Sáng qua, hàng trăm nạn nhân sống sót sau vụ sập tòa nhà 8 tầng tại Bangladesh đã biểu tình đòi bồi thường. Trong khi đó số người được xác định thiệt mạng trong thảm họa này đã vượt 700 người.
Sáng qua, hàng trăm nạn nhân sống sót sau vụ sập tòa nhà 8 tầng tại Bangladesh đã biểu tình đòi bồi thường. Trong khi đó số người được xác định thiệt mạng trong thảm họa này đã vượt 700 người.
Hãng tin AP dẫn lời cơ quan cảnh sát cho biết tính đến chiều nay, số người thiệt mạng trong vụ sập tòa nhà Rana Plaza hôm 24/4 đã lên đến 705 người, khiến đây trở thành thảm họa tồi tệ nhất của ngành dệt may thế giới.
Trước đó, những thảm họa tồi tệ nhất trong ngành dệt may thế giới có thể kể đến tai nạn tại nhà máy Triangle Shirtwaist tại New York, Mỹ năm 1911 khiến 146 người chết. Gần đây hơn có vụ hỏa hoạn năm 2012 tại Pakistan cướp đi sinh mạng của 216 người. Cũng trong năm 2012, một vụ hỏa hoạn tại một xưởng may ở Bangladesh khiến 112 người chết.
Theo cơ quan chức năng, rất khó để biết được con số người chết cuối cùng tại Rana Plaza sẽ là bao nhiêu bởi không ai biết chính xác bao nhiêu người có mặt bên trong tòa nhà này khi thảm họa ập xuống. Có hơn 2500 người đã được cứu thoát khỏi đống đổ nát.
Trong ngày hôm nay, hàng trăm công nhân từng làm việc trong tòa nhà này đã chặn một đường cao tốc lớn gần nơi xảy ra thảm họa tại thủ đô Dhaka để biểu tình đòi chi trả lương và các quyền lợi khác. Mặc dù không có tình trạng bạo lực xảy ra nhưng cuộc biểu tình khiến giao thông bị gián đoạn hàng giờ liền.
Đại diện chính quyền địa phương, ông Yousuf Harun cho biết họ đang phối hợp với Hiệp hội các doanh nghiệp may mặc và xuất khẩu Bangladesh (BGMEA) để đảm bảo các công nhân được trả lương đầy đủ.
Những công nhân may mắn thoát nạn, nhiều người trong số họ chỉ có mức lương cao hơn chút ít mức tối thiểu 38 USD/tháng, đang yêu cầu được chi trả ít nhất 4 tháng lương. Họ yêu cầu chính phủ phải thanh toán lương và các phúc lợi khác trong ngày hôm nay.
Ông Harun cho biết ngoại trừ tiền lương tháng 4 chưa được thanh toán, các tháng trước đó công nhân đều được trả lương đầy đủ. Chính quyền cũng đồng ý chi thêm cho các công nhân 3 tháng lương nữa. Sau khi đại diện của BGMEA tới nơi diễn ra biểu tình và cam kết thanh toán, các công nhân đã ngừng phong tỏa tuyến đường trên.
Trước đó, trong ngày hôm qua, BGMEA khẳng định đang lập một danh sách đầy đủ các công nhân đã làm việc tại các xưởng may trong tòa nhà và họ cần vài ngay để hoàn thành nó cũng như chuyển lương cho công nhân.
Về phần mình, các quan chức chưa đưa ra khung thời gian cụ thể nào cho việc hoàn tất hoạt động thu dọn hiện trường với khẳng định sẽ còn tiếp tục cho đến khi mọi thi thê và mảnh vỡ của tòa nhà được dọn sạch.
Theo AP