Tính từ năm 2004 đến nay, đã có hàng chục ngàn cán bộ quản lý của các cơ quan và doanh nghiệp đã được TS.Phạm Văn Chắt, giảng viên cao cấp, báo cáo viên Bộ Công thương truyền thụ kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế.
Tính từ năm 2004 đến nay, đã có hàng chục ngàn cán bộ quản lý của các cơ quan và doanh nghiệp đã được TS.Phạm Văn Chắt, giảng viên cao cấp, báo cáo viên Bộ Công thương truyền thụ kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế. Ở tuổi ngoài 70, ông vẫn miệt mài truyền tải thông tin về hội nhập cho doanh nghiệp và chưa có khái niệm nghỉ ngơi.
TS.Phạm Văn Chắt đã có hơn 50 năm làm việc. Ngoài tham gia đóng góp ý kiến cho các hiệp định thương mại, ông còn hướng dẫn các doanh nghiệp nhận diện những thuận lợi, khó khăn của từng hiệp định thương mại đặc thù để có giải pháp phù hợp.
* Dấu ấn qua các FTA
* Theo ông, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) đã ký kết đem lại cho Việt Nam những lợi ích gì?
- Hiện nay, Việt Nam đang là một trong những nước dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực ký kết các FTA. Các FTA được đàm phán và ký kết trên nguyên tắc “cho và nhận”, theo đó, mỗi nước muốn được hưởng ưu đãi phải cho đối tác ưu đãi tương ứng. Với FTA thế hệ mới, trong đàm phán các bên sẽ tính đến điều kiện cụ thể, đặc biệt là trình độ phát triển kinh tế của đối tác để “cho và nhận” nên nhiều trường hợp, các nước phát triển “cho” nhiều nhưng “nhận” ít hơn các ưu đãi từ các nước kém phát triển. Thời gian qua, ngoài các FTA thế hệ mới thì Việt Nam còn ký nhiều hiệp định song phương, hiệp định chống đánh thuế 2 lần... Kết quả Việt Nam đã mở rộng quan hệ thương mại với 230 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Đặc biệt những FTA đã giúp cho xuất khẩu của Việt Nam vào nhiều thị trường có mức tăng trưởng cao. Việt Nam từ một nước nhập siêu đã trở thành xuất siêu. Tổng kim ngạch xuất khẩu mỗi năm đều tăng từ
10-12%. Các FTA giúp thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng cao hơn. Điều này đã đóng góp lớn trong tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
* Thực tế, trong những FTA đã ký kết, hiệp định nào đem lại lợi ích nhiều nhất cho Việt Nam?
- Theo tôi, hiệp định nào cũng mang lại lợi ích cho Việt Nam, nhưng các FTA thế hệ mới đem lại nhiều lợi ích lớn hơn. Tôi đơn cử như từ ngày 31-12-2015, Cộng đồng kinh tế ASEAN chính thức được thành lập, năm 2015 xuất khẩu của Việt Nam vào ASEAN đạt chỉ 4,5 tỷ USD thì năm 2018 đạt 23 tỷ USD.
TS.Phạm Văn Chắt, giảng viên cao cấp, báo cáo viên Bộ Công thương đã làm nghiên cứu và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, chuyên ngành Luật Kinh tế quốc tế ở Đức vào năm 1986. Ngoài công tác tại Bộ Công thương, ông còn tham gia giảng dạy sau đại học của nhiều viện, trường đại học, làm chuyên gia kinh tế, trọng tài viên của Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam. |
Với EU, nhờ Hiệp định Áp thuế ưu đãi đặc biệt dành cho Việt Nam nên 40% kim ngạch hàng xuất khẩu của nước ta vào EU được miễn thuế. Do đó 2015 xuất khẩu từ Việt Nam vào EU mới chỉ đạt trên 6,9 tỷ USD thì đến năm 2018 đạt gần 40 tỷ USD.
Đối với Hoa Kỳ, nhờ Hiệp định Thương mại song phương năm 2001 và Việt Nam trở thành thành viên WTO, hiện đây là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Năm 2015 xuất khẩu từ Việt Nam vào Hoa Kỳ chỉ đạt 6,9 tỷ USD thì năm 2018 đạt trên 45 tỷ USD. Tương tự như vậy là với Nhật Bản, Hàn Quốc... nhờ các hiệp định đã ký kết nên kim ngạch xuất khẩu của Việt nam vào các nước này cũng tăng từ 6-10 lần so với năm 2015.
* Từng đồng hành với quá trình đàm phán, ký kết, ông có thể kể về những dấu ấn của mình qua từng FTA?
- Tôi nghĩ rất khó ước lượng chính xác những đóng góp của từng cá nhân trong các FTA, vì đây là công sức chung của một tập thể gồm: Chính phủ, nhiều bộ, ngành..., nhưng tôi có may mắn là được tham gia soạn thảo, góp ý cho nhiều FTA. Bên cạnh đó, tôi còn được đảm nhận vai trò truyền tải các thông tin về hội nhập đến cho cán bộ các tỉnh, thành, doanh nghiệp để họ nắm rõ hơn có thể nắm bắt được các cơ hội.
