Thông tin chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia có những thay đổi như: thay thế vaccine, bổ sung thêm một số vaccine trong tiêm chủng... đã thu hút sự quan tâm của dư luận, đặc biệt là các bậc phụ huynh có con nhỏ.
Bác sĩ Trần Minh Hòa. |
Thông tin chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia có những thay đổi như: thay thế vaccine, bổ sung thêm một số vaccine trong tiêm chủng... đã thu hút sự quan tâm của dư luận, đặc biệt là các bậc phụ huynh có con nhỏ.
Theo đó, từ tháng 8-2018, chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia có một số thay đổi: thay thế vaccine 5 trong 1 Quinvaxem, tiêm thêm 1 mũi vaccine bại liệt, sử dụng vaccine sởi - rubella do Việt Nam sản xuất khi thực hiện tiêm chủng cho trẻ em. Để người dân hiểu rõ hơn về những thay đổi này, Báo Đồng Nai có cuộc trao đổi với ThS-BS.TRẦN MINH HÒA, Phó giám đốc Trung tâm y tế dự phòng Đồng Nai.
Thưa bác sĩ, vì sao phải thay đổi vaccine?
- Theo kế hoạch của Bộ Y tế, vaccine Quinvaxem của Hàn Quốc sẽ được thay thế bằng vaccine ComBE Five của Ấn Độ trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia là do phía Hàn Quốc đã ngừng sản xuất vaccine Quinvaxem, nên phải đổi sang 1 loại vaccine khác. Đây là sự thay đổi hoàn toàn bình thường và đã được Bộ Y tế kiểm tra, thử nghiệm rất kỹ trước khi đưa vào chương trình. ComBE Five là vaccine có thành phần giống như Quinvaxem, phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib, được Bộ Y tế cấp phép lưu hành ở Việt Nam từ tháng 5-2017. Sản phẩm này cũng được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thẩm định đạt tiêu chuẩn và được sử dụng ở hơn 43 quốc gia trên thế giới.
Bên cạnh thay đổi vaccine 5 trong 1, Bộ Y tế triển khai tiêm thêm 1 mũi vaccine bại liệt cho trẻ từ 5 tháng tuổi và áp dụng việc tiêm vaccine sởi - rubella do Việt Nam sản xuất. 2 loại vaccine bại liệt dạng tiêm và sởi - rubella là những bước bổ sung nhằm hoàn thiện hơn trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia đang được duy trì và thực hiện rất hiệu quả từ 30 năm nay.
Việc thay đổi, bổ sung thêm vaccine có làm thay đổi phác đồ, lịch tiêm của trẻ? Những vaccine này được sử dụng trong tiêm chủng cho trẻ như thế nào?
- Sẽ không có thay đổi gì trong lịch tiêm cũng như phác đồ tiêm của trẻ. Vaccine ComBE Five vẫn tiêm theo phác đồ như Quinvaxem là đủ 3 mũi vào các thời điểm trẻ được 2, 3, 4 tháng tuổi. Những trẻ đã tiêm được 1 hoặc 2 mũi Quinvaxem sẽ tiếp tục được tiêm mũi tiếp theo bằng vaccine mới ComBE Five.
Trẻ em uống vaccine tại Trung tâm y tế dự phòng Đồng Nai. |
Đối với vaccine bại liệt theo đường tiêm (IPV) sẽ được tiêm khi trẻ được 5 tháng tuổi. đây là vaccine do Pháp sản xuất và được Tổ chức y tế thế giới khuyến cáo các quốc gia đang sử dụng vaccine uống cần sử dụng thêm 1 liều vaccine bại liệt tiêm cho trẻ dưới 1 tuổi để tăng cường thêm cho hệ miễn dịch sau khi trẻ đã được uống 3 liều vào các thời điểm bé được 2, 3 và 4 tháng tuổi. Tuy nhiên, những trẻ sinh từ ngày 1-3-2018 đã tiêm mũi vaccine dịch vụ 6 trong 1 thì không cần phải tiêm mũi này, do thành phần trong vaccine dịch vụ đã bao gồm cả bại liệt. Phụ huynh cần phải thông báo với bác sĩ khi đưa trẻ đi tiêm ngừa theo chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia.
Đối với vaccine sởi - rubela do Việt Nam sản xuất, từ tháng 2-2018 đến nay đã có gần 8 ngàn liều được tiêm cho trẻ từ 18-24 tháng tuổi và chưa ghi nhận trường hợp phản ứng nặng nào sau tiêm.
Một số phụ huynh có con đã tiêm mũi 1 và 2 vaccine Quinvaxem e ngại sự thay đổi vaccine sẽ ảnh hưởng tới con em mình, bác sĩ có thể nói rõ để phụ huynh hiểu hơn?
- Năm 2016, Bộ Y tế đã cho dùng thí điểm vaccine này tại 4 huyện của tỉnh Hà Nam. Kết quả sau tiêm ghi nhận một số phản ứng như: đau, quầng đỏ, sốt. Đây là những phản ứng bình thường sau tiêm và hiện tại chưa ghi nhận phản ứng nghiêm trọng nào khác. Bên cạnh đó, trước khi triển khai rộng rãi toàn quốc, Bộ Y tế cũng đã cho thực hiện trước tại 4 tỉnh là: Đồng Tháp, Bình Định, Hà Nam và Kon Tum để có thêm kinh nghiệm cho các địa phương khác. Do đó đến thời điểm hiện tại, vaccine mới vẫn bảo đảm và phụ huynh nên đưa con đi tiêm chủng bình thường để bảo vệ sức khỏe con em mình.
Đồng Nai hiện có 258 điểm tiêm chủng thuộc khối công lập và 60 điểm thuộc khối tư nhân đủ điều kiện được Sở Y tế cấp chứng nhận. Trên địa bàn tỉnh có khoảng 200 ngàn trẻ dưới 5 tuổi thuộc đối tượng của chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. Ngoài ra, các đối tượng khác cũng được tham gia chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia như: trẻ em dưới 15 tuổi, phụ nữ tuổi sinh đẻ, phụ nữ mang thai... Lịch tiêm chủng trong chương trình mở rộng quốc gia được thực hiện đồng bộ toàn tỉnh từ ngày 1-10 hằng tháng. |
Xin cảm ơn bác sĩ!
Ngọc Liên (thực hiện)