Báo Đồng Nai điện tử
En

"Vua mì" Hồ Sáu: Nghề nông cho tôi cả khó nhọc lẫn vinh quang

10:01, 03/01/2014

Biệt danh "Vua mì" của nông dân Hồ Sáu (xã Tây Hòa, huyện Trảng Bom) có từ năm 1994, khi ông lai tạo thành công giống mì cao sản có nguồn gốc từ Thái Lan, được Bộ Khoa học - công nghệ chứng nhận, sau đó đưa ra trồng và bán giống đại trà.

Biệt danh “Vua mì” của nông dân Hồ Sáu (xã Tây Hòa, huyện Trảng Bom) có từ năm 1994, khi ông lai tạo thành công giống mì cao sản có nguồn gốc từ Thái Lan, được Bộ Khoa học - công nghệ chứng nhận, sau đó đưa ra trồng và bán giống đại trà. Nhiều nông dân ở Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước… mua giống mì này về trồng, đạt năng suất cao gấp 4 lần giống mì hiện hữu nên đã được nông dân miền Đông Nam bộ phong danh hiệu “Vua mì”. Với ông, bám đất bám vườn luôn là kế sinh nhai, là “nghiệp” của mình, từ một nông dân tay trắng trở thành tỷ phú nổi tiếng, dù không được học hành bài bản. Hiện Công ty TNHH Việt Nông Lâm của ông là một trong số ít ỏi những doanh nghiệp xuất khẩu thức ăn gia súc hữu cơ sang nước ngoài với sản lượng hàng năm lên đến 60 ngàn tấn và doanh thu hàng triệu USD.

* Gắn bó với nghề nông gần trọn đời người, gặp nhiều thành công và thất bại, theo ông, điểm yếu của nông dân nằm ở đâu trong vòng xoáy “được mùa, mất giá” đang xảy ra ở hầu hết các loại nông sản?

- Nhà nước hiện tại rất quan tâm đến nông nghiệp - nông thôn, đó là điều ai cũng thấy. Chúng tôi được tham quan học tập, giới thiệu mô hình, thay đổi cơ cấu cây trồng, vay ưu đãi… Nhưng có mấy điểm, theo tôi không chỉ là điểm yếu của nông dân, mà còn là những điểm Nhà nước nên chú ý, để các chính sách hỗ trợ hiệu quả hơn. Thứ nhất, người nông dân không tin ở lý thuyết, đối với họ, tai phải nghe và mắt phải thấy, dù là chính sách hay mô hình nào. Thứ hai, vì đa số đều nghèo, nên họ sẽ “nhát tay”, ít khi dám theo tới cùng vì sợ sản phẩm không có thị trường và cuối cùng là vì không trường vốn nên dù giá rẻ, đến mùa vụ là phải bán, dù là bán tống bán tháo sản phẩm để thanh toán công nợ. Thêm một điểm nữa, vì quá ít thông tin chính thống nên nông dân luôn lệ thuộc vào thương lái.

* Đa số nông dân Việt Nam đang sử dụng kinh nghiệm cho các lĩnh vực: kỹ thuật trồng trọt, chọn cây trồng, vật nuôi hay xử lý các vụ việc cạnh tranh trong mua bán, tiêu thụ nông sản… Theo ông, liệu có thể chỉ sử dụng kinh nghiệm cho tất cả các vấn đề phát sinh trong làm nông ở thời điểm này khi nông nghiệp đã bắt đầu hội nhập sâu?

- Tôi là một người điển hình trong việc làm nông chỉ lệ thuộc hoàn toàn vào kinh nghiệm. Kinh nghiệm cho tôi biết cây cối phát triển đến giai đoạn nào thì có thể gặp bệnh gì, xử lý ra sao, bán sản phẩm mùa nào là được giá… Nhưng tôi cũng thấy, kinh nghiệm chỉ hữu ích khi làm quy mô nhỏ, còn khi đã phát triển sản phẩm ở thị trường lớn, thậm chí xuất khẩu, thì tất cả sự nhạy bén, kiến thức mới, mô hình mới, nhu cầu mới… đều phải học, học bằng nhiều cách.

* So với vài chục năm trước, nông dân hiện nay “khổ” và “sướng” hơn ở chỗ nào?

- Cách đây vài chục năm thì không chỉ nông dân mà tất cả mọi người đều khổ, vì cơ sở vật chất xã hội chỉ có thế. Chúng tôi làm nông chỉ bằng đôi tay và sức lực. Ngày nay, quá nhiều máy móc hỗ trợ, thông tin liên lạc phong phú, ở Việt Nam vẫn có thể biết giá khoai mì trên thế giới. Đó là những thuận lợi quá lớn. Song, thời đại này, chúng tôi cũng phải đối mặt với những cái “khổ” khác: thị trường rộng mở hơn, cạnh tranh khắc nghiệt hơn. Thậm chí, thông tin quá phong phú và nhạy cảm nên chỉ cần một thông tin thiếu kiểm chứng về một loại nông sản ở vùng nào đó là đủ khiến chúng tôi điêu đứng.

* Bản thân ông có sợ một khi nông nghiệp Việt Nam hội nhập quá sâu, mình sẽ không kịp thích ứng? Và đối với ông, làm nông thế nào mới gọi là thành công?

