Báo Đồng Nai điện tử
En

Nguồn nhân lực Việt Nam còn thua kém nhiều nước khác

10:11, 06/11/2015

Mặc dù sống và làm việc tại TP. Hồ Chí Minh nhưng Th.S Tô Bình Minh, giảng viên Trường đại học ngoại thương TP.Hồ Chí Minh, Giám đốc Trung tâm Hợp tác nguồn nhân lực Việt Nam - Nhật Bản tại TP.Hồ Chí Minh lại khá thân thiết với các doanh nghiệp Đồng Nai.

Mặc dù sống và làm việc tại TP. Hồ Chí Minh nhưng Th.S Tô Bình Minh, giảng viên Trường đại học ngoại thương TP.Hồ Chí Minh, Giám đốc Trung tâm Hợp tác nguồn nhân lực Việt Nam - Nhật Bản tại TP.Hồ Chí Minh lại khá thân thiết với các doanh nghiệp Đồng Nai.

Ông được các doanh nghiệp Đồng Nai biết đến với vai trò là chuyên gia tư vấn phòng tránh rủi ro trong những hợp đồng thương mại quốc tế, chuyên gia tư vấn đào tạo nguồn nhân lực.

Giảm rủi ro hi ký hợp đồng

* Đồng Nai có hàng ngàn doanh nghiệp vừa và nhỏ xuất nhập khẩu với nhiều đối tác ở các nước trên thế giới với văn hóa khác nhau. Theo ông, doanh nghiệp nên chú ý đến những vấn đề gì trong văn hóa hợp tác hợp đồng thương mại?

- Tôi nghĩ các doanh nghiệp đã từng ký kết hợp đồng thương mại với những đối tác nước ngoài thì phần lớn đều có kinh nghiệm. Nhưng tôi vẫn muốn lưu ý một số điểm cơ bản trong đàm phán thương mại quốc tế để doanh nghiệp có thể tránh được những rủi ro đáng tiếc, gây thiệt hại lớn về kinh tế hoặc tranh chấp rắc rối khác.

Cụ thể, trước khi đàm phán với đối tác thuộc quốc gia nào, doanh nghiệp nên tìm hiểu kỹ về văn hóa, phong tục của nước đó để tránh những điều cấm kỵ của họ. Ví dụ, người Trung Quốc tránh tặng đồng hồ treo tường vì họ quan niệm tặng đồng hồ nghĩa là “tặng cái chết”; người Pháp trong lần đàm phán đầu không tặng quà và rất quan tâm đến nước hoa, thời trang; chú ý không hỏi thăm về vợ, con gái của thương nhân Hồi giáo...

* Còn về vấn đề đàm phán và ký kết hợp đồng thì sao, thưa ông?

- Doanh nghiệp cần hiểu kỹ về năng lực, uy tín của phía đối tác trên thị trường để quá trình đàm phán có thể tùy cơ điều chỉnh nhằm đạt được kết quả có lợi nhất cho mình. Trước khi bước vào đàm phán chính thức nên tạo không khí vui vẻ, thân mật, sau đó mới đi vào đàm phán. Trong đàm phán, điều cấm kỵ nhất là không được nói về chính trị, tôn giáo. Quá trình đàm phán, các doanh nghiệp nên đặt nhiều câu hỏi cho phía đối tác và chú ý đến cử chỉ của đối tác. Soạn thảo hợp đồng phải rõ ràng, tránh dùng những điều kiện ngụ ý và chú ý đặc biệt đến điều kiện giao hàng, thanh toán. Trước khi ký hợp đồng doanh nghiệp nên bàn bạc, hỏi qua ý kiến các chuyên gia kinh tế, pháp luật am hiểu về hợp đồng thương mại quốc tế để bớt được rủi ro, tranh chấp sau này.

*  Là tư vấn cho nhiều vụ tranh chấp giữa doanh nghiệp Việt Nam với đối tác nước ngoài trong các hợp đồng thương mại quốc tế, ông thấy những sai sót nào doanh nghiệp Việt Nam hay mắc phải?

- Với những doanh nghiệp, tập đoàn lớn, họ thường có đội ngũ chuyên về kinh doanh xuất nhập khẩu năng động, họ chuẩn bị tương đối kỹ nên các hợp đồng thương mại quốc tế ít xảy ra tranh chấp. Còn những doanh nghiệp vừa và nhỏ thì cán bộ, nhân viên làm xuất nhập khẩu thường thiếu và yếu. Do đó, quá trình soạn thảo hợp đồng hay mắc phải một số rủi ro đáng tiếc.

Hiện nay, ý thức chấp hành kỷ luật của nhiều lao động trong các công ty, nhà máy ở Việt Nam chưa cao. Đặc biệt, khi làm việc nhóm, khả năng liên kết đưa ra sáng kiến hiệu quả nhất thường không phát huy được, trong khi người Nhật Bản có kỹ năng làm việc nhóm tốt, đem lại hiệu quả rất cao. Về kỹ năng chuyên môn lệ thuộc vào công tác đào tạo, công nghệ của các doanh nghiệp trong nước. Kỹ năng giao tiếp ở đây gồm cả kỹ năng truyền đạt và đặc biệt là khả năng sử dụng ngoại ngữ của lao động Việt Nam rất yếu.

