Sau các Tiểu vương quốc A-rập Thống nhất (UAE) đến lượt Bahrain chính thức bình thường hóa quan hệ với Israel. Với sự trung gian của Tổng thống Mỹ Donald Trump, Israel đang cải thiện quan hệ với các quốc gia Vùng Vịnh, vốn "không ưa" Nhà nước Do Thái.
Sau các Tiểu vương quốc A-rập Thống nhất (UAE) đến lượt Bahrain chính thức bình thường hóa quan hệ với Israel. Với sự trung gian của Tổng thống Mỹ Donald Trump, Israel đang cải thiện quan hệ với các quốc gia Vùng Vịnh, vốn “không ưa” Nhà nước Do Thái.
Ngoại trưởng Bahrain, Thủ tướng Israel, Tổng thống Mỹ và Ngoại trưởng UAE (từ trái sang) trong lễ ký Hiệp định Abraham tại Nhà Trắng, ngày 15-9. Ảnh: AP |
Ngày 15-9, tại Washington, với sự chủ trì của Tổng thống Trump, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cùng Ngoại trưởng UAE và Bahrain chính thức ký các thỏa thuận bình thường hóa quan hệ. Đây được coi là sự kiện lịch sử, mở ra chương mới cho mối quan hệ hợp tác giữa Israel và hai quốc gia A-rập Vùng Vịnh, đồng thời tạo động lực cho tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa Nhà nước Do Thái và các nước A-rập Hồi giáo.
Trước đó, Israel và UAE đã thực hiện chuyến bay thương mại đầu tiên trong lịch sử và đang xúc tiến mở đại sứ quán ở mỗi nước. Trong khi đó, các cuộc gặp cấp bộ giữa Israel và Bahrain đã liên tục diễn ra để thảo luận về các hợp tác thương mại, công nghiệp và du lịch. Bình thường hóa quan hệ với hai quốc gia A-rập chỉ trong một thời gian ngắn được xem là thắng lợi ngoại giao cho Israel và Thủ tướng Netanyahu, giúp nước này dần phá đi thế cô lập bởi thế giới A-rập Hồi giáo.
Mặc dù cùng là đồng minh chiến lược của Mỹ, nhưng Israel và UAE, Bahrain lại ở hai “chiến tuyến” khác nhau. Do đó, việc kết nối thành công giữa Nhà nước Do Thái và các quốc gia A-rập Hồi giáo là thắng lợi lớn của Tổng thống Trump. Thành tích này giúp ông được đề cử giải Nobel Hòa bình. Lợi ích thực tế và rõ ràng hơn là các cử tri Do Thái sẽ dồn phiếu cho ông trong cuộc bầu cử sắp tới.
Quốc Trung