Báo Đồng Nai điện tử
En

Doanh nghiệp Nhật Bản tiếp tục tìm cơ hội đầu tư vào Đồng Nai

07:09, 26/09/2022

Ông HIROYUKI ISHIL, Tổng giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Long Đức có cuộc trao đổi với Báo Đồng Nai về xu hướng đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản trong thời gian tới.

Ông Hiroyuki ishil
Ông Hiroyuki Ishil

Các doanh nghiệp (DN) đầu tư vào Khu công nghiệp (KCN) Long Đức (H.Long Thành) đa số đến từ Nhật Bản. Để rõ hơn về xu hướng đầu tư của DN Nhật Bản trong thời gian tới, phóng viên Báo Đồng Nai đã có trao đổi với ông HIROYUKI ISHIL, Tổng giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Long Đức. 

Công ty TNHH Đầu tư Long Đức thuộc Tập đoàn Sojitz (Nhật Bản). Năm 2007, Tập đoàn Sojitz đã đầu tư hạ tầng KCN Long Đức với diện tích hơn 280ha. KCN Long Đức thu hút 66 DN  trong nước, nước ngoài đầu tư với tổng vốn hơn 2 tỷ USD. Trong KCN có hơn 50 DN đến từ Nhật Bản.

* Sản xuất hàng hóa cho khu vực Đông Nam Á

 * Sau 15 năm đầu tư vào Đồng Nai, ông đánh giá như thế nào về môi trường đầu tư của tỉnh?

- Đồng Nai là điểm đến được nhiều DN Nhật Bản cũng như nước ngoài chọn lựa. Bởi tỉnh có các tiêu chí mà các nhà đầu tư cần như: là trung tâm công nghiệp lớn của Việt Nam, hạ tầng KCN được xây dựng hoàn chỉnh, giao thông kết nối thuận lợi, gần TP.HCM. Các DN thuê đất xây dựng nhà máy tại Đồng Nai dễ dàng vận chuyển hàng hóa cung ứng cho trong nước và xuất khẩu. Trong những năm qua, ngoài Sojitz thì nhiều tập đoàn của Nhật Bản đã đầu tư vào tỉnh như: Mitsubishi, Forval, Shiseido, Canon, Ajinomoto, Toshiba, Lixil, Plus, Kobelco… Sau một thời gian đầu tư vào tỉnh, nhiều DN Nhật Bản đã mở rộng sản xuất để cung ứng cho các đối tác trong và ngoài nước. Điều này chứng tỏ môi trường đầu tư của tỉnh luôn hấp dẫn các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản.

* Hơn 50 DN Nhật Bản đã đầu tư vào KCN Long Đức, hoạt động của họ hiện ra sao, đặc biệt sau đại dịch Covid-19?

- Hầu hết các DN Nhật Bản cũng như DN khác đầu tư vào KCN Long Đức hoạt động tương đối hiệu quả. Trong đó, có những DN đã điều chỉnh tăng vốn gấp 2-3 lần so với đăng ký ban đầu. Một số DN Nhật Bản sau một vài năm đầu tư vào KCN Long Đức đã đầu tư thêm nhà máy ở các KCN khác của Đồng Nai để đa dạng sản phẩm phục vụ cho xuất khẩu.

Mục tiêu của các DN Nhật Bản là xây dựng nhà máy sản xuất để cung ứng cho cả khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, rất tiếc là KCN Long Đức đã hết đất cho thuê nên nhiều DN Nhật Bản phải tìm đất ở các khu vực khác để mở thêm nhà máy.

Hiện nay, các DN trong KCN Long Đức đã hồi phục sản xuất, có những DN tăng công suất so với thời điểm chưa xảy ra dịch. Về phía công ty hạ tầng cũng thường xuyên trao đổi với DN trong khu để nắm bắt những khó khăn, vướng mắc, kịp thời hỗ trợ giải quyết, tạo môi trường thuận lợi để DN hoạt động.

* Sẽ có làn sóng đầu tư mới vào Đồng Nai

* Theo ông, trong những năm tới điểm đến của các DN Nhật Bản có sự thay đổi như thế nào?