Đồng Nai là nơi tôi cũng thường xuyên tham gia hội thảo, tập huấn cho các sở, ngành, doanh nghiệp các thông tin về FTA. Trong quá trình xuất nhập khẩu, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn tôi đã tư vấn cho họ cách tháo gỡ để làm sao giảm được rủi ro, đem lại hiệu quả cao.
* Nội lực doanh nghiệp Việt còn yếu
* Ông đánh giá về nội lực của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay như thế nào? Nếu cuộc chiến thương mại diễn ra với Việt Nam, liệu các doanh nghiệp Việt có đủ sức chống đỡ?
Với các FTA, doanh nghiệp nên chú ý tìm hiểu, tiếp cận thị trường qua các kênh thông tin đáng tin cậy, xây dựng, phát triển thương hiệu, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý và đăng ký bảo hộ các quyền sở hữu trí tuệ. Tham gia hội chợ, triển lãm quốc tế để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tìm cơ hội giao kết hợp đồng để thiết lập chuỗi giá trị bền vững. Ngoài ra, cần thường xuyên đào tạo nguồn lao động để tăng năng suất, sử dụng được các loại máy móc hiện đại. |
- Đến nay, Việt Nam có gần 700 ngàn doanh nghiệp đang tồn tại, nhưng trong đó hơn 95% là doanh nghiệp vừa và nhỏ đang dần trưởng thành trong hội nhập. Tuy nhiên, so với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì doanh nghiệp Việt còn nhiều khó khăn do quy mô nhỏ, vốn ít, kỹ năng sản xuất, áp dụng công nghệ mới, đặc biệt là thành tựu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 yếu, kinh nghiệm kinh doanh còn nhiều hạn chế. Đặc biệt là nguồn nhân lực chưa được đào tạo đáp ứng yêu cầu, do vậy năng lực cạnh tranh yếu không chỉ so với các doanh nghiệp FDI mà với cả doanh nghiệp các nước ASEAN như: Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan và nước láng giềng Trung Quốc.
Chiến tranh thương mại chắc khó xảy ra với Việt Nam, song chiến tranh thương mại xảy ra với các nước khác (như Mỹ - Trung...) đều đem đến cả ảnh hưởng tích cực lẫn bất lợi cho Việt Nam. Do vậy nếu không có giải pháp khai thác mặt tích cực và tránh bất lợi, Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.
* Theo ông, tham gia hội nhập doanh nghiệp Việt đang yếu nhất ở khâu nào và cần phải thay đổi ra sao?
- Trong hội nhập sâu, doanh nghiệp Việt gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, xuất khẩu do phải vượt qua các quy định ngày càng nghiêm ngặt về: công nghệ chế biến, truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, kiểm dịch động - thực vật, hàng rào kỹ thuật thương mại, tỷ lệ nội địa hóa và hình thành chuỗi giá trị sản phẩm (từ sản xuất đến tiêu thụ).
Muốn khắc phục, theo tôi doanh nghiệp cần nghiên cứu những lĩnh vực hoạt động mới mà doanh nghiệp mình có thể tận dụng để đầu tư và khởi nghiệp. Trong đó, phải chuyển đổi từ doanh nghiệp thủ công sang “doanh nghiệp số”. Đồng thời, chủ động nghiên cứu, tìm hiểu các thỏa thuận trong các FTA Việt Nam, đặc biệt là những thỏa thuận liên quan đến lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp mình, các ưu đãi thuế quan đối với những mặt hàng của doanh nghiệp đang kinh doanh khi xuất vào thị trường các nước (xác định thuế suất đã được các nước công bố trong biểu thuế để xây dựng giá chào hàng có tính cạnh tranh cao).
* Ông đã có hơn 50 năm làm việc và cống hiến cho đất nước, những đóng góp nào khiến ông tự hào nhất?
- Tôi gắn bó với ngành công thương khá lâu và làm việc qua 9 đời bộ trưởng, sau khi nghỉ hưu tiếp tục làm giảng viên cao cấp, chuyên gia trên lĩnh vực kinh tế, trọng tài viên quốc tế tại Việt Nam... Điều khiến tôi tự hào nhất trong suốt hơn 50 năm làm việc là chưa để xảy ra một sai lầm hay khuyết điểm nào gây ảnh hưởng đến đất nước. Trong mỗi nhiệm vụ được giao dù khó khăn đến đâu tôi cũng cố gắng hoàn thành tốt. Năm 2010, khi 65 tuổi tôi mới được nghỉ hưu và hơn 8 năm qua, tôi vẫn chưa có khái niệm hưu vì luôn trên chặng đường cùng các tỉnh, thành, trong đó có Đồng Nai hội nhập kinh tế quốc tế.
* Vậy còn những điều gì ông mong muốn mà chưa thực hiện được?
- Tôi đã ở tuổi 74 nhưng vẫn rèn luyện để có sức khỏe, tiếp tục chia sẻ những kinh nghiệm của mình về hội nhập với nhiều doanh nghiệp. Đồng thời, có thể hỗ trợ doanh nghiệp khi họ gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình soạn thảo hợp đồng xuất nhập khẩu.
Xin cảm ông!
Hương Giang (thực hiện)