Sai sót các doanh nghiệp vừa và nhỏ thường gặp phải là khi làm hợp đồng không tham khảo ý kiến các chuyên gia kinh tế, chuyên gia về luật pháp để điều chỉnh câu từ trong hợp đồng cho chặt chẽ, nhằm sau khi hợp đồng ký kết không bị phía đối tác lợi dụng các kẽ hở gây thiệt hại cho doanh nghiệp. Thông thường, khi các doanh nghiệp Việt Nam đến gặp chuyên gia kinh tế, chuyên gia về pháp luật nhờ tư vấn là khi hợp đồng xảy ra tranh chấp, trục trặc. Khi đó rất khó “gỡ “và phần thiệt thòi luôn thuộc về doanh nghiệp Việt Nam.

*  Từng là chuyên gia tư vấn cho Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam, Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam, ông có thể kể một vài vụ việc điển hình đã giúp doanh nghiệp tránh được rủi ro?

- Tôi còn nhớ vào thập niên 1990, một doanh nghiệp lớn trong ngành dệt may ở TP.Hồ Chí Minh dự tính ký một hợp đồng nhập khẩu dây chuyền sản xuất vải trên 5,5 triệu USD. Sau khi soạn thảo hợp đồng, công ty có nhờ tôi tư vấn trước khi ký kết, trong hợp đồng có câu ghi “đây là thiết bị mới 100%”. Nếu không qua tư vấn phát hiện, thì sau này doanh nghiệp có thể sẽ mất 5,5 triệu USD, vì phía đối tác có thể giao cho dây chuyền sản xuất còn mới (chưa qua sử dụng) nhưng là công nghệ đã lạc hậu mà không vi phạm hợp đồng. Nhưng sau khi xem hợp đồng, tôi đã đề xuất công ty sửa lại là “đây là công nghệ mới 100% và hiện đại nhất đến thời điểm ký hợp đồng” nhằm tránh được rủi ro có thể xảy ra. 

Lao động giá rẻ không còn lợi thế

* Ông còn được biết đến với vai trò là một chuyên gia về đào tạo nguồn nhân lực cho nhiều doanh nghiệp, tập đoàn trong và ngoài nước. Vậy ông đánh giá sao về nguồn nhân lực của Việt Nam so với các quốc gia khác, chẳng hạn như Nhật Bản?

- Nguồn nhân lực của Việt Nam so với Nhật Bản hiện nay còn có khoảng cách rất xa. Ngay cả với nhiều nước trong khu vực ASEAN, như: Thái Lan, Singapore, Malaysia... chúng ta cũng kém họ về nguồn nhân lực, thậm chí có nghiên cứu còn đánh giá nhân lực của Việt Nam thua cả Lào ở một vài tiêu chí.

Khoảng 2-3 năm trở lại đây, nhiều doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ Nhật Bản đã đầu tư vào các khu công nghiệp của Đồng Nai với công nghệ sản xuất cao nên chỉ cần 5-10 công nhân/nhà máy vẫn cho ra hàng triệu sản phẩm/năm. Do đó, nhu cầu về lao động giá rẻ không phải là tiêu chí lựa chọn mà phải là lao động có chất lượng cao về  nhiều mặt.

Tôi nói nguồn nhân lực ở đây bao hàm nhiều yếu tố, như: năng suất lao động, ý thức chấp hành kỷ luật, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng chuyên môn, kỹ năng giao tiếp... Trong đó, năng suất lao động không phải chỉ do yếu tố là con người mà còn do đầu tư công nghệ máy móc của doanh nghiệp.  Nếu công nghệ quá lạc hậu, đương nhiên năng suất, công suất đều thấp, hàng hóa không đáp ứng, đảm bảo chất lượng.

* Nói vậy, ngoài lợi thế về lao động giá rẻ, Việt Nam gần như kém xa nhiều nước về nguồn nhân lực. Trong quá trình Việt Nam đang hội nhập sâu thì điều này sẽ ảnh hưởng tới nền kinh tế như thế nào?

- Việt Nam đã ký kết khá nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) với các nước, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương đã đàm phán xong. Đây là cơ hội lớn để thu hút đầu tư nước ngoài, mở rộng xuất khẩu. Nhưng theo tôi, để đón được những lợi thế từ quá trình hội nhập sâu, các doanh nghiệp Việt nên tập trung chuyển đổi công nghệ sản xuất, đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao.

Về phía người lao động, muốn có công việc ổn định, thu nhập cao ngoài học hỏi nâng cao trình độ chuyên môn, ngoại ngữ nên rèn luyện ý thức chấp hành kỷ luật và phát triển những kỹ năng mềm trong công việc. Vì trong tương lai, lao động giá rẻ không còn là lợi thế hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Hiện nay, máy móc sản xuất ngày càng hiện đại, có những nhà máy mà chỉ cần gần 10 công nhân kỹ thuật cao có thể điều hành được các dây chuyền sản xuất và chủ doanh nghiệp nước ngoài sẵn sàng trả lương cao gấp 2-3 lần. Tính ra vẫn lợi hơn phải thuê vài chục công nhân có trình độ tay nghề thấp.

* Xin cảm ơn ông!

Hương Giang (thực hiện)

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều