TS.Lê Quý Kha, Phó viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam là người có nhiều bài viết giới thiệu về nông nghiệp 4.0 trên thế giới, hiệu quả của ứng dụng nông nghiệp 4.0 vào sản xuất... với mong muốn góp phần để Việt Nam không bị tụt hậu quá xa so với nhiều nước trên thế giới trong lĩnh vực này.
TS.Lê Quý Kha, Phó viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam là người có nhiều bài viết giới thiệu về nông nghiệp 4.0 trên thế giới, hiệu quả của ứng dụng nông nghiệp 4.0 vào sản xuất... với mong muốn góp phần để Việt Nam không bị tụt hậu quá xa so với nhiều nước trên thế giới trong lĩnh vực này.
Tham gia chương trình giới thiệu những ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông minh trong sản xuất nông nghiệp và các giải pháp tích hợp công nghệ 4.0 vào chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp tại Đồng Nai, TS.Lê Quý Kha đã nhấn mạnh đến khả năng ứng dụng nông nghiệp 4.0 tại Việt Nam nói chung và Đồng Nai nói riêng.
* Không để nông dân Việt Nam tụt hậu
Là người tiếp cận nhiều nền nông nghiệp khác nhau của thế giới, vậy theo quan sát của ông, sự phát triển nông nghiệp 4.0 của các nước trên thế giới như thế nào?
- Ở các nước châu Âu, từ năm 2017 nông nghiệp 4.0 bắt đầu phát triển mạnh và nhanh chóng được ứng dụng đồng loạt. Khu vực châu Á tuy còn khoảng cách khá xa so với các nước châu Âu và Mỹ nhưng Chính phủ các nước đều nhận thức rõ tầm quan trọng và xu hướng tất yếu phát triển nông nghiệp 4.0 trong chiến lược phát triển nông nghiệp của quốc gia. Tiêu biểu như Thái Lan đã sớm có chính sách phát triển nông nghiệp 4.0; trong đó tập trung đào tạo để thế hệ trẻ thành nông dân thông minh. Vượt xa các quốc gia, vùng lãnh thổ khác trong khu vực, Đài Loan (Trung Quốc) định hướng sẽ là xứ sở của chuỗi cung ứng thiết bị nông nghiệp 4.0.
Ông có thể nói rõ hơn về sự cần thiết của việc phát triển nông nghiệp 4.0 tại Việt Nam?
Nông nghiệp 4.0 đã và đang góp phần thay đổi phương thức quản lý ở tầm quốc gia, vùng sinh thái, doanh nghiệp, hộ gia đình từ kiểm soát vật tư, điều khiển quy trình sản xuất, thương mại đến tiêu dùng đều có thể ứng dụng kỹ thuật số nhằm giảm công lao động, tiết kiệm vật tư, hạ giá thành sản phẩm, kiểm soát an toàn thực phẩm, giữ môi trường trong sạch. Đặc biệt, nông nghiệp 4.0 hỗ trợ công khai, minh bạch từ quá trình sản xuất đến chế biến, tiêu thụ. |
- Nông nghiệp Việt Nam lâu nay chủ yếu phát triển theo số lượng, dựa vào tài nguyên thiên nhiên, chi phí vật tư quá cao, chi phí lao động lớn cho nên hiệu quả thấp. Một nông dân Việt Nam chỉ nuôi được 2-2,5 người, trong khi tại các nước phát triển, một lao động nông nghiệp nuôi được 100-150 người.
