Trong 65 năm truyền thống của "đại gia đình" Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Đồng Nai là thành viên thứ 43/63 tỉnh, thành phố, thành lập cách đây chưa đầy 2 năm.
Trong 65 năm truyền thống của “đại gia đình” Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Đồng Nai là thành viên thứ 43/63 tỉnh, thành phố, thành lập cách đây chưa đầy 2 năm. Nhìn lại chặng đường “khởi đầu nan”, nhất là trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Đồng Nai Bùi Ngọc Thanh cho rằng:
Tuy thành lập muộn hơn so với Liên hiệp các tổ chức hữu nghị nhiều tỉnh, thành trong cả nước… nhưng được sự quan tâm, tạo điều kiện của lãnh đạo tỉnh, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Đồng Nai vừa làm, vừa học hỏi kinh nghiệm của một số tỉnh, thành đi trước. Qua tiếp thu có chọn lọc, chúng tôi một mặt tuyên truyền về công tác đối ngoại nhân dân, mối quan hệ hòa bình, đoàn kết, hữu nghị với các nước, một mặt vận động các tổ chức phi chính phủ tài trợ cho các dự án an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Cách làm này đã được cơ quan đại diện phía Nam của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đánh giá rất cao vì cho rằng đi đúng hướng.
Mang nhiều dự án phục vụ người dân
* Dù mới thành lập, nhưng năm nay Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Đồng Nai đã vận động các tổ chức phi chính phủ tài trợ 6,2 tỷ đồng cho các dự án an sinh xã hội của tỉnh. Đơn vị đã triển khai công tác này thời gian qua như thế nào, thưa bà?
- Do Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Đồng Nai mới thành lập nên các tổ chức phi chính phủ chưa biết đến, hoặc chưa quan tâm nhiều đến Đồng Nai. Có những tổ chức quan tâm đến Đồng Nai thì còn ngại các thủ tục hành chính. Có đại diện các tổ chức phi chính phủ đặt vấn đề: Đồng Nai không phải tỉnh nghèo sao lại phải vận động xây trường từ nguồn phi chính phủ? Tôi phải giải thích là dù tỉnh rất quan tâm đầu tư nhưng sự phát triển về công nghiệp quá nhanh, lao động nhập cư từ các tỉnh kéo về khiến áp lực về y tế, giáo dục tăng cao, các vấn đề an sinh xã hội chưa đáp ứng nhu cầu của người dân… Để thuyết phục, tôi phải đưa họ đến cơ sở để khảo sát thực tế.
Thời gian qua, bằng nhiều hình thức, chúng tôi đã tiếp cận, vận động các tổ chức phi chính phủ tham gia phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Khi vận động được rồi, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Đồng Nai phải đóng vai trò là đầu mối hỗ trợ giải quyết các thủ tục theo quy định pháp luật, khảo sát triển khai dự án.
* Để làm tốt vai trò đầu mối, cũng như tạo lòng tin nơi đối tác, cán bộ công chức của đơn vị đã nỗ lực ra sao, thưa bà?
- Cán bộ công chức của đơn vị ngoài kiến thức chuyên môn, ngoại ngữ, am hiểu về pháp luật, còn cần tìm hiểu văn hóa của dân tộc họ để việc ứng xử, làm việc hiệu quả.
Đến nay, mặc dù quy mô các dự án viện trợ phi chính phủ chưa lớn, song bước đầu Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Đồng Nai đã tạo được niềm tin cho các nhà tài trợ, được đánh giá hiệu quả và mang tính bền vững. Để xây dựng được niềm tin ấy, những dự án viện trợ được chúng tôi quản lý chặt chẽ, mọi hoạt động đều có sự giám sát, thẩm định từ các sở, ngành, chính quyền địa phương và người dân trong vùng dự án. Việc quản lý nguồn vốn viện trợ phi chính phủ luôn đảm bảo đúng quy định, đúng cam kết với nhà tài trợ, không xảy ra thất thoát, lãng phí.
* Có điều kiện làm việc trực tiếp với nhiều tổ chức phi chính phủ, bà nhận định như thế nào về tác phong làm việc của họ?
- Các tổ chức phi chính phủ nước ngoài thường là ở các nước trình độ quản lý cao. Do đó, họ đề cao sự chính xác, cụ thể, hiệu quả và đặc biệt minh bạch. Điều rất đáng chú ý là, dù có tiền và mang tiền đi tài trợ nhưng các đối tác rất trách nhiệm và tiết kiệm. Đó cũng là điều để cán bộ, công chức cơ quan nhà nước học tập.
Đơn cử, trong dự án xây cây cầu cho người dân ở huyện Định Quán, đối tác Lãnh sự quán Nhật Bản trực tiếp đến thẩm định, khảo sát nhu cầu của bà con. Sau khi mắt thấy, tai nghe và tính toán hiệu quả thiết thực khi triển khai dự án, họ mới quyết định có tài trợ dự án hay không.
