Báo Đồng Nai điện tử
En

Bà Lê Ngọc Sương, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh:
Phụ nữ đã biết bảo vệ mình hơn

09:02, 29/02/2008

Khi đời sống kinh tế - xã hội được nâng lên, lẽ ra tình trạng bạo hành trong gia đình phải giảm đi. Nhưng thực tế, hiện tượng này vẫn tồn tại, thậm chí còn phổ biến ở các vùng nông thôn... mặc dù công tác tuyên truyền pháp luật nhằm hạn chế tình trạng bạo hành đã được các ngành, các cấp quan tâm hơn - đặc biệt là vai trò của Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) cấp cơ sở. Bà LÊ NGỌC SƯƠNG, Phó chủ tịch Hội LHPN tỉnh đã có cuộc trao đổi với phóng viên báo Đồng Nai về vấn đề này.

Bà Lê Ngọc Sương

Khi đời sống kinh tế - xã hội được nâng lên, lẽ ra tình trạng bạo hành trong gia đình phải giảm đi. Nhưng thực tế, hiện tượng này vẫn tồn tại, thậm chí còn phổ biến ở các vùng nông thôn... mặc dù công tác tuyên truyền pháp luật nhằm hạn chế tình trạng bạo hành đã được các ngành, các cấp quan tâm hơn - đặc biệt là vai trò của Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) cấp cơ sở. Bà LÊ NGỌC SƯƠNG, Phó chủ tịch Hội LHPN tỉnh đã có cuộc trao đổi với phóng viên báo Đồng Nai về vấn đề này.

 

* Phóng viên: Thưa bà, vì sao đời sống kinh tế - xã hội đã khá lên nhiều nhưng bạo hành gia đình vẫn xảy ra?

 

- Bà Lê Ngọc Sương: Qua các Hội cơ sở phản ánh, dù điều kiện kinh tế đã phát triển hơn nhưng vẫn còn bạo hành gia đình, tính chất của việc bạo hành lại tinh vi hơn so với thời kinh tế còn khó khăn. Nếu trước đây thường là chồng đánh vợ, cha mẹ đánh con cái... thì bây giờ lại có chuyện con cái bạc đãi cha mẹ, thậm chí vợ bạo hành chồng, chồng đánh vợ nhưng cố ý không để lại thương tích bên ngoài thân thể. Hình thức bạo hành bây giờ cũng không phải chỉ là đánh đập mà còn các loại bạo hành khác như: bạo hành tinh thần, bạo hành tình dục... làm cho phụ nữ u uất, trầm cảm, sống mòn thì còn nghiêm trọng hơn là bạo hành thân thể. Nhưng nhìn chung, phụ nữ thời nay đã biết tự bảo vệ mình hơn, không để bị bạo hành dã man mà vẫn cam chịu.

 

* Nguyên nhân của tình trạng bạo hành là gì, thưa bà?

 

Điều này xuất phát từ việc nhận thức về pháp luật của người dân còn hạn chế, đặc biệt là các vùng sâu, vùng xa - nơi người dân ít được tiếp xúc với pháp luật, với các hoạt động văn hóa - nên vẫn tồn tại quan niệm vợ con là sở hữu, chồng chúa vợ tôi... Mặt khác, phần lớn chị em khi bị bạo hành đã cam chịu, không muốn "vạch áo cho người xem lưng" vì "xấu chàng hổ thiếp" nên không dám đứng ra tố cáo hoặc nhờ người ngoài giúp đỡ, mà thường âm thầm chịu đựng. Chỉ đến khi bị đánh đập dã man, gây thương tích nặng nề, họ mới nhờ đến pháp luật giải phóng cho mình. Lúc đó, nhiều trường hợp chị em đã bị ảnh hưởng, thiệt thòi quá nặng nề về tinh thần và thể xác.

 

* Vậy vai trò của các cấp Hội như thế nào trong việc hạn chế tình trạng này?

 

- Hội LHPN các cấp là cơ quan bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho phụ nữ. Hiện nay, thông qua rất nhiều hình thức khác nhau như: CLB gia đình ấm no hạnh phúc, CLB phụ nữ không sinh con thứ ba, tổ phụ nữ tiết kiệm v.v..., Hội đã lồng ghép tuyên truyền pháp luật, chủ trương, chính sách của Nhà nước đến với chị em, đồng thời qua đó giúp phụ nữ hiểu hơn về các chủ trương của Nhà nước đối với việc chăm sóc và bảo vệ phụ nữ.  Trong sinh hoạt, Hội cơ sở cũng đã trang bị cho chị em những kỹ năng tự bảo vệ mình, con cái và người thân của mình để không bị bạo hành; trao đổi kỹ năng về tổ chức gia đình và giữ gìn hạnh phúc, nhận dạng các hình thức bạo hành để khi bị xúc phạm, biết tự đứng lên bảo vệ bản thân và người thân mình. Thời gian qua, Hội LHPN huyện và tỉnh cũng trở thành thành viên của Hội đồng tư vấn pháp luật để giúp đỡ người dân, đặc biệt là phụ nữ, trong các dịch vụ pháp lý liên quan đến quyền lợi của mình. Hội cũng phối hợp với ngành tư pháp hướng dẫn và tập huấn cho cán bộ phụ nữ cơ sở để trang bị cho họ kiến thức pháp luật để cho chị em có thêm kỹ năng tuyên truyền, đưa pháp luật đến với hội viên mình.

 

* Mặc dù thời gian qua các cấp Hội đã rất quan tâm đến vấn đề phòng chống bạo hành gia đình để bảo vệ quyền lợi của phụ nữ, nhưng ở nhiều nơi Hội cơ sở vẫn chưa là địa chỉ đáng tin cậy để chị em có thể tìm đến khi quyền lợi và thân thể bị xâm phạm. Vậy thời gian tới, vấn đề này có được cải thiện gì không, thưa bà?

 

- Đúng là trước đây vấn đề can thiệp của các cấp Hội cơ sở ở một số nơi còn hạn chế, chưa thực sự là nơi cần đến của nhiều chị em khi quyền lợi và thân thể bị xâm hại. Nhưng bây giờ đã khác hơn, chúng ta đã có Luật Hôn nhân - gia đình, Luật về bình đẳng giới, sắp tới Luật Phòng chống bạo lực trong gia đình sẽ được thông qua... Như thế, Hội LHPN các cấp sẽ có điều kiện tuyên truyền sâu rộng hơn đến các tầng lớp phụ nữ. Mặt khác, năm nay các cấp Hội cũng đặc biệt chú trọng đến việc truyền thông về giới đến phụ nữ vùng sâu, vùng xa. Qua đó, chúng tôi không chỉ truyền thông về pháp luật, mà còn truyền thông về khoa học - kỹ thuật, giúp chị em có thêm kiến thức trong sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ vốn và công ăn việc làm để chị em tạo ra của cải, tự chủ về kinh tế,  khẳng định hơn vị thế của mình trong gia đình.

 

* Xin cảm ơn bà!

Phương Liễu (thực hiện)

Tin xem nhiều