Từ khi Việt Nam mở cửa đón dòng vốn ngoại thì khu vực Đông Nam bộ luôn là nơi dẫn đầu cả nước trong thu hút đầu tư. Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT) NGUYỄN ANH TUẤN nhận định, trong những năm tới, Đông Nam bộ sẽ vẫn là khu vực được các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chú ý nhất.
Từ khi Việt Nam mở cửa đón dòng vốn ngoại thì khu vực Đông Nam bộ luôn là nơi dẫn đầu cả nước trong thu hút đầu tư. Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT) NGUYỄN ANH TUẤN nhận định, trong những năm tới, Đông Nam bộ sẽ vẫn là khu vực được các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chú ý nhất.
Cục phó Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT) Nguyễn Anh Tuấn. Ảnh: H.Giang |
Theo Bộ KH-ĐT, dòng vốn FDI đầu tư vào Đông Nam bộ chiếm hơn 41% tổng vốn FDI của cả nước. Lĩnh vực thu hút được nhiều tập đoàn, DN FDI là: công nghiệp, thương mại dịch vụ, bất động sản. Dòng vốn FDI giúp cho khu vực Đông Nam bộ phát triển, đóng góp khoảng 33% GDP của Việt Nam.
* “Trung tâm kinh tế” của Việt Nam
* Dòng vốn FDI đóng một vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế của Đông Nam bộ. Theo ông, những lĩnh vực nào hưởng lợi nhiều từ dòng vốn ngoại?
- Hơn 30 năm trước, DN từ các nước bắt đầu đến Việt Nam đầu tư vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp, thương mại dịch vụ. Khi đó, các tỉnh, thành ở Đông Nam bộ là nơi đón được vốn FDI sớm và nhiều hơn so với những khu vực khác, bởi đây là khu vực tập trung đông dân cư, kinh tế phát triển, giao thông thuận lợi. Các tỉnh, thành cũng năng động, chuẩn bị sẵn đất đai, hạ tầng kỹ thuật, nguồn nhân lực để mời gọi những DN FDI đầu tư vào.
Trong đó, TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu là nơi đi đầu trong thu hút đầu tư FDI để phát triển công nghiệp, dịch vụ. Nhiều khu công nghiệp được hình thành, giải quyết việc làm ổn định cho hàng triệu lao động trên cả nước. Công nghiệp phát triển kéo theo thương mại dịch vụ, logistics, bất động sản… phát triển mạnh. Do đó, Đông Nam bộ cũng trở thành khu vực có đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách của quốc gia.
Các dự án FDI sau khi hoàn thành đi vào hoạt động cũng thúc đẩy khối DN có vốn đầu tư trong nước phát triển theo để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
* Theo ông, đâu là điểm mạnh, điểm yếu của khu vực Đông Nam bộ trong thu hút nguồn vốn FDI?
- Tôi nghĩ điểm mạnh của vùng Đông Nam bộ là có giao thông kết nối thuận lợi. Đặc biệt, tới đây khi sân bay quốc tế Long Thành cùng các đường cao tốc như: Bến Lức - Long Thành, Dầu Giây - Phan Thiết, Dầu Giây - Liên Khương, Biên Hòa - Vũng Tàu xây dựng xong và đi vào khai thác sẽ tạo ra đột phá lớn cho vùng trong thu hút đầu tư FDI để phát triển kinh tế. Vì giao thông đường bộ, hàng không, đường thủy đều rất hiện đại, DN đầu tư vào khu vực này hàng hóa vận chuyển qua các vùng lân cận thuộc Tây nguyên, miền Tây, Nam Trung bộ… hoặc xuất khẩu sẽ rút ngắn được thời gian.
Một trong những yếu tố quan trọng để DN FDI lựa chọn đầu tư vào là hạ tầng giao thông, đất đai, chính sách, nguồn nhân lực. Theo tôi, những điều trên Đông Nam bộ đều hội tụ đủ.
Bên cạnh đó, Đông Nam bộ còn là trung tâm phát triển công nghiệp, thương mại dịch vụ hàng đầu của Việt Nam, dân số đông nên các DN FDI đầu tư vào khu vực này sẽ dễ dàng tìm được đối tác cung ứng đầu vào, đầu ra cho sản xuất.
Trong thu hút vốn FDI, vùng Đông Nam bộ có sự chọn lọc kỹ, chỉ đón những dự án có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, ứng dụng công nghệ cao đem lại giá trị gia tăng lớn. Điều này có thể hạn chế dòng vốn FDI vào khu vực, nhưng về lâu dài sẽ đem lại lợi ích rất lớn là hướng đến phát triển bền vững.
Tại một số tỉnh, thành trong khu vực, diện tích đất cho phát triển công nghiệp còn ít, thủ tục còn rườm rà. Nếu khắc phục được những hạn chế trên đây sẽ là nơi thu hút được nhiều tập đoàn lớn trong nước và trên thế giới.
* Thời gian tới, khu vực Đông Nam bộ cần chuẩn bị những gì để thu hút được dòng vốn FDI chất lượng cao?
- Không chỉ riêng Đông Nam bộ mà các tỉnh, thành khác trên cả nước đều đã qua thời kỳ thu hút đầu tư FDI bằng mọi giá. Do đó, những dự án FDI thu hút được đòi hỏi đầu tiên phải có công nghệ thân thiện với môi trường, ít gây ô nhiễm.
