Còn gần 3 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán nên lượng gia súc, gia cầm vận chuyển vào và qua Đồng Nai tăng cao. Nếu không đề phòng, nguy cơ bùng phát dịch bệnh rất cao. Nhân dịp này, phóng viên Báo Đồng Nai có cuộc trao đổi với Chi cục trưởng Chi cục Thú y Đồng Nai Trần Văn Quang.
Còn gần 3 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán nên lượng gia súc, gia cầm vận chuyển vào và qua Đồng Nai tăng cao. Nếu không đề phòng, nguy cơ bùng phát dịch bệnh rất cao. Nhân dịp này, phóng viên Báo Đồng Nai có cuộc trao đổi với Chi cục trưởng Chi cục Thú y Đồng Nai Trần Văn Quang. Ông cho biết:
- Đồng Nai có tổng đàn heo lớn nhất cả nước với gần 1,4 triệu con và hơn 12 triệu con gà. Nếu không phòng ngừa tốt để xảy ra dịch bệnh sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chăn nuôi trong tỉnh.
Thưa ông, để hạn chế dịch bệnh có thể lây lan và bùng phát trên đàn gia súc, gia cầm, người chăn nuôi trong tỉnh cần phải làm gì?
- Thời điểm này vận chuyển, mua bán gia súc, gia cầm trên địa bàn tăng hơn 30% so với ngày thường nên nguy cơ bùng phát dịch bệnh rất lớn. Do đó, người chăn nuôi trong tỉnh phải chú ý đề phòng bằng cách tiêm phòng vaccine đầy đủ các bệnh bắt buộc để tăng tỷ lệ bảo hộ đàn và vệ sinh chuồng trại sạch sẽ tiêu diệt mầm bệnh. Đồng thời cần hạn chế người ra vào các trại chăn nuôi; khi có người, phương tiện vận chuyển vào trại phải được tiêu độc khử trùng trước. Tôi xin nhấn mạnh, trong chăn nuôi phòng bệnh vẫn là chính, còn khi không may phát hiện đàn gia súc, gia cầm bị bệnh phải báo ngay với chính quyền địa phương hoặc cơ quan thú y để có biện pháp trị bệnh và ngăn chặn dịch bệnh kịp thời, tránh lây lan ra diện rộng.
Dịp này, ngoài lượng gia súc, gia cầm vận chuyển, mua bán tăng cao thì thời tiết vào ban đêm, sáng sớm lạnh và sương mù có ảnh hưởng nhiều đến đàn gia súc, gia cầm?
- Thời tiết năm nay lạnh hơn mọi năm, nhiệt độ giữa ngày và đêm chênh nhau nhiều ảnh hưởng rất lớn đến đàn gia súc, gia cầm. Vì thế, ngoài tiêm phòng, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, người chăn nuôi trong tỉnh nên bổ sung thêm một số dưỡng chất, vitamin cho đàn gia súc, gia cầm để tăng sức đề kháng. Tốt nhất, người chăn nuôi nên áp dụng các quy trình chăn nuôi an toàn sinh học vừa không xảy ra dịch bệnh lại có nguồn thịt sạch cung ứng cho thị trường.
Thưa ông, chăn nuôi an toàn sinh học hiệu quả đã thấy rõ, vậy tại sao số trang trại trên địa bàn tỉnh tham gia và được cấp giấy chứng nhận còn ít?
- So với cả nước thì Đồng Nai dẫn đầu trong việc thực hiện theo mô hình chăn nuôi an toàn sinh học với hơn 100 trang trại được cấp mới và tái chứng nhận. So với tổng trang trại của toàn tỉnh, số lượng được cấp chứng nhận an toàn sinh học chiếm hơn 10% là chưa nhiều, song đây là sự cố gắng nỗ lực không nhỏ của các trang trại chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Thực tế, có nhiều trại đã áp dụng các khâu của quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, nhưng chưa có nhu cầu đăng ký cấp chứng nhận. Thời gian tới, tỉnh sẽ phối hợp với các địa phương vận động các trang trại chăn nuôi tham gia làm hồ sơ đăng ký cấp giấy chứng nhận.
Giá gà thịt hiện đang nằm dưới giá thành, nhiều người chăn nuôi cắt giảm chi phí để bớt lỗ bằng cách bỏ tiêm phòng, giảm lượng thức ăn, ít làm vệ sinh, sát trùng chuồng trại. Về việc này ông có khuyến cáo gì?
- Theo tôi, việc bỏ tiêm phòng, cắt giảm thức ăn và không vệ sinh chuồng trại sạch sẽ là không nên. Vì như vậy, nguy cơ bùng phát dịch bệnh rất cao, khi xảy ra dịch, nông dân sẽ chịu thiệt thòi lớn hơn rất nhiều so với giá giảm, chưa kể xảy ra dịch còn kéo theo hàng loạt những hệ lụy cho người chăn nuôi khác trong vùng. Hiện nay, ngành nông nghiệp đã có những mô hình chăn nuôi áp dụng khoa học - kỹ thuật vừa giảm được dịch bệnh lẫn chi phí đầu vào mà đàn gia súc, gia cầm vẫn tăng trọng nhanh, người chăn nuôi nên tìm hiểu để ứng dụng. Heo, gà ở Đồng Nai phải mất một thời gian dài mới xây dựng được thương hiệu như hiện nay, vì thế người chăn nuôi cùng nhau gìn giữ và tìm biện pháp giảm giá thành để duy trì qua lúc khó khăn.
Xin cảm ơn ông!
Hương Giang (thực hiện)