- Tôi không ngại, tôi làm nông với tâm thế sẵn sàng thích nghi và thay đổi chứ không bảo thủ. Kinh nghiệm, mất mát sau nhiều năm theo nghề cho tôi thấy, càng nghiên cứu sát thông tin, càng dễ thành công. Không thể mình trồng, mình xài được, mà phải xem xét lúc nào thị trường cần, lúc nào không và có chiến lược rõ ràng.

Khi quyết định chuyển sang nghiên cứu và sản xuất thức ăn gia súc bằng thân bắp tươi ủ men, tôi có nhiều năm tìm hiểu và thấy nhu cầu sản phẩm này là rất lớn và mình sẽ có thị trường. Tại Việt Nam, cỏ cũng chỉ có mấy tháng, còn lại thiếu thức ăn cho trâu, bò, dê. Ở nước ngoài, sự thiếu thốn còn trầm trọng hơn với mùa đông khắc nghiệt. Tuy vậy, sản xuất thế nào để đạt chất lượng và áp dụng được vào thực tế là điều phải bỏ công học hỏi, phải làm đi làm lại nhiều lần để đạt kết quả.

* Sự thay đổi từ việc chỉ quản lý và chăm sóc một mảnh vườn sang những trang trại quy mô hàng trăm hécta, hoặc phải thành lập doanh nghiệp để mua bán hàng hóa, xuất khẩu nông sản, khó nhất là ở chỗ nào? Nhìn rộng ra, nông dân có cần phải học thêm các mô hình quản lý và bổ sung kiến thức thường xuyên, hay chỉ cần rành rọt kỹ thuật nuôi trồng là đủ?

- Thật ra quản lý một doanh nghiệp thuần túy sản xuất, bán hàng như tôi đã làm, tôi thấy không quá khó, bởi nó có mô hình sẵn và mình có thể học hỏi để áp dụng theo cách của mình. Quản lý con người trên đồng ruộng để cho ra sản phẩm chất lượng mới là khó. Và tôi nghĩ, để làm lớn, cả hai điều trên đều phải được học bài bản. Càng học nghiêm túc càng dễ thành công. Hai điều này thiên về quản trị, không chỉ nằm ở kinh nghiệm nuôi, trồng.

Còn muốn giảm giá thành, tôi quan niệm phải làm nhiều, làm lớn. Đầu tư một cái máy cày đắt tiền thì đường cày phải dài vài trăm mét mới tiết kiệm chi phí. Diện tích rộng, năng suất cao là vấn đề cốt lõi nhất trong cạnh tranh nông sản.

Ông Hồ Sáu sinh năm 1948, tại huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi. Rời Quảng Ngãi từ năm 13 tuổi, lăn lộn ở TP. Hồ Chí Minh kiếm sống rồi về “an cư” ở Trảng Bom ngót nửa thế kỷ nay, ông Hồ Sáu là một trong những nông dân nổi tiếng, được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba và mới đây nhất là giải thưởng “Sao thần nông” năm 2010 do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam bình chọn.

* Những “tật xấu” nào của nông dân Việt Nam cần thay đổi khi thị trường ngày càng mở rộng cho nông sản nước ngoài? Và họ cần gì nhất ở chính sách, vốn liếng, kỹ thuật hay thông tin thị trường?

- Có nhiều điểm yếu cần thay đổi, nhưng tôi chú tâm ở 2 điểm: sản xuất hay theo phong trào, thiếu thông tin dẫn đến hàng làm ra không có thị trường. Thứ hai là trong kết nối quan trọng doanh nghiệp - nông dân, nông dân cần giữ chữ tín hơn. Rất nhiều trường hợp, doanh nghiệp ký hợp đồng, đầu tư tiền bạc cho nông dân, song khi thu hoạch, chỉ cần thương lái mua cao hơn vài trăm đồng là nhiều người bội tín. Không ai đi kiện nông dân, nhưng chúng ta cần phải tự thay đổi để mình tốt hơn, làm nông dễ dàng hơn.

Chúng tôi cần vốn nhất, vốn giá rẻ và kịp thời để sản xuất nhanh và giá thành hạ, dễ cạnh tranh hơn. Mặt khác, nông dân cũng cần có phương án trả nợ rõ ràng hơn.

* Ông có bao giờ thấy chạnh lòng khi mình dù đạt được nhiều thành công vẫn chỉ được gọi là “tỷ phú chân đất”, quanh năm bám ruộng, bám vườn? Và ông có chia sẻ nào về nghề sau gần 50 năm theo đuổi?

- Nghề nông cho tôi nhiều thứ, cả khó nhọc lẫn vinh quang. Hơn nửa thế kỷ gắn bó với ruộng vườn, thành công và thất bại nhiều, song tôi hạnh phúc. Tôi yêu thích nghề nông. Đi đâu gặp một bụi mì có năng suất cao, củ lớn cũng phải vào hỏi cặn kẽ lý do, học được gì thì học. Mùa thu hoạch, có khi nhìn ruộng mì cũng đã thấy no. Tình cảm đó cho tôi lòng kiên nhẫn nghiên cứu và bám trụ đến tận bây giờ khi kinh tế gia đình không còn là điều phải lo lắng nữa.

* Xin cảm ơn ông!

Kim Ngân (thực hiện)

 

 

 

Tin xem nhiều