Báo Đồng Nai điện tử
En

Sử dụng điện thoại khi lái xe, nguy cơ tai nạn gấp 4 lần

09:08, 13/08/2018

Tình trạng người điều khiển phương tiện giao thông vừa nghe điện thoại, nhắn tin, lướt web… rất dễ bắt gặp trên các tuyến đường trong tỉnh. Trong khi đó, theo khuyến cáo của cơ quan chức năng thì việc dùng điện thoại khi điều khiển xe sẽ mang lại rủi ro cao, không đảm bảo an toàn giao thông.

Tình trạng người điều khiển phương tiện giao thông vừa nghe điện thoại, nhắn tin, lướt web… rất dễ bắt gặp trên các tuyến đường trong tỉnh. Trong khi đó, theo khuyến cáo của cơ quan chức năng thì việc dùng điện thoại khi điều khiển xe sẽ mang lại rủi ro cao, không đảm bảo an toàn giao thông.

Một người vừa điều khiển xe máy đi ngược chiều vừa nghe điện thoại. Ảnh chụp ngày 11-8 trên đường Võ Thị Sáu (TP.Biên Hòa). Ảnh: K.LIỄU
Một người vừa điều khiển xe máy đi ngược chiều vừa nghe điện thoại. Ảnh chụp ngày 11-8 trên đường Võ Thị Sáu (TP.Biên Hòa). Ảnh: K.LIỄU

Trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai về vấn đề này, ông NGUYỄN BÔN, Phó trưởng ban An toàn giao thông tỉnh cho rằng đây không chỉ là hành vi có thể dẫn đến tai nạn cho chính bản thân người lái xe và những người điều khiển phương tiện khác mà còn là hành vi bị cấm, được quy định tại Luật Giao thông đường bộ, nếu vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính.

 Xin ông phân tích rõ hơn về mức độ nguy hiểm của hành vi sử dụng điện thoại khi lái xe?

- Dùng điện thoại khi tham gia giao thông sẽ khiến người lái bị phân tâm, giảm khả năng quan sát, mất tập trung dẫn đến việc điều khiển, kiểm soát vận tốc bị hạn chế. Khi gặp tình huống bất ngờ người lái sẽ lúng túng, không xử lý kịp thời dễ gây tai nạn. Đối với xe máy, khi 1 tay cầm điện thoại, tay kia lái xe thì không thể chắc chắn và an toàn bằng 2 tay. Hơn nữa tay bận cầm điện thoại, người điều khiển xe không thể sử dụng hệ thống phanh kết hợp ở xe tay ga. Khi bị giật mình trước những tình huống bất ngờ nếu người lái sử dụng phanh trước mạnh và đột ngột tai nạn có thể đến.

Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26-5-2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt đã quy định các mức xử phạt đối với người lái xe ô tô: phạt tiền từ 600-800 ngàn đồng đối với người điều khiển xe dùng tay sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển xe chạy trên đường; nếu gây tai nạn giao thông thì bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 2-4 tháng. Người điều khiển mô tô, xe gắn máy phạt tiền từ 100-200 ngàn đồng khi đang điều khiển xe mà sử dụng ô (dù), điện thoại di động, thiết bị âm thanh, trừ thiết bị trợ thính; nếu gây tai nạn giao thông thì bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 2-4 tháng. Đối với người điều khiển xe đạp điện, xe đạp sử dụng ô (dù), điện thoại di động bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50-60 ngàn đồng.

Tuy cơ quan chức năng ở Đồng Nai chưa có con số thống kê cụ thể về số vụ tai nạn giao thông xảy ra do vừa điều khiển phương tiện vừa sử dụng điện thoại nhưng thực tế xảy ra không ít tai nạn do hành vi trên. Tình trạng người đi đường vì mải mê nghe điện thoại mà qua đường thiếu quan sát, chuyển hướng không báo hiệu, đèn đỏ quên dừng lại… gây bất bình cho những người tham gia giao thông khác là hình ảnh không khó bắt gặp trên các tuyến đường.

Hành vi sử dụng điện thoại không đúng chỗ nêu trên không chỉ vi phạm pháp luật mà còn là biểu hiện thiếu văn hóa khi tham gia giao thông, gây mất an toàn giao thông, góp phần tạo điều kiện cho tội phạm cướp giật hoạt động.

 Dù là hành vi bị pháp luật cấm, kèm theo các chế tài xử phạt nhưng thực tế tình trạng vi phạm vẫn diễn ra. Theo ông nguyên nhân do đâu?

- Luật Giao thông đường bộ năm 2008 có quy định: “Cấm người đang điều khiển mô tô, xe gắn máy có hành vi sử dụng điện thoại di động”. Ngoài ra, Chính phủ cũng ban hành nghị định quy định mức xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm từ 50-800 ngàn đồng.

Sở dĩ tình trạng người tham gia giao thông sử dụng điện thoại vẫn diễn ra là do nhận thức của người dân về vấn đề này còn hạn chế và một phần do mức xử phạt còn thấp. Do đó, để góp phần kéo giảm tai nạn giao thông do sử dụng điện thoại di động mang lại đòi hỏi ý thức của những người tham gia giao thông và mức xử phạt vi phạm nên cao hơn để răn đe.

 Đâu là giải pháp để hạn chế tình trạng vi phạm, góp phần đảm bảo an toàn giao thông, thưa ông?

- Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm có hơn 1,25 triệu người thiệt mạng và từ 20-50 triệu người khác bị thương bởi tai nạn giao thông. Những người thường xuyên sử dụng điện thoại có nguy cơ gặp tai nạn cao gấp 4 lần so với những người tập trung điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Tôi cho rằng ý thức của người điều khiển phương tiện là yếu tố quan trọng trong việc đảm bảo an toàn giao thông. Để góp phần nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông, vừa qua Quỹ Phòng chống thương vong châu Á (AIP) đã phối hợp với Ủy ban An toàn giao thông quốc gia và Bộ GD-ĐT thực hiện chiến dịch truyền thông về hậu quả của việc sử dụng điện thoại gây mất tập trung khi lái xe. 2 thông điệp chính được nhấn mạnh là: “Cuộc gọi đó có thể khiến bạn… không bao giờ về đến đích” và “Tin nhắn đó có thể khiến bạn… không bao giờ về đến đích”.

Ban An toàn giao thông tỉnh cũng đã triển khai tuyên tuyền về vấn đề này, hưởng ứng chiến dịch truyền thông trên, sắp tới tỉnh sẽ triển khai các đợt tuyên truyền để nâng cao ý thức người tham gia giao thông tuyệt đối không sử dụng điện thoại khi lái xe. Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm đối với hành vi vi phạm sử dụng điện thoại trong khi đang điều khiển phương tiện. Bởi không có cuộc trao đổi nào đáng giá bằng sinh mạng của mình và những người xung quanh.

 Xin cảm ơn ông!

Kim Liễu (thực hiện)

Tin xem nhiều