả 10 trận cũng chẳng phải là thảm họa vì nếu biết bình tĩnh tiếp thu, cái được vẫn lớn hơn. Bởi đây là cuộc sát hạch quý giá có một không hai cho mục tiêu vừa tầm trước mắt là bảo vệ chức vô địch AFF Cup và vòng chung kết Asian Cup 2023 tại Trung Quốc.
Còn với World Cup, cần biết rằng sau lần góp mặt đầu tiên ở Argentina 1978, đội bóng số 1 châu Á hiện tại là Iran phải cần đến 20 năm, còn Hàn Quốc phải mất đến 32 năm mới có lần thứ 2, cho thấy vòng loại World Cup khắc nghiệt như thế nào. Ngay cả khi World Cup 2026 mở rộng lên 48 đội, giúp châu Á có 8 vé, thì ĐTVN cũng cần phải bổ sung một thế hệ tốt hơn, có nhiều hơn tài năng cỡ Quang Hải trở lên thì giấc mơ mới có thể trở thành hiện thực.
Minh Chung