Báo Đồng Nai điện tử
En

Tháo gỡ khó khăn, giúp nông dân và doanh nghiệp tiếp cận các gói kích cầu của Chính phủ

09:08, 13/08/2009

Vừa qua, một số bạn đọc ở huyện Xuân Lộc và TX.Long Khánh có gửi thư đến Báo Đồng Nai hỏi về việc thực hiện các gói kích cầu của Chính phủ. Để giúp bạn đọc hiểu rõ vấn đề này, phóng viên Báo Đồng Nai đã có cuộc trao đổi với ông Quách Anh Bông, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chi nhánh Đồng Nai.

Ông Quách Anh Bông, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, chi nhánh Đồng Nai.

Vừa qua, một số bạn đọc ở huyện Xuân Lộc và TX.Long Khánh có gửi thư đến Báo Đồng Nai hỏi về việc thực hiện các gói kích cầu của Chính phủ. Để giúp bạn đọc hiểu rõ vấn đề này, phóng viên Báo Đồng Nai đã có cuộc trao đổi với ông Quách Anh Bông, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chi nhánh Đồng Nai.

 

* Phóng viên: Xin ông cho biết, tình hình triển khai các gói kích cầu của Chính phủ trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua?

 

- Ông Quách Anh Bông: Từ tháng 2-2009, Chính phủ ban hành cơ chế hỗ trợ lãi suất cho các khoản vay bằng tiền đồng Việt Nam và giao cho các ngân hàng thương mại (NHTM), quỹ tín dụng trung ương, công ty tài chính, ngân hàng 100% vốn nước ngoài và ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam cho vay theo cơ chế thông thường và thực hiện hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay ngắn hạn; trung hạn; vay vốn để mua máy móc thiết bị và vật tư phục vụ nông nghiệp, mua vật liệu xây dựng nhà ở nông thôn theo Quyết định số 497/QĐ-TTg ngày 17-4-2009 (QĐ 497). Kết quả, tính đến giữa tháng 7-2009, dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất đã đạt 11.119 tỷ đồng, bằng 33% tổng dư nợ và đạt 50% đối tượng được hỗ trợ. Trong đó, cho vay gói hỗ trợ lãi suất theo QĐ 497 đạt 535 triệu đồng.

 

Nhìn chung, các gói hỗ trợ lãi suất đã được hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai triển khai nhanh, kịp thời. Riêng gói hỗ trợ lãi suất theo QĐ 497 còn đạt thấp, do vướng mắc về việc ban hành danh mục máy móc, thiết bị vật tư nông nghiệp và vật liệu xây dựng sản xuất trong nước; việc xác nhận các khoản vay của các UBND xã, phường, thị trấn để làm căn cứ cho các NHTM cho vay hỗ trợ lãi suất... Hiện nay, Sở Công thương cũng đang phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện xử lý vấn đề này.

 

* Trường hợp các đối tượng thuộc diện được vay vốn với lãi suất ưu đãi, nhưng không có hóa đơn, chứng từ đầu vào, thì liệu có được vay không, thưa ông?

 

- Theo quy chế cho vay, thì doanh nghiệp vay vốn với lãi suất thông thường hoặc vay vốn với lãi suất ưu đãi đều phải cung cấp chứng từ để chứng minh mục đích sử dụng vốn vay. Ngân hàng Nhà nước đã có hướng dẫn cụ thể trong 2 văn bản số: 1436/NHNN-CSTT (ngày 3-3-2009) và 2244/NHNN-CSTT (ngày 2-4-2009). Trong đó có quy định các đối tượng vay hỗ trợ lãi suất cần phải có hóa đơn mua bán hàng theo quy định của Bộ Tài chính; phiếu hoặc bảng kê xuất nhập hàng hóa có xác nhận của các bên liên quan, bộ chứng từ xuất khẩu... Trường hợp các chi phí sản xuất - kinh doanh (SX-KD) mà pháp luật không quy định bắt buộc phải có hóa đơn theo quy định của Bộ Tài chính, thì NHTM phải kiểm tra tại chỗ và lập biên bản kiểm tra, có xác nhận của NHTM và bên vay để xác định cụ thể những chi phí SX-KD phù hợp với giá trị tài sản thực tế được hình thành từ vốn vay.