- Qua tìm hiểu, tôi thấy nhiều DN Nhật Bản vẫn xem Việt Nam là nơi có nhiều tiềm năng để đầu tư vào các lĩnh vực như: công nghiệp, thương mại dịch vụ, logistics, hạ tầng kỹ thuật. Hơn 2 năm qua, đa số các nước trên thế giới gặp khó khăn về dịch bệnh, kinh tế suy giảm mạnh, nhiều quốc gia tăng trưởng âm thì Việt Nam vẫn giữ mức tăng trưởng khá cao so với các nước trong khu vực. Khi dịch bệnh Covid-19 lắng xuống, Việt Nam cũng là nước phục hồi kinh tế khá nhanh, điều này đã thu hút các DN Nhật Bản cũng như nhiều nước khác muốn đầu tư vào. Đồng Nai là nơi có nhiều DN Nhật Bản đầu tư và rất thành công nên theo tôi, trong thời gian tới sẽ có “làn sóng” mới các DN Nhật Bản đến tỉnh đầu tư vào một số lĩnh vực.

Các doanh nghiệp Đồng Nai giới thiệu sản phẩm để cung ứng cho doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Long Đức  (H.Long Thành) và các khu công nghiệp khác. Ảnh: Hương Giang
Các doanh nghiệp Đồng Nai giới thiệu sản phẩm để cung ứng cho doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Long Đức (H.Long Thành) và các khu công nghiệp khác. Ảnh: Hương Giang

* Đồng Nai cần làm gì để đón được “làn sóng” đầu tư mới này, thưa ông?

- Tôi nghĩ Đồng Nai là nơi có nhiều tiềm năng, lợi thế nên không chỉ DN Nhật Bản mà DN nhiều nước khác cũng muốn đầu tư mới, mở rộng đầu tư vào tỉnh. Vấn đề vướng mắc nhất của tỉnh hiện nay là thiếu đất công nghiệp với diện tích lớn cho nhà đầu tư thuê để làm nhà xưởng sản xuất. Do đó, tỉnh chỉ cần chuẩn bị sẵn quỹ đất cho công nghiệp, thương mại dịch vụ, logistics… để khi DN có nhu cầu, họ có thể ký hợp đồng thuê đất và triển khai dự án. Bên cạnh đó, tỉnh nên tiếp tục rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ để DN sớm được cấp phép đầu tư.

* KCN Long Đức đã lấp đầy, phía Tập đoàn Sojitz có dự tính sẽ đầu tư thêm hạ tầng các KCN khác tại Đồng Nai?

- Tập đoàn Sojitz đầu tư hạ tầng KCN Long Đức rất thành công, chỉ sau một thời gian đã lấp đầy nên cũng mong muốn sẽ tiếp tục đầu tư thêm các KCN tại Đồng Nai để thu hút các nhà đầu tư. Tập đoàn có nhiều năm đầu tư vào lĩnh vực trên nên có kinh nghiệm để xây dựng hoàn thiện một KCN theo hướng KCN thông minh đáp ứng được nhu cầu của DN Nhật Bản và DN đến từ các nước trên thế giới.

Thời gian qua, có nhiều tập đoàn đa quốc gia ngỏ ý muốn thuê đất tại Đồng Nai để dịch chuyển sản xuất từ một số quốc gia về. Theo tôi đây là cơ hội để tỉnh tăng thu hút đầu tư nước ngoài và có cơ hội lựa chọn các dự án công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn. Khi các tập đoàn đa quốc gia đầu tư vào Đồng Nai họ sẽ thu hút thêm các DN nhỏ là nhà cung ứng sản phẩm đầu vào sẽ giúp cho công nghiệp hỗ trợ của tỉnh phát triển.

* Xin cảm ơn ông!

Theo Sở KH-ĐT, đến cuối tháng 9-2022, các DN Nhật Bản đã đầu tư vào tỉnh trên 5,2 tỷ USD. Các dự án của DN Nhật Bản đa số thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và có công nghệ hiện đại.

Hương Giang (thực hiện)

Tin xem nhiều