Lao động qua đào tạo ở khu vực nông thôn của nước ta chỉ đạt 11,2% nên năng suất lao động bình quân toàn quốc chỉ bằng 1-1,5% so với các nước phát triển. Sản xuất chia cắt, không theo chuỗi, khó kiểm soát được quy trình, tiêu chuẩn chất lượng, nguồn gốc và khó quy trách nhiệm người sản xuất. Tôi lấy ví dụ, 1 tấn đậu nành của ta có giá 800 USD, trong khi các nước chỉ khoảng 300 USD, đắt gần gấp 3 lần. Giá nhiều loại nông sản khác của Việt Nam cũng cao hơn nhiều so với các nước vì chúng ta chủ yếu sử dụng lao động chân tay. Đã đến lúc nông dân Việt nam phải tìm cách vượt qua sự cần cù, chịu khó, tiếp cận nông nghiệp 4.0 để không mãi ở thế yếu trong cạnh tranh.
Với thực trạng hiện nay, Việt Nam có khả năng phát triển nông nghiệp 4.0 không, thưa ông?
- Thực tế cho thấy, Việt Nam có một số ngành đủ khả năng tiếp cận nông nghiệp 4.0. Cụ thể ngành chăn nuôi quy mô công nghiệp về bò sữa, heo, gà, nuôi tôm, cá da trơn... đều đã ứng dụng công nghệ cao, theo chuỗi từ sản xuất đến xuất khẩu, cho nên dễ dàng ứng dụng công nghệ như kết nối với điện thoại thông minh, tự động hóa, sử dụng robot. Sản xuất rau, hoa và quả là những ngành dễ áp dụng công nghệ như: tự động hóa sản xuất cây giống; cơ giới hóa làm đất; gieo trồng, chăm sóc nhờ cảm biến dinh dưỡng đất, liều lượng phân bón và tưới nước nhỏ giọt; ứng dụng chế phẩm giúp sản xuất trái vụ...
Ngay tại Đồng Nai, tôi đã thấy nhiều doanh nghiệp tư nhân ứng dụng công nghệ 4.0 khá bài bản. Họ chỉ cần 1 lao động để điều khiển máy móc cho trang trại chăn nuôi gà đẻ trứng quy mô hàng chục ngàn con, giảm giá thành sản phẩm xuống gần 1 nửa so với cách nuôi thủ công truyền thống.
* Bắt đầu từ đào tạo con người
Nói đến nông nghiệp 4.0 là nói đến việc máy móc thay thế con người, vì vậy cần nguồn vốn lớn. Đây có là rào cản để mở rộng ứng dụng với điều kiện sản xuất tại Việt Nam hiện nay?
- Theo tôi, chúng ta phải hiểu rất cụ thể từng thành phần của nông nghiệp 4.0. Đầu tư những máy móc thiết bị hiện đại thì cần nguồn vốn lớn. Nhưng Việt Nam cũng không nên kỳ vọng là có ngay những mô hình sản xuất nông nghiệp 4.0 hiện đại, trọn gói sử dụng máy móc tự động, người máy vào sản xuất. Tùy điều kiện thực tế để áp dụng từng phần nông nghiệp 4.0. Ví dụ như ứng dụng điện thoại để điều khiển hệ thống tưới tự động hầu như không đội thêm bao nhiêu tiền so với hệ thống tưới tự động vốn có. Nông nghiệp 4.0 chỉ đơn giản là nông dân, người tiêu dùng sử dụng điện thoại thông minh để truy xuất nguồn gốc nông sản...
Vai trò của doanh nghiệp trong vấn đề này là gì, nếu chỉ xét hoàn cảnh thực tế của Việt Nam?
- Chúng ta không lạ gì việc phải đưa vào tư nhân hóa mới hiệu quả. Với nông nghiệp 4.0, các cơ quan nhà nước mới chỉ nghe về nó thì rất nhiều doanh nghiệp của Việt Nam đã đi tiếp cận công nghệ ở nhiều nước. Họ thấy hiệu quả nên đã mạnh dạn đầu tư.
Suốt 2 năm nay, Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam đã đồng hành cùng doanh nghiệp trong triển khai ứng dụng nông nghiệp 4.0. Có doanh nghiệp đầu tư nhập máy móc, thiết bị hiện đại nhất, tiện lợi nhất trên thế giới về cung cấp cho thị trường Việt Nam. Khá nhiều doanh nghiệp, trong đó có cả doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư bài bản, đưa công nghệ hiện đại vào sản xuất.
