Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài 1: Cổ tích nhưng không... từ trên trời rơi xuống!

10:02, 02/02/2018

Cuộc phiêu lưu 3 tuần kỳ diệu trên đất Trung Quốc cùng kỳ tích lịch sử đến ngôi á quân châu Á của U.23 Việt Nam là hành trình ngoài sức tưởng tượng, không dễ lý giải bằng câu chữ, nhưng cần được mổ xẻ thấu đáo để rút ra những bài học cho tương lai.

Cuộc phiêu lưu 3 tuần kỳ diệu trên đất Trung Quốc cùng kỳ tích lịch sử đến ngôi á quân châu Á của U.23 Việt Nam là hành trình ngoài sức tưởng tượng, không dễ lý giải bằng câu chữ, nhưng cần được mổ xẻ thấu đáo để rút ra những bài học cho tương lai. Từ bài nay, Báo Đồng Nai cố gắng thử đi tìm nguyên nhân để giải thích cho sự thăng hoa kỳ lạ.

HLV Park Hang-seo (trái) thăm Học viện HAGL-Arsenal JMG sau kỳ tích ở vòng chung kết U.23 châu Á 2018.
HLV Park Hang-seo (trái) thăm Học viện HAGL-Arsenal JMG sau kỳ tích ở vòng chung kết U.23 châu Á 2018.

Đội tuyển U.23 Việt Nam tại VCK U.23 châu Á 2018 là tập hợp của 2 lứa U.19 tài năng. Đó là 9 cầu thủ của lứa sinh năm 1995-1996 (tất cả đều ra sân) từng gây chấn động vùi dập U.19 Australia 5-1, đoạt vé dự VCK U.19 châu Á 2014 gồm: Vũ Văn Thanh, Duy Mạnh, Bùi Tiến Dũng (trung vệ), Đức Huy, Hồng Duy, Xuân Trường, Văn Toàn, Văn Đức, Công Phượng và 9 gương mặt của lứa đàn em 1997 trở về sau (7 người thi đấu) làm nên lịch sử đồng hạng 3 U.19 châu Á 2016, giành vé đến World Cup U.20: Bùi Tiến Dũng (thủ môn), Đoàn Văn Hậu, Đình Trọng, Quang Hải, Thái Quý, Bùi Tiến Dụng, Trọng Đại, Đức Chinh, Thành Chung (tiền vệ 21 tuổi Quang Hải không phải bỗng nhiên “anh hùng xuất thiếu niên” mà đã từng sát cánh cùng lứa đàn anh Công Phượng, Xuân Trường vào năm 2014, khi mới 17 tuổi). Chỉ có 5 cái tên là không đi lên từ các đội tuyển trẻ quốc gia.

Không chỉ vậy, khi tuổi vừa đôi mươi, 5 cầu thủ đã sớm được gọi lên tuyển U.23 từ SEA Games 2015 và 8 người từng tham dự VCK U.23 châu Á 2 năm trước ở Qatar dưới thời HLV Miura. Mới nhất có 12 cầu thủ đã chinh chiến tại vòng loại U.23 châu Á cũng như SEA Games năm ngoái dưới trướng HLV Hữu Thắng. Ở bình diện cao hơn, trung vệ Bùi Tiến Dũng, Văn Thanh, Xuân Trường, Công Phượng, Văn Toàn đã tham gia đội tuyển quốc gia từ AFF Cup 2016 và trong danh sách triệu tập gần nhất của đội tuyển Việt Nam trong trận tiếp Afghanistan ở vòng loại Asian Cup 2019, có đến 11 cái tên U.23 vừa làm nên lịch sử.

Dài dòng dẫn ra những con số như thế để thấy HLV Park Hang-seo may mắn sở hữu một tập thể đã sớm được trui rèn, tôi luyện kinh qua rất nhiều giải đấu, thử thách từ khi còn rất trẻ cùng hàng loạt chuyến tập huấn tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Đức... Chính những kinh nghiệm tích lũy trong các cuộc đối đầu, cọ xát với những đối thủ hàng đầu châu lục ở 2 VCK U.19 châu Á, VCK U.23 2016, U.20 World Cup 2017, và đặc biệt thất bại đau đớn ở AFF Cup 2016 và SEA Games 29 mới 5 tháng trước đó, đã giúp các cầu thủ cứng cáp, trưởng thành mạnh mẽ.

Tuy nhiên các đội tuyển chỉ là phần ngọn, cái gốc của thành quả lịch sử hôm  nay là cả quá trình vun bón, chăm bẵm của 10 năm “trồng người”, bắt đầu từ năm 2007 với sự hình thành Học viện HAGL - Arsenal JMG. 2 năm sau, Quỹ Đầu tư và phát triển tài năng bóng đá Việt Nam (PVF) ra đời với sự hậu thuẫn từ Tập đoàn Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng. Noi gương “bầu” Đức, ngoài Bắc “bầu” Hiển cũng âm thầm tập trung cho tuyến trẻ, rồi Viettel... Trong môi trường chính quy, tử tế, tuyển U.23 là những sản phẩm chất lượng nhất trong lịch sử đào tạo trẻ của bóng đá Việt Nam, không chỉ về chuyên môn mà cả đạo đức, tác phong chuyên nghiệp, chất trong trẻo. Có thể nói, U.23 Việt Nam là hội tụ nguyên khí của bóng đá quốc gia.

Câu chuyện cổ tích trên đất Trung Quốc không hề có “ông bụt” cho 3 điều ước, mà đó là thành quả của một thế hệ cầu thủ tài năng, được đào tạo bài bản, trui rèn, trưởng thành qua thất bại, được một HLV giỏi, biết khơi gợi nâng lên tầm cao mới và một giải đấu thăng hoa.

Minh Chung

Bài 2: Tinh thần Phù Đổng

Tin xem nhiều