Báo Đồng Nai điện tử
En

Năm học 2009-2010: Tăng cường ứng dụng CNTT, chấm dứt việc dạy học đọc - chép

09:08, 17/08/2009

Nhân dịp tựu trường năm học mới, Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Minh Hoàng đã dành cho phóng viên Báo Đồng Nai một cuộc trao đổi về những nội dung mà ngành GD-ĐT Đồng Nai sẽ thực hiện trong năm học 2009-2010

Nhân dịp tựu trường năm học mới, Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Minh Hoàng đã dành cho phóng viên Báo Đồng Nai một cuộc trao đổi về những nội dung mà ngành GD-ĐT Đồng Nai sẽ thực hiện trong năm học 2009-2010

 

* 6 nhiệm vụ trọng tâm của năm học mới

 

* Phóng viên: Năm học 2009-2010, Sở GD-ĐT Đồng Nai sẽ tập trung vào những vấn đề nào nhằm tạo ra sự bứt phá, thưa ông?

 

- Ông Lê Minh Hoàng: Chúng tôi xác định trách nhiệm phải vượt qua những khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ, do vậy, việc giải quyết những bất cập của ngành GD-ĐT đã được cụ thể hóa thành 6 nhiệm vụ trọng tâm của năm học.

 

Đó là ngành tiếp tục thực hiện cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" theo chỉ thị 06 của Bộ Chính trị với yêu cầu đặc thù của ngành là gắn chặt với cuộc vận động "Hai không", cuộc vận động "Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo" và phong trào thi đua "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực". Đây là năm học mà ngành đặc biệt chú trọng đổi mới quản lý giáo dục, nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục bằng những giải pháp như: nâng cao năng lực của hệ thống quản lý giáo dục, chất lượng đội ngũ giáo viên. Đây là việc mà ngành giáo dục đề cập từ nhiều năm, song trong năm học này sẽ triển khai quyết liệt vì đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng là hai vấn đề không thể tách rời. Ngoài ra, ngành tiếp tục tập trung vào việc phát triển và thực hiện tốt quy hoạch chi tiết mạng lưới trường lớp, củng cố và tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục, tiếp tục thực hiện chỉ tiêu chương trình kiên cố hóa phòng học và xây dựng nhà công vụ cho giáo viên từ 2008-2012.

 

* Cụ thể, việc đổi mới đó sẽ là gì, thưa ông?

 

- Hội nghị tổng kết năm học đã xác định rõ những tồn tại của năm học trước như: công tác chỉ đạo của các cơ quan quản lý giáo dục, cán bộ quản lý trong một số vấn đề còn chưa đồng bộ, một bộ phận cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh chưa nhiệt tình hưởng ứng các cuộc vận động và thi đua của ngành, năng lực của đội ngũ giáo viên chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới, chất lượng giáo dục phát triển chưa đồng bộ, học sinh còn bỏ học vì nhiều lý do... Nhìn thấy những điều này, trong năm học tới, ngành giáo dục Đồng Nai tập trung vào việc đổi mới quản lý giáo dục, như: đổi mới quản lý tài chính, đổi mới quản lý đội ngũ. Những đổi mới đó sẽ có sự điều chỉnh theo hướng phát huy sự năng động, sáng tạo của từng cơ sở giáo dục, từng cá nhân. Cụ thể, Sở thực hiện thông tư 09 về Quy chế thực hiện công khai đối với các cơ sở giáo dục. Theo đó, các cơ sở sẽ phải thực hiện "3 công khai, 4 kiểm tra", kiểm định chất lượng các cơ sở giáo dục để người học và xã hội giám sát. Sở tiếp tục giao quyền tự chủ nhiều hơn cho các cơ sở giáo dục, đồng thời ràng buộc các cơ sở giáo dục và người đứng đầu các cơ sở vào việc phải tự chịu trách nhiệm trước xã hội về chất lượng giáo dục.

 

* Tăng cường cơ sở vật chất, đổi mới phương pháp dạy học, chấm dứt cách dạy đọc - chép

 

* Đồng Nai không thiếu chỗ học nhưng hiện vẫn còn nhiều nơi cơ sở vật chất chưa đáp ứng, tình trạng thiếu giáo viên cục bộ ở một số bộ môn... Liệu những điều này có ảnh hưởng đến việc đổi mới phương pháp và nâng cao chất lượng giáo dục không, thưa ông?

 

- Áp lực lao động ngoài tỉnh kéo theo lượng học sinh tăng đột biến nên Đồng Nai chịu nhiều áp lực về trường lớp. Song, chủ trương của tỉnh trong nhiều năm là tăng nguồn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và đổi mới cơ chế phân cấp về huyện, thị xã, thành phố nên hàng năm có hàng trăm phòng học mới được đưa vào sử dụng. Phải thừa nhận, dù bộ mặt trường lớp ở Đồng Nai được xây dựng ngày càng khang trang, hiện đại, song một số nơi cơ sở vật chất chưa đáp ứng do tiến độ thực hiện kiên cố hóa còn chậm hoặc cơ sở xuống cấp cần tu sửa. Tình trạng thiếu giáo viên không tập trung một chỗ mà rải đều, nhất là các trường vùng sâu, vùng xa và chỉ cục bộ ở một số bộ môn. Các đơn vị vẫn đảm bảo yêu cầu giảng dạy bằng cách dạy phụ trội và hợp đồng với cơ chế đổi mới quản lý tài chính. Điều quan trọng mà ngành lo lắng nhất chính là nhận thức và năng lực của giáo viên có đủ để đáp ứng việc đổi mới phương pháp dạy học không. Để làm được điều này, ngành đã và sẽ tiếp tục đẩy mạnh bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên, triển khai luân chuyển giáo viên và cán bộ quản lý, triển khai áp dụng chuẩn nghề nghiệp đánh giá giáo viên. Đồng thời, ngành cũng kiến nghị với các cấp, ban ngành những vấn đề liên quan đến quyền lợi cho giáo viên. 

 

* Trong năm học này, liệu ngành có giải quyết dứt điểm việc dạy học chủ yếu qua "đọc - chép" không, thưa ông?

 

- Muốn thay đổi cách dạy học này, Sở sẽ phải tập trung vào đổi mới phương pháp dạy học và đổi mới thi cử, chỉ đạo các cơ sở nghiêm túc thực hiện hiệu quả việc đánh giá, kiểm tra kết quả học tập của học sinh. Cụ thể, Sở yêu cầu việc đổi mới kiểm tra, đánh giá kết quả học tập và rèn luyện của học sinh theo chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình. Ngoài ra, các cấp học sẽ phải bàn giao kết quả học tập của học sinh lớp dưới cho lớp trên. Có như thế, việc đánh giá mới thực chất và giáo viên sẽ có trách nhiệm với sản phẩm của mình hơn. 

 

* Xin cảm ơn ông!

B.Trang (thực hiện)

Tin xem nhiều