Thời tiết tại Đồng Nai đang bước vào giai đoạn chuyển mùa, đầu tháng 6 sẽ chính thức vào mùa mưa. Trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai, ông Nguyễn Phước Huy (ảnh), Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Đồng Nai, cho hay:
Thời tiết tại Đồng Nai đang bước vào giai đoạn chuyển mùa, đầu tháng 6 sẽ chính thức vào mùa mưa. Trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai, ông Nguyễn Phước Huy (ảnh), Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Đồng Nai, cho hay:
- Mùa mưa năm 2016 đến trễ hơn những năm trước khoảng 1 tháng. Nửa đầu mùa lượng mưa ít, mưa lớn và bão sẽ tập trung vào nửa cuối mùa mưa. Năm nay, số cơn bão ảnh hưởng đến Việt Nam chỉ từ 4-5 cơn, chủ yếu tập trung vào tháng 9,10,11. Các cơn bão nhiều khả năng sẽ đi vào phía Nam có thể xảy ra siêu bão.
Theo dự báo, giai đoạn chuyển mùa và nửa đầu mùa mưa lượng mưa ít hơn trung bình nhiều năm. Vậy tại sao liên tiếp những ngày qua TP.Biên Hòa có những cơn mưa rất lớn, gây ngập lụt?
- Theo kết quả đo ở các trạm khí tượng thủy văn trong tỉnh, lượng mưa đến thời điểm này vẫn ít hơn những năm trước. Giai đoạn chuyển mùa, TP.Biên Hòa và khu vực Trị An (huyện Vĩnh Cửu) và huyện Tân Phú là nơi xuất hiện nhiều cơn mưa lớn nhất, còn các huyện Long Thành, Cẩm Mỹ, Thống Nhất chỉ xuất hiện một vài cơn mưa vừa.
Nửa đầu mùa mưa tại Đồng Nai vẫn chịu ảnh hưởng của hiện tượng El Nino nên thời tiết vẫn khá nắng nóng; mưa bất thường hơn những năm trước; mưa ít nhưng khi mưa sẽ mưa thật lớn trong thời gian ngắn. Nước mưa dồn dập trong thời gian ngắn sẽ khiến nước ở các khu đô thị thoát không kịp, gây ra ngập lụt.
Trong giai đoạn chuyển mùa và đầu mùa mưa năm nay, thời tiết trong tỉnh sẽ có những diễn biến bất thường gì cần phải đề phòng?
- Như đã nói, giai đoạn chuyển mùa, nửa đầu mùa mưa tuy tổng lượng mưa không cao hơn mọi năm, nhưng mưa có xu hướng lớn trong thời gian ngắn khiến đô thị dễ bị ngập lụt, khu vực gần sông, suối, vùng cao, dốc hay xuất hiện lũ quét rất nguy hiểm.
Đơn cử là những năm trước có những ngày lượng mưa đến hơn 100mm, kéo dài trong 6-8 giờ nên nước trên các sông, suối nhỏ, khu đô thị vẫn thoát kịp, ít xảy ra ngập lụt. Riêng năm nay, mưa lớn đến gần 100mm chỉ trong 1-2 giờ, như cơn mưa chiều 16-5 vừa qua tại TP.Biên Hòa chỉ trong vòng gần 1 giờ đã làm nhiều khu vực trong thành phố chìm trong ngập lụt.
Ngoài ra, giai đoạn này cần chú ý mưa lớn hay kèm dông, lốc xoáy, sấm sét nên khi thấy hiện tượng thời tiết trên, người dân nên tìm nơi trú ẩn an toàn. Những hộ dân sống gần vùng sông, suối, có độ dốc cao khi thấy xuất hiện mưa lớn phải di dời tránh thiên tai có thể xảy ra.
Ông có thể nói rõ hơn những hiện tượng thời tiết cực đoan của giai đoạn cuối mùa mưa?
- Nửa cuối mùa mưa, thời tiết sẽ chuyển từ El Nino sang La Nina nên mưa lũ sẽ xảy ra nhiều hơn. Năm nay, các cơn bão chủ yếu xảy ra vào cuối mùa mưa nên sẽ di chuyển vào phía Nam nhiều hơn và Đồng Nai có thể xảy ra bão. Các cơn bão năm 2016 sẽ xảy ra từ tháng 9 đến tháng 11, thường đi theo hướng Tây, tốc độ nhanh và mạnh.
Theo dự báo, các cơn bão năm nay khó dự báo có thể xuất hiện các siêu bão. Do đó, người dân trong tỉnh theo dõi dự báo thời tiết thường xuyên, có sự chuẩn bị kịp thời để giảm bớt thiệt hại do thiên tai gây ra. Đồng thời, nông dân nên chú ý thời tiết, bố trí mùa vụ sản xuất cho phù hợp.
Mưa lũ phần lớn rơi vào nửa cuối mùa mưa, như vậy lũ trên các sông tại Đồng Nai năm nay dự báo sẽ ra sao?
- Hiện nay, trên hệ thống sông Đồng Nai có gần 10 thủy điện lớn nhỏ và nhiều hồ chứa nước nên dù có xảy ra mưa lớn thì lũ trên thượng nguồn sông Đồng Nai, sông La Ngà chỉ xấp xỉ báo động 2, bằng năm 2015 không đáng ngại. Tuy nhiên, phải đề phòng nhiều hơn ở các sông, suối nhỏ vì mưa lớn trong thời gian ngắn nước đổ về nhiều, nhanh không thoát kịp rất dễ bị lũ quét, ngập lụt.
Xin cảm ơn ông!
Theo Đài Khí tượng thủy văn, từ nay đến cuối mùa mưa, TP.Biên Hòa còn xuất hiện nhiều cơn mưa to đến rất to. Vì thế, tình trạng ngập lụt sâu ở những đoạn đường, khu vực thoát nước kém trong thành phố sẽ còn diễn ra thường xuyên nếu không có giải pháp thoát nước, chống ngập hữu hiệu. |
Hương Giang (thực hiện)