Quản lý và tạo nền tảng cho báo chí hoạt động hiệu quả dựa trên lợi ích quốc gia, cộng đồng là những việc mà Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ Thông tin - truyền thông) Hoàng Hữu Lượng gọi là những thách thức thú vị.
Quản lý và tạo nền tảng cho báo chí hoạt động hiệu quả dựa trên lợi ích quốc gia, cộng đồng là những việc mà Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ Thông tin - truyền thông) Hoàng Hữu Lượng gọi là những thách thức thú vị. Ở thời đại mà mỗi cá nhân đều có thể trở thành “người làm báo” thông qua một trang mạng xã hội, một thông tin sai lệch truyền đi như tên bắn có thể gây tác hại khôn lường, thì quản lý lĩnh vực này càng trở nên khó khăn hơn.
* Ông đánh giá thế nào về những người phát ngôn hiện tại của các cơ quan công quyền? Ông đã hài lòng chưa? Đâu là vấn đề khó khăn nhất trong việc triển khai quy chế này?
- Thực tế, người phát ngôn ở các cơ quan công quyền hiện tại đều là những người kiêm nhiệm, chúng ta chưa hề có bộ phận phát ngôn chuyên nghiệp, trừ Bộ Ngoại giao - dù rằng vẫn kiêm nhiệm, song đã được đào tạo bài bản. Về mặt thực hiện quy chế, theo tôi khá nhiều cơ quan đã làm được, nghĩa là chấp hành đúng quy chế khi báo chí có nhu cầu được cung cấp thông tin, chẳng hạn như: Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành… hầu hết đều cập nhật thông tin thường xuyên qua các buổi họp báo hoặc thông cáo báo chí trên trang web chính. Tuy nhiên, kỹ năng của đội ngũ phát ngôn thì còn yếu: thu thập thông tin chưa đầy đủ, nắm vấn đề chưa chắc... dẫn đến thông tin bị hiểu nhầm. Chính vì thiếu kỹ năng nên tâm lý ngại đối mặt, ngại trả lời báo chí vẫn còn phổ biến. Đây cũng chính là thách thức trong việc triển khai quy chế mới về phát ngôn.
* “Né” báo chí là hiện tượng khá phổ biến của các cơ quan nhà nước, kể cả người đứng đầu lẫn người phát ngôn. Theo ông, báo chí nên hành xử thế nào?
- Kinh nghiệm cho thấy, có 2 nguyên nhân khiến người phát ngôn “né” báo chí; thứ nhất là do chưa được đào tạo về kỹ năng trả lời phỏng vấn báo chí, thứ hai là chính người phát ngôn đó cũng chưa có thông tin đầy đủ. Hiểu và đánh giá đúng điều này thì trong trường hợp cần thiết, nhà báo sẽ có cách xử lý phù hợp. Người phát ngôn phải luôn nhớ: bất kỳ trường hợp nào, báo chí cũng cần thông tin ban đầu, và thái độ của người phát ngôn nhiều khi cũng chính là thông tin được đưa trên mặt báo trong khi chờ đợi những thông tin khác tiếp theo. Thông tin chính thống đưa càng chậm, sự thật càng dễ bị xuyên tạc.
Liệu chúng ta có thể hy vọng gì về quy chế người phát ngôn mới được Thủ tướng ban hành vào tháng 5-2013? Từ trước đến nay, chưa một cá nhân, tổ chức nào bị phạt vì… tránh trả lời báo chí.
- Chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng. Lần này tôi tin là các cơ quan công quyền sẽ chấp hành quy chế, bởi nó cũng có mặt lợi: anh có thể cung cấp thường xuyên những thông tin tích cực chứ không phải chỉ là đối mặt với tiêu cực. Thêm vào đó, báo chí sẽ là nguồn cung cấp thông tin cho việc xử lý vi phạm khi quy chế phát ngôn bị thực hiện sai. Một số điểm mới của quy chế là: mỗi cơ quan hành chính nhà nước có 3 người có trách nhiệm phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí. Điểm mới thứ hai là thời gian bắt buộc cung cấp thông tin, họp báo định kỳ cho báo chí được rút ngắn. Đối với các vấn đề nóng, đột xuất, người phát ngôn có trách nhiệm thông tin ban đầu trong không quá 1 ngày kể từ khi vụ việc xảy ra.
Quy chế mới cũng quy định cho phép cá nhân thuộc cơ quan hành chính nhà nước được cung cấp thông tin cho báo chí, nhưng chỉ mang tính chất cá nhân chứ không được nhân danh cơ quan, đồng thời phải chịu trách nhiệm về thông tin mình cung cấp.