Khó khăn và thuận lợi nào cơ bản nhất trong ứng dụng nông nghiệp 4.0 tại Việt Nam?
- Thuận lợi là chúng ra đi sau nên có thể tiếp cận những công nghệ hiện đại nhất sau khi có sự lựa chọn, so sánh vì các nước đi trước đã trả học phí cho chúng ta. Cái khó là nhiều nông dân còn sản xuất tiểu nông, nhỏ lẻ thì rất khó tiếp cận công nghệ cao. Nhưng rào cản lớn nhất vẫn là ở nhận thức, sự quan tâm của nông dân về sản xuất 4.0. Để thay đổi điều này cần tập trung tuyên truyền, tập huấn cho dân hiểu.
Hiện Bộ Khoa học - công nghệ đã có chính sách phát triển nông nghiệp 4.0. Nhưng theo tôi về tầm vĩ mô cần có thêm nhiều chính sách làm bệ đỡ cho nông nghiệp 4.0 phát triển. Trong đó, quan trọng nhất vẫn là đầu tư về đội ngũ con người. Ngoài ra, các bộ, ngành cần nghiên cứu rút gọn, đơn giản về thủ tục nhập khẩu máy móc, thiết bị công nghệ mới. |
Chính sách khuyến nông của nước ta chủ yếu mới hỗ trợ cho nông dân về giống, phân bón... theo kiểu cho - nhận. Theo tôi, nên dành phần lớn nguồn kinh phí này đầu tư tập huấn cho thế hệ trẻ về mặt kiến thức cần thiết trong sử dụng thiết bị công nghệ, máy móc hiện đại; đào tạo cho người trẻ về tư duy tiếp cận nông nghiệp 4.0.
Cần làm gì để giải bài toán khó hiện đại hóa nền sản xuất nông nghiệp trên cái nền còn lạc hậu như hiện nay, thưa tiến sĩ?
- Kết nối dịch vụ cơ giới hóa là một giải pháp khả thi để đưa máy móc thay thế con người cho những hộ sản xuất nhỏ lẻ. Cụ thể, ở Ấn Độ, Nhà nước đầu tư mua những máy móc trị giá lớn mà nông dân không thể đầu tư được, họ kết nối mạng giới thiệu những dịch vụ nông nghiệp để nông dân liên hệ thuê về sử dụng. Tư nhân cũng có thể tham gia đầu tư máy móc, dịch vụ nông nghiệp.
Ở góc độ địa phương, các tỉnh cần xây dựng được những trung tâm công nghệ thông tin để kết nối với nông dân, thậm chí đây là cầu nối giữa nông dân với thị trường nông sản thế giới. Dùng công nghệ thông tin để minh bạch, quản lý thị trường như hệ thống chấm sao do khách đánh giá về dịch vụ đi xe, khách sạn đang làm hiện nay. Có kênh thông tin này, nông dân gặp sự cố như mua phải thuốc, phân kém chất lượng, họ phản hồi ngay, rộng rãi ra cộng đồng thì không ai dám làm sai vì sẽ không bán được hàng.
Tôi biết hiện nay nông dân mình đã rành sử dụng điện thoại thông minh để tìm hiểu thông tin hằng ngày và rất “đói” thông tin, rất quan tâm đến thông tin. Về mặt Nhà nước nên quan tâm thành lập các ngân hàng chuyên gia về nông nghiệp công nghệ cao; lập ngân hàng thông tin dinh dưỡng đất; xây dựng được nguồn dữ liệu thông tin từ sản xuất đến thông tin về thị trường... để cần thì nông dân có thể lên mạng tìm kiếm.
Xin cảm ơn ông!
Bình Nguyên (thực hiện)