Thành viên các đoàn nước ngoài thường làm việc rất kỹ, với cường độ cao, có thể từ sáng đến chiều để đạt hiệu quả công việc. Lúc này, nếu cán bộ, công chức ở cơ sở thờ ơ, chuẩn bị không tốt với những dự án phục vụ cho người dân mình thì sẽ thất bại ngay.
Tạo tâm thế hội nhập từ đối ngoại
* Một trong hai nhiệm vụ cơ bản của đơn vị là đối ngoại nhân dân. Xin bà cho biết vai trò của công tác này trong thời kỳ hội nhập?
- Đường lối đối ngoại của Đảng chỉ rõ: ngoại giao của Đảng, ngoại giao Nhà nước, ngoại giao nhân dân tạo thành sức mạnh tổng hợp của mặt trận đối ngoại, góp phần xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Nâng cao hiểu biết cũng là cách người dân tạo cho mình tâm thế tích cực khi đất nước mở cửa hội nhập sâu rộng. Cụ thể, để có thể hòa nhập vào thị trường nhân lực chất lượng cao của khu vực và thế giới, người dân cần có những định hướng kinh tế, nghề nghiệp, văn hóa, pháp luật…
* Nhận định của bà về đối ngoại nhân dân ở tỉnh trong thời gian qua như thế nào?
- Dù là địa phương năng động, có quan hệ hợp tác kinh tế với 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, song Đồng Nai chỉ mới có 3 hội hữu nghị với các nước. Điều trăn trở của chúng tôi là làm sao để nâng cao chất lượng, tăng cường số lượng các hội hữu nghị cho tương xứng với mối quan hệ hợp tác về kinh tế với các nước, qua đó xây dựng vững vàng 3 trụ cột ngoại giao nhân dân: chính trị - kinh tế - văn hóa.
Theo tôi, công tác dân vận và công tác đối ngoại nhân dân đều có nét tương đồng. Nếu như công tác dân vận là vận động nhân dân trong nước thì công tác đối ngoại nhân dân là vận động nhân dân nước ngoài. Dù là nhân dân trong nước hay nước ngoài, đều làm việc bằng sự chân thành, lắng nghe, chia sẻ - điều này tôi đã có trải nghiệm nên thuận lợi. Song, với người nước ngoài cần thiết lập mối quan hệ hữu nghị trên cơ sở hiểu biết về văn hóa, các quy định pháp luật, tôn trọng độc lập, tự chủ của nhau, nên phải luôn cập nhật kiến thức, hiểu biết trên nhiều lĩnh vực. |
Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành chương trình đối ngoại nhân dân, mở nhiều lớp tập huấn về đối ngoại nhân dân, ký kết phối hợp với các sở, ngành để nâng cao hiểu biết của cán bộ công chức, nhân dân và lực lượng sinh viên, thanh niên của tỉnh.
Chẳng hạn, đợt tuyên truyền về Cộng đồng ASEAN do Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Đồng Nai tổ chức tại 4 trường đại học, cao đẳng ở Đồng Nai trong tháng 10 vừa qua, lượng người tham dự lên đến trên 2 ngàn người, vượt ngoài dự kiến. Không chỉ sinh viên mà giảng viên các trường đều đánh giá cao nội dung của chương trình.
* Hiện đang là thời điểm Việt Nam hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới, như: gia nhập Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Cộng đồng ASEAN. Vậy công tác đối ngoại nhân dân có gì mới, thưa bà?
- Trong thời kỳ toàn cầu hóa, quốc tế hóa, tiếng nói nhân dân ngày càng có vai trò quan trọng, ảnh hưởng ngày càng lớn đến lợi ích các quốc gia và các vấn đề quốc tế. Do đó, công tác đối ngoại nhân dân có vị trí ngày càng quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong thời gian tới, chúng tôi tham mưu cho UBND về công tác đối ngoại của tỉnh, mặt khác tăng cường công tác tập huấn kỹ năng đối ngoại cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân; đồng thời bằng mọi cách phải thành lập được các hội hữu nghị và phát triển hội viên; tăng cường công tác thông tin đối ngoại để quảng bá hình ảnh đất nước, con người, truyền thống lịch sử, văn hóa Việt Nam nói chung và Đồng Nai nói riêng; những thành tựu, tiềm năng hợp tác đầu tư của tỉnh đến với bạn bè các nước trong khu vực và trên thế giới. Cùng với đó, chúng tôi chủ động trong công tác vận động viện trợ và nâng cao hiệu quả hợp tác với các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, tranh thủ sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế về các nguồn lực, góp phần giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội…
* Xin cảm ơn bà!
Lâm Viên (thực hiện)