Báo Đồng Nai điện tử
En

Không nên để mạnh ai nấy làm

09:03, 30/03/2020

Sau Chỉ thị số 15 của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19, các CLB mạnh ai nấy làm theo cách hiểu của mình.

Sau Chỉ thị số 15 của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19, các CLB mạnh ai nấy làm theo cách hiểu của mình. Đội chưa kịp tập trung thì tiếp tục cho cầu thủ ở nhà, đội đã hội quân thì “cấm trại” mà không thể tập luyện bình thường. Càng hoang mang khi không biết tình hình “án binh bất động” này liệu đến ngày 15-4 có chấm dứt? Giải tán đội thì hệ lụy khó lường mà duy trì không thi đấu, tập luyện thì lãng phí, nhất là với các đội bóng nhà nghèo.

Vấn đề giảm lương cầu thủ như đề nghị của FIFA chưa được các CLB V.League đặt ra vì với bóng đá Việt Nam thu nhập từ thi đấu (bán vé, bản quyền truyền hình…) chỉ là… cho vui (ngoại trừ CLB Nam Định có nguồn thu từ bán vé vào sân tới 4 tỷ đồng/mùa). Kinh phí hoạt động cả mùa (khoảng 30-45 tỷ đồng với CLB trung bình) đã được thông qua từ đầu năm và nguồn chi là từ các “ông bầu”, nhà tài trợ hoặc ngân sách địa phương, nên không có chuyện “thâm hụt” ngân quỹ như các CLB ở châu Âu vốn có thi đấu, có thu mới có chi.

Tuy nhiên, nếu giải tiếp tục hoãn kéo dài, ngưng nhiều tháng thì sẽ là vấn đề, cần tính toán. Bởi, giàu có như CLB TP.HCM cũng không thể cứ bỏ ra hơn 4 tỷ đồng quỹ lương hằng tháng, trả đủ tiền “lót tay” cả 1-2 tỷ đồng cho cầu thủ để “ngồi chơi xơi nước”. Nhưng giảm lương thì phải đồng bộ, nếu không cầu thủ sẽ so bì. VPF và tất cả các CLB phải đồng thuận, thống nhất chủ trương thì mỗi đội mới có cơ sở để thương thảo với cầu thủ.           

Trần Đỗ

 

Tin xem nhiều