Báo Đồng Nai điện tử
En

Ngoại tình có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

11:05, 25/05/2016

Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 có hiệu lực ngày 1-7 quy định truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi ngoại tình.

Luật sư Lê Văn Nhân.
Luật sư Lê Văn Nhân.

Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 có hiệu lực ngày 1-7 quy định truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi ngoại tình. Trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai, luật sư Lê Văn Nhân (Đoàn Luật sư Đồng Nai) khẳng định:

- Quy định truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi ngoại tình đã được quy định từ lâu trong Điều 147 BLHS năm 1999. Điều 182 BLHS năm 2015 chỉ quy định cụ thể hơn hành vi vi phạm khi ngoại tình dẫn đến hậu quả. Tuy nhiên, nhiều người hiện đang hiểu sai về điều luật này khi cho rằng ngoại tình sẽ bị phạt tù.

 *  BLHS năm 2015 có bổ sung thêm chi tiết về tội vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng khiến nhiều người rất quan tâm. Dưới góc nhìn của luật sư, ông có thể nói cụ thể và chi tiết hơn về vấn đề này?

- Theo Điều 147 BLHS năm 1999, người nào đang có vợ, chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác, hoặc người chưa có vợ, chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, vợ gây hậu quả nghiêm trọng; hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm. Nếu phạm tội trong trường hợp đã có quyết định của tòa án về hành vi này thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Tuy nhiên, do luật chưa có quy định cụ thể thế nào là hậu quả nghiêm trọng nên điều luật này gần như mất tính khả thi suốt một thời gian dài.

Điều 182 BLHS năm 2015 đã đưa ra cụ thể hơn so với Điều 147 BLHS năm 1999 về hậu quả nghiêm trọng. Đó là việc vi phạm mà làm cho quan hệ hôn nhân của một, hoặc hai bên dẫn đến ly hôn. Ngoài ra, tại Điểm a, Khoản 2, Điều 182 BLHS năm 2015 cũng quy định cụ thể tình tiết tăng nặng định khung hình phạt là hậu quả ngoại tình làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát.

Thưa luật sư, nếu người trong cuộc không chứng minh hoặc thừa nhận hành vi ngoại tình thì pháp luật sẽ xử lý như thế nào?

- Trước tiên, cần khẳng định rằng, điều luật mới phải cụ thể hóa hành vi thế nào là sống chung như vợ chồng, từ đó sẽ gỡ khó trong việc xác định hành vi vi phạm. Bởi từ trước đến nay, các chứng cứ thể hiện hành vi chung sống như vợ chồng với người khác rất khó chứng minh. Khi đó rất dễ xảy ra sự suy đoán cảm tính nhằm giải quyết vụ án, chứ không phải dùng chứng cứ chứng minh để phán xét. Thậm chí, cả những người được cho là đang ngoại tình vẫn có thể “bẻ lại” và tìm cách giải thích rằng, họ chỉ quan hệ trên mức tình cảm, thể hiện tình cảm bạn bè chứ không thừa nhận việc họ đang chung sống với một người khác như vợ, chồng.

Cần xác minh hành vi ngoại tình như thế nào là đúng pháp luật và để được công nhận “bằng chứng” ngoại tình trước tòa, thưa luật sư?

- Dưới góc độ cá nhân, theo tôi, để có chứng cứ ngoại tình sẽ phải tiến hành theo dõi đối phương. Tuy nhiên, nếu xác minh không cẩn thận, vô tình có thể dẫn đến các hành vi vi phạm khác, như: xâm phạm quyền tự do cá nhân của người khác. Vì vậy, trước khi đưa ra quyết định phải hết sức thận trọng, không thể vội vàng, hành động theo cảm tính cá nhân dẫn đến những hậu quả, sự cố không đáng có.

Điều 182, BLHS năm 2015 quy định: “Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác, hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm, hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm: Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn; đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm: “Làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát; đã có quyết định của tòa án hủy việc kết hôn, hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó”.

Bên cạnh đó, cũng cần phải lưu ý một yếu tố quan trọng là nhiều người vợ hoặc chồng có thể lấy lý do người còn lại đã ngoại tình để tiến hành ly hôn, hoặc buộc người có hành vi ngoại tình phải chịu trách nhiệm hình sự. Do đó, các cơ quan tiến hành tố tụng khi tiếp nhận, giải quyết vụ việc phải suy xét chu đáo, thấu tình và hợp lý. Ngoài ra, thời gian tới cơ quan làm luật cần có văn bản hướng dẫn rõ quy định này.

Thưa luật sư, những thay đổi, điều chỉnh trong luật mới tác động thế nào và có thể xử lý được các trường hợp ngoại tình không?

- Theo tôi, trong hôn nhân tự nguyện, một vợ một chồng, vợ chồng phải bình đẳng và tôn trọng nhau là những nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình. Việc thay đổi chi tiết trong điều luật này sẽ góp tiếng nói bảo vệ các mối quan hệ hôn nhân hợp pháp, bảo vệ hạnh phúc của các gia đình bằng pháp luật.

Ngoài ra, theo Thông tư liên tịch 01/2016 giữa Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp có hiệu lực từ ngày 1-3, khi chia tài sản ly hôn nếu người chồng có hành vi bạo lực gia đình, ngoại tình thì tòa án sẽ xem xét yếu tố “lỗi” này khi chia tài sản chung để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của vợ và con chưa thành niên. Do đó, luật mới có những thay đổi là điều cần thiết, nhưng phải có những quy định cụ thể và khoa học hơn.

* Xin cảm ơn luật sư!

Thanh Hải (thực hiện)

 

 

 

 

Tin xem nhiều