Báo Đồng Nai điện tử
En

Theo tiếng gọi của rừng già

08:03, 