Nói đến việc bóng đá kiếm tiền, với lứa cầu thủ cực "hot" của khóa I Học viện HAGL - Arsenal JMG, trong 4 mùa đầu tiên (2015-2018), đội bóng Phố núi là CLB duy nhất có thể tự nuôi mình.
Nói đến việc bóng đá kiếm tiền, với lứa cầu thủ cực “hot” của khóa I Học viện HAGL - Arsenal JMG, trong 4 mùa đầu tiên (2015-2018), đội bóng Phố núi là CLB duy nhất có thể tự nuôi mình. Ở giai đoạn này, HAGL trung bình mỗi năm thu được 20 tỷ đồng từ nhà tài trợ chính (NutiFood và VP Milk). Cộng thêm các nhà tài trợ phụ đặt bảng quảng cáo, tiền cho thuê ki-ốt xung quanh khuôn viên sân, tiền bán trang phục và đồ lưu niệm… khoảng 30 tỷ đồng. Đặc biệt, trong 2 mùa bóng đầu tiên xuất hiện ở V.League, lứa Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh… mang về tới gần 3 tỷ đồng tiền vé/mùa khi sân Pleiku luôn kín 10 ngàn chỗ ngồi. Tổng số tiền hơn 50 tỷ đồng này hoàn toàn đủ để HAGL tự trang trải hoạt động mà không cần nhờ “bầu” Đức.
Riêng kênh YouTube của HAGL có hơn 318 ngàn người đăng ký, tháng 7-2019 lọt vào tốp 5 CLB thế giới có lượt xem nhiều nhất. Tiếc là độ “hot” của HAGL giảm dần theo các ngôi sao “để cả tuổi thanh xuân trụ hạng”, kéo theo nguồn thu cũng sa sút.
Ngoài ra, cũng phải kể đến CLB B.Bình Dương. Không còn là “Chelsea Việt Nam” nhưng nguồn thu của đội bóng 4 lần vô địch V.League những năm qua vẫn giữ ở mức tương đối ổn định hằng năm, không kể hợp đồng tài trợ 15 tỷ đồng từ bán bảng quảng cáo trên sân, 3 tỷ đồng từ các hoạt động chuyển nhượng cầu thủ, 2 tỷ đồng bán vé…
Phương Duy