Với Đông Nam bộ, nhất là “tứ giác kinh tế” gồm: TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu là nơi rất nhiều DN FDI muốn đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, giáo dục, y tế, bất động sản, du lịch… Để thu hút được dòng vốn FDI chất lượng cao, tôi nghĩ các tỉnh, thành nên chuẩn bị đầy đủ những yếu tố nhà đầu tư cần là: quy hoạch, đất đai, chính sách đầu tư rõ ràng, cụ thể. Sau đó, xúc tiến đầu tư với các nước để mời gọi DN, tập đoàn của nhiều quốc gia tham gia vào các dự án.
Các tỉnh, thành có thể thông qua lãnh sự quán của từng nước, đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài, những tập đoàn FDI lớn đã đầu tư vào khu vực thành công để kết nối với những DN đang có ý định đầu tư vào Việt Nam. Qua đó, trao đổi những thông tin, chính sách và đưa ra danh mục từng dự án đang tiến hành kêu gọi đầu tư để DN FDI biết và lựa chọn.
* Hỗ trợ nhau để cùng phát triển
* Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, khu vực Đông Nam bộ tuy có công nghiệp phát triển nhất cả nước nhưng các ngành nghề chưa có sự liên kết chặt chẽ để tạo thành chuỗi. Ông đánh giá sao về việc này?
- Từ trước đến nay, Đông Nam bộ luôn là khu vực thu hút vốn FDI lớn nhất cả nước. Trong đó, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai luôn nằm trong tốp đầu cả nước về thu hút dòng vốn ngoại. Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây, thu hút vốn FDI vào Đồng Nai có dấu hiệu chậm lại. Nguyên nhân không phải do tỉnh kém hấp dẫn nhà đầu tư mà vì không còn diện tích đất công nghiệp lớn để cho thuê.
Cục phó Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT) Nguyễn Anh Tuấn (phải) trao đổi về thu hút đầu tư bên lề Hội nghị Xúc tiến đầu tư với doanh nghiệp Hàn Quốc mới tổ chức tại TP.HCM. Ảnh: H.Giang |
Theo tôi được biết, mỗi tỉnh, thành đều có quy hoạch phát triển công nghiệp khá kỹ lưỡng, trong từng khu công nghiệp đều có phân thành từng khu theo từng ngành nghề khác nhau để có sự liên kết phối hợp để tăng hiệu quả. Thế nhưng, nhìn tổng thể thì các tỉnh, thành Đông Nam bộ, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nên có “nhạc trưởng” để điều phối tạo thành chuỗi. Như vậy, trong thu hút đầu tư sẽ tránh trùng lặp, có thể hỗ trợ lẫn nhau tạo ra chuỗi cung ứng giúp các DN chủ động hơn trong sản xuất, kinh doanh, giảm nhiều chi phí trong vận chuyển nguyên liệu đầu vào và sản phẩm đầu ra.
* Các dự án của DN FDI vào Đông Nam bộ góp phần thúc đẩy DN trong nước phát triển và từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Theo ông, trong chuỗi cung ứng trên, DN trong nước chiếm vị trí như thế nào?
- Chính phủ nhiều lần khẳng định, đầu tư FDI có vai trò quan trọng trong nền kinh tế của Việt Nam. Trong đó có nhiều dự án FDI dẫn đầu về ứng dụng công nghệ cao và tham gia vào kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh. Điều này thúc đẩy DN có vốn đầu tư trong nước muốn tham gia vào chuỗi cung ứng cho DN FDI buộc phải tái cơ cấu, chuyển đổi sang sử dụng máy móc thiết bị tiên tiến để đảm bảo về năng suất, chất lượng, môi trường. Tham gia vào chuỗi cung ứng cho DN FDI tại Việt Nam các DN trong nước có nhiều cơ hội mở rộng sản xuất, xuất khẩu qua các nước khác.
Những năm gần đây, các DN FDI khi đầu tư vào Việt Nam thường ưu tiên tìm nguồn nguyên liệu tại thị trường nội địa, đặc biệt là từ khi xảy ra dịch bệnh Covid-19. Việc này giúp cho DN trong nước có thêm cơ hội tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu và đóng mắt xích quan trọng trong chuỗi.
* Thưa ông, các hiệp định thương mại tự do đã đem đến cho Việt Nam những cơ hội gì trong thu hút đầu tư FDI?
- Việt Nam là nước tham gia vào hội nhập sâu nhanh và rộng, với 15 hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương đã ký kết và có hiệu lực. Trong đó, có 3 hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới đều có Việt Nam là thành viên gồm: CPTPP, EVFTA, RCEP.
Những hiệp định trên giúp cho Việt Nam tăng xuất khẩu và thu hút được vốn ngoại nhiều hơn. Đơn cử năm 2022, kinh tế toàn cầu suy giảm, nhiều quốc gia tăng trưởng âm, lạm phát cao, thế nhưng thu hút vốn FDI vào Việt Nam vẫn đạt hơn 25 tỷ USD và giải ngân gần 20 tỷ USD. Khu vực Đông Nam bộ, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai vẫn nằm trong tốp đầu cả nước về thu hút dòng vốn ngoại.
* Xin cảm ơn ông!
Hương Giang (thực hiện)