Nhật Bản hôm nay đã đưa ra sự phản đối ngoại giao với Trung Quốc xung quanh một bài viết đăng tải trên tờ báo chính thống nước này thách thức quyền sở hữu đảo Okinawa của Nhật Bản.
Nhật Bản hôm nay đã đưa ra sự phản đối ngoại giao với Trung Quốc xung quanh một bài viết đăng tải trên tờ báo chính thống nước này thách thức quyền sở hữu đảo Okinawa của Nhật Bản.
"Chúng tôi phản đối tại cả Tokyo và Bắc Kinh về bài bình luận của tờ People's Daily, và sau đó là một bình luận của Bộ ngoại giao Trung Quốc", một quan chức Bộ ngoại giao Nhật chịu trách nhiệm về các vấn đề Trung Quốc cho biết.
"Chúng tôi đã nói với họ rằng nếu chính phủ Trung Quốc cũng có quan điểm nghi ngờ đối với quyền sở hữu của Nhật Bản tại Okinawa, chúng tôi không bao giờ chấp nhận như vậy và phản đối mạnh mẽ điều đó", quan chức trên nói.
"Phía Trung Quốc trả lời rằng quan điểm trong bài bình luận chỉ đơn thuần của của các học giả", ông nói thêm.
Trước đó, vào ngày 8/5, tờ People's Daily, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, đã đăng tải một bài viết dài, trong đó kêu gọi xem xét lại quyền sở hữu của Nhật Bản đối với Okinawa và nói rằng Bắc Kinh có thể là chủ sở hữu hợp pháp.
Okinawa có khoảng 1,3 triệu dân, hầu hết là công dân Nhật Bản và nói tiếng Nhật. Nơi đây cũng có các căn cứ quân sự quan trọng của Mỹ.
Các tác giả của bài báo, 2 học giả tại Viện khoa học xã hội Trung Quốc, tổ chức nghiên cứu chính sách hàng đầu của Trung Quốc, nói rằng quần đảo Ryukyu từng là “nước chư hầu” của Trung Quốc trước khi Nhật Bản sáp nhập quần đảo vào cuối những năm 1800.
Sau bài viết trên, Bộ ngoại giao Trung Quốc được cho là đã nói rằng "lịch sử của Ryukyu và Okinawa từ lâu đã thu hút sự chú ý của các học giả".
Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga hôm qua đã bác bỏ bài báo của tờ People's Daily là "thiếu suy nghĩ" và nói rằng quyền sở hữu của Nhật Bản với Okinawa "là một sự thật được lịch sử và cộng đồng quốc tế thừa nhận".
Bài viết của tờ People's Daily diễn ra giữa lúc Tokyo và Bắc Kinh có tranh chấp chủ quyền liên quan tới một quần đảo ở Hoa Đông.
Hai cường quốc châu Á đã vướng vào một cuộc chiến ngôn từ vì cuộc tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư trong những tháng gần đây. Các tàu của Bắc Kinh liên lục đi vào vùng biển quanh Senkaku/Điếu Ngư, làm bùng phát những lo ngại về một cuộc xung đột vũ trang.
Các nhà phân tích cho rằng việc Trung Quốc đòi chủ quyền đối với Okinawa có thể là nhằm nâng vị thế của nước này đối với cuộc tranh chấp liên quan tới Senkaku/Điếu Ngư.
Theo AFP