 

 Đối với hộ nông dân vay vốn để chi phí SX-KD (vốn lưu động) thì giấy tờ chứng minh mục đích sử dụng vốn vay để hỗ trợ lãi suất là biên bản kiểm tra việc sử dụng vốn vay, có xác nhận của bên vay và NHTM, trong đó xác định cụ thể những chi phí SX-KD phù hợp với giá trị tài sản thực tế được hình thành từ vốn vay. Còn đối với khách hàng vay là tổ chức sử dụng tiền vay để thanh toán tiền mua nông, lâm, thủy hải sản và các hàng hóa khác cho bên bán là cá nhân, hộ gia đình, thì sử dụng phiếu hoặc bảng kê mua (nhập) hàng hóa có xác nhận của bên mua và bên bán. Các trường hợp còn lại thì phải có hóa đơn theo quy định của Bộ Tài chính.

Với quy định này thì việc cung cấp  hóa đơn, chứng từ đầu vào theo quy định để được vay vốn hỗ trợ lãi suất, các doanh nghiệp cũng không gặp khó khăn lắm.

 

* Nông dân đang vay vốn ngân hàng và chưa trả được nợ cũ, liệu đợt này có được vay lại để hưởng lãi suất ưu đãi?

 

- Nhà nước hỗ trợ lãi suất cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu vay vốn nhằm khuyến khích tức thời thực hiện đầu tư mới phát triển SX-KD. Đối với những khách hàng đã vay trước khi Quyết định hỗ trợ lãi suất của Chính phủ có hiệu lực thì không được hỗ trợ lãi suất. Tuy nhiên, khách hàng có thể đẩy nhanh tiến độ SX-KD, tăng nhanh vòng quay vốn, hạ giá thành sản phẩm, tiêu thụ nhanh sản phẩm để thu hồi vốn trả nợ ngân hàng, giảm dư nợ cũ và có nhu cầu vay mới để tiếp tục SX-KD, thì trong thời gian đến 31-12-2009, ngân hàng tiếp tục cho vay hỗ trợ lãi suất. Hoặc, nếu khách hàng chưa giảm được dư nợ vay cũ nhưng có nhu cầu dự án mở rộng quy mô, phát triển thêm SX-KD khả thi, hiệu quả, còn giá trị tài sản thế chấp thì ngân hàng tiếp tục cho vay mới để hỗ trợ lãi suất.

 

* Có ý kiến cho rằng, việc ngân hàng quy định cho vay mua vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp không quá 7 triệu đồng/hécta là chưa phù hợp với đầu tư thực tế của nông dân. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

 

- Nguồn hỗ trợ lãi suất cho nông dân vay vốn nằm trong gói kích cầu của Chính phủ, nguồn hỗ trợ này có hạn, do vậy mức độ hỗ trợ cho các đối tượng vay vốn cũng bị khống chế phù hợp với nguồn tiền hỗ trợ. Tuy nhiên, khách hàng có nhu cầu vay vốn và có dự án đầu tư khả thi, hiệu quả và thuộc diện hỗ trợ lãi suất thì ngân hàng vẫn cho khách hàng vay đủ theo nhu cầu của dự án để đáp ứng đủ nguồn vốn thực hiện SX-KD, nhưng số dư nợ được hỗ trợ lãi suất tối đa là 7 triệu đồng, số dư nợ vượt trên 7 triệu đồng/hécta, thì khách hàng phải trả theo lãi suất vay thông thường tại thời điểm.

 

* Xin cảm ơn ông.

Trọng Nhân

 

 

Tin xem nhiều