Bất chấp sự phản đối của Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ và các đồng minh châu Âu, ngày 20-9 Mỹ đã đơn phương tuyên bố phục hồi các lệnh trừng phạt của LHQ nhằm vào Iran, đồng thời cảnh báo trừng phạt bất kỳ quốc gia nào vi phạm.
Bất chấp sự phản đối của Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ và các đồng minh châu Âu, ngày 20-9 Mỹ đã đơn phương tuyên bố phục hồi các lệnh trừng phạt của LHQ nhằm vào Iran, đồng thời cảnh báo trừng phạt bất kỳ quốc gia nào vi phạm.
Tổng thống Trump ký quyết định rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran. Ảnh: Reuters. |
Bước đi mới nhất của Washington giáng một đòn mạnh vào uy tín của HĐBA LHQ và có nguy cơ làm leo thang những căng thẳng mới. Lý giải cho quyết định của mình, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho rằng Iran vẫn là nước tài trợ khủng bố lớn nhất thế giới, vì vậy Mỹ sẽ tái áp đặt các lệnh trừng phạt của LHQ đối với Tehran để lệnh cấm vận vũ khí với nước này sẽ kéo dài vô thời hạn.
Tuy nhiên, quyết định của Mỹ lại vấp phải sự phản đối không chỉ của Nga, Trung Quốc, mà cả các đồng minh châu Âu như Pháp, Đức và Anh. Những nước này cho rằng mọi quyết định hay biện pháp đơn phương được đưa ra nhằm tái áp đặt các lệnh trừng phạt chống Iran đều không có bất kỳ hiệu lực pháp lý nào. Về phần mình, Iran gọi việc Mỹ tái áp dụng biện pháp trừng phạt là một hành động “bắt nạt” và các nước cần phải lên tiếng, nếu không họ sẽ là nạn nhân tiếp theo của Washington.
Lệnh trừng phạt của LHQ đối với Iran vốn đã được dỡ bỏ khi nước này và Nhóm P5+1 (Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga cùng với Đức) đã ký thỏa thuận hạt nhân lịch sử vào năm 2015. Tuy nhiên, sau khi lên nắm quyền, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã rút khỏi thỏa thuận này vào năm 2018.
Quốc Trung