* Là người có nhiệm vụ quản lý báo chí, ông nghĩ gì trước sự bùng nổ của báo mạng và các trang thông tin điện tử? Đặc biệt, những thông tin tiêu cực và thiếu kiểm chứng của các trang thông tin điện tử lại tác động quá nhiều đến công luận theo chiều hướng xấu. Liệu rằng cơ quan quản lý có “bó tay” chăng?
- Về cơ bản, báo điện tử khá tốt. Tôi xin nhấn mạnh là các tờ báo điện tử uy tín nói chung có cơ quan chủ quản, chứ không phải các trang thông tin thiếu kiểm soát. Tuy vậy, phải thừa nhận trong hoạt động lẫn công tác quản lý báo điện tử vẫn còn nhiều lỗ hổng. Một phần là do yêu cầu nhanh, kịp thời của báo điện tử đôi khi dẫn đến thông tin thiếu chính xác, các lỗi về ngữ pháp, chính tả cũng dễ xảy ra. Mặt khác phải thừa nhận, thời gian qua có những trang mạng đưa thông tin thiếu trách nhiệm, thiếu kiểm chứng, làm dấy lên dư luận hoặc tranh cãi không đáng có, mà vụ nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 nhận xét một ca sĩ gần đây là ví dụ. Thông tin rộng rãi và đa dạng là cần thiết, song cần cân nhắc tác động của nó đến dư luận xã hội và tâm lý người đọc. Tại sao phải hù dọa người đọc bằng cách mô tả chi tiết, tỉ mỉ các vụ cưỡng hiếp, giết người? Bức xúc theo kiểu đám đông đôi khi cũng bị các trang mạng đẩy nhanh và khó kiểm soát, dù sự thật đôi khi rất bình thường.
Các nhà báo đang tác nghiệp trong một sự kiện do tỉnh tổ chức. |
Báo chí chính thống trong nhiều vụ việc bị người đọc đánh giá là quá chậm chạp so với các trang mạng xã hội, theo ông đó là do nhà báo yếu kém hay họ không được tạo một môi trường làm việc minh bạch và thoải mái?
- Không có vùng cấm trong thông tin, cũng chưa có văn bản hay quy định nào đề nghị báo chí không được thông tin trung thực cả. Nhà báo, dù làm báo dưới hình thức nào cũng đều được khuyến khích đưa tin nhanh và chính xác. Tuy nhiên tôi lưu ý, thông tin đó phải dựa trên lợi ích quốc gia và lợi ích cộng đồng.
* Nhiều người đọc thông tin trên mạng xã hội như Facebook hoặc Twitter hơn so với các tờ báo chính thống. Đặc biệt, nhiều nhà báo sử dụng mạng xã hội rất nhuần nhuyễn và cung cấp thêm nhiều thông tin đằng sau mặt báo chính thống. Ông nghĩ sao về hiện tượng này?
Phải thừa nhận, trong hoạt động lẫn công tác quản lý báo điện tử vẫn còn nhiều lỗ hổng. Một phần là do yêu cầu nhanh, kịp thời của báo điện tử, đôi khi dẫn đến thông tin thiếu chính xác, các lỗi về ngữ pháp, chính tả cũng dễ xảy ra. Mặt khác phải thừa nhận, thời gian qua có những trang mạng đưa thông tin thiếu trách nhiệm, thiếu kiểm chứng, làm dấy lên dư luận hoặc tranh cãi không đáng có. |
- Trước khi có trách nhiệm của một nhà báo, anh cần ý thức trách nhiệm của một công dân. Nghĩa là không nên dùng trang cá nhân để cung cấp thông tin thiếu kiểm chứng, xâm phạm đời tư, kích động dư luận… Còn với trách nhiệm của một nhà báo, đòi hỏi cao hơn nữa: cần hết sức tỉnh táo, tránh biến những thông tin của mình thành ngòi nổ kích động xã hội. Nhà báo cần có tinh thần xây dựng, kể cả trên trang cá nhân.
* Báo chí Việt Nam sắp tới sẽ phát triển theo xu hướng nào, theo ông? Liệu rằng báo chính thống có co cụm và thông tin từ các trang mạng xã hội lên ngôi?
- Thế mạnh của báo chính thống chính là sự chính xác của thông tin, và tôi cho rằng nhu cầu này là mãi mãi. Mọi người có thể có thông tin ở tất cả mọi hướng, mọi chiều, song những thông tin được kiểm chứng đầy đủ chỉ có trên báo chí chính thống. Vì vậy, dù hình thức truyền tải có biến đổi thế nào để phù hợp với xu thế phát triển: báo in giảm, báo điện tử tăng… thì báo chí chính thống vẫn tồn tại tốt. Tuy nhiên, nếu đã là báo chính thống mà anh thông tin thiếu chính xác, thiếu kiểm chứng thì anh đã tự giết mình.
Kim Ngân (thực hiện)