Dự án Khu đô thị Đông Sài Gòn (thuộc xã Phú Thạnh và Long Tân, huyện Nhơn Trạch) với tổng vốn đầu tư 6 tỷ USD là dự án lớn nhất ở Đồng Nai, đã được Công ty CP đầu tư Nhơn Trạch (doanh nghiệp thành viên của Công ty Tín Nghĩa) khởi công xây dựng vào sáng ngày 16-8-2009.
* Phóng viên: Dự án Khu đô thị Đông Sài Gòn có tổng vốn đầu tư 6 tỷ USD được xem là lớn nhất ở Đồng Nai, ông nói gì về điều này?
- Ô. Nguyễn Hiếu Lộc: Dự án đô thị Đông Sài Gòn là một phần của thành phố mới Nhơn Trạch, theo định hướng phát triển sẽ là trung tâm kinh tế, công nghiệp, giáo dục, đầu mối giao thông... của khu vực Đông Nam bộ, nên đòi hỏi phải quy hoạch và xây dựng một khu đô thị mới hiện đại, nhưng phải thân thiện với môi trường. Để có một đô thị hiện đại, tất nhiên vốn đầu tư phải cao. Song, với vị trí đắc địa như vậy, các chuyên gia nước ngoài đánh giá dự án có tiềm năng cao, do vậy có nhiều công ty bất động sản, quỹ đầu tư, ngân hàng trong và ngoài nước đề nghị tham gia đầu tư vốn hoặc liên doanh, liên kết để trở thành đối tác chiến lược. Ngay trong ngày động thổ dự án, Ngân hàng TMCP dầu khí Toàn Cầu đã ký hợp đồng mua 1.000 tỷ đồng trái phiếu của Công ty CP đầu tư Nhơn Trạch.
* Nhưng cũng có ý kiến tỏ ra lo ngại vì với dự án có tổng vốn rất lớn như vậy, trong khi vốn điều lệ chỉ có 660 tỷ đồng, liệu rằng dự án có khả thi không, thưa ông?
- Ở các nước phát triển, các công ty kinh doanh bất động sản thành đạt cũng không thể nào có đủ vốn tự có để đầu tư hoàn chỉnh dự án quy mô lớn, mà phải huy động nhiều nguồn vốn khác nhau của xã hội. Như đã nói ở trên, có nhiều cách thức để huy động vốn, như: phát hành trái phiếu, huy động vốn trên thị trường tiền tệ (chứng khoán), liên doanh, liên kết với các nhà đầu tư thứ cấp... Hơn nữa, dự án tiến hành làm theo kiểu cuốn chiếu nên khi đã phát huy được tiềm năng, lợi thế của nó thì việc xoay vòng của đồng vốn cũng sẽ nhanh hơn. Tôi nghĩ, vốn đầu tư là cần thiết, nhưng điều quan trọng nhất vẫn là biết cách sử dụng đồng vốn một cách thông minh, quản lý khai thác và phát huy có hiệu quả tiềm năng của dự án.
* Tình hình kinh tế thế giới nói chung, VN nói riêng hiện vẫn còn khó khăn do khủng hoảng, ông có nghĩ rằng dự án triển khai sẽ thuận lợi sau lễ động thổ?
- Có dấu hiệu cho thấy kinh tế thế giới và Việt
* Theo ông, khó khăn mà công ty e ngại nhất là gì trong quá trình triển khai dự án?
- Thành phố mới Nhơn Trạch hiện nay chưa có một quy hoạch chi tiết về hạ tầng cơ sở chung, trong khi có hơn 60 nhà đầu tư bất động sản lớn nhỏ tham gia. Mỗi dự án được quy hoạch, thiết kế theo một kiểu, không đồng bộ, điều này sau này khi kết nối hạ tầng của các dự án này với nhau chắc chắn sẽ gặp khó khăn, như chênh lệch về cốt đường, về vị trí đấu nối, về thoát nước mưa, nước thải... Ngoài ra, việc hình thành đô thị mới Nhơn Trạch nhanh hay chậm phụ thuộc rất nhiều vào tiến độ đầu tư hệ thống giao thông với bên ngoài, giao thông liên vùng.
Dự án Khu đô thị Đông Sài Gòn là một phần trong quy hoạch tổng thể đô thị mới Nhơn Trạch có diện tích 759 hécta (giai đoạn 1), trong đó đã đền bù và nộp tiền sử dụng đất 568,3 hécta. Dự án do Công ty Urbis International (Hồng Kông) tư vấn lập quy hoạch tỷ lệ 1/2000; Công ty Edaw/Aecom (Hoa Kỳ) lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 và Công ty CP tư vấn xây dựng Bách Khoa (thuộc Trường đại học Bách khoa TP.Hồ Chí Minh) thực hiện thiết kế kỹ thuật thi công hạ tầng... Theo đó, dự án sẽ bao gồm các công trình nhà ở, y tế, giáo dục, thương mại, dịch vụ, với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội được xây dựng đồng bộ nhằm phục vụ cho dân cư trong khu vực và lân cận với quy mô dân số 150.000 người. Hệ thống giao thông hạ tầng được quy hoạch theo tiêu chuẩn Âu - Mỹ (hệ thống kỹ thuật đi ngầm trong tuynel)... Theo kế hoạch, từ nay đến đến cuối năm 2010 Công ty CP đô thị Nhơn Trạch sẽ tập trung thi công các tuyến đường giao thông chính, công viên cây xanh, hồ nước, kênh nước, lối đi bộ cảnh quan và sẽ cho ra mắt những khu nhà mẫu đầu tiên để chào bán cho khách hàng. |
* Phú Mỹ Hưng cũng phải mất gần 20 năm mới định hình một khu đô thị mới hiện đại; Đông Sài Gòn có lợi thế về giao thông và cấu tạo địa chất hơn hẳn Phú Mỹ Hưng, lại đi sau nên sẽ có nhiều bài học kinh nghiệm rút ra từ họ. Vậy ông nghĩ rằng phải mất thời gian bao lâu sẽ tạo nên bộ mặt xứng tầm là Đông Sài Gòn? Và điều gì là sự khác biệt của Đông Sài Gòn?
- Đúng như nhận xét của nhà báo, dự án Đông Sài Gòn có nhiều điểm thuận lợi và đi sau khu đô thị Phú Mỹ Hưng nên chúng tôi cũng học hỏi được nhiều kinh nghiệm. Phú Mỹ Hưng xây dựng trong giai đoạn đầu mở cửa khi kinh tế còn nhiều khó khăn, trong khi đó dự án đô thị Đông Sài Gòn xây dựng trong điều kiện nền kinh tế Việt Nam trên đà phát triển nhanh (suy thoái kinh tế chỉ là tạm thời, sẽ sớm kết thúc); thu nhập của người dân được nâng cao, chi phí đầu tư xây dựng cho 1m2 sàn cũng sẽ thấp hơn, do đó thời gian hình thành hoàn chỉnh khu đô thị mới này có thể sẽ ngắn hơn (khoảng 15 năm) với điều kiện là hệ thống giao thông liên vùng phải được triển khai đầu tư nhanh, đồng bộ.
Sự khác biệt của đô thị Đông Sài Gòn đó là hệ thống giao thông được quy hoạch theo chuẩn Âu - Mỹ; tỷ lệ đất xây dựng thấp, dành rất nhiều quỹ đất cho cây xanh và không gian mở, như: công viên, quảng trường, hồ nước, các kênh nước, lối đi bộ... Đông Sài Gòn sẽ là đô thị thân thiện với môi trường và hiện đại. Dự kiến toàn bộ chi phí đầu tư xây dựng cho hạ tầng khoảng 220 triệu USD.
* Xin cảm ơn ông.
X.Phú - K.Loan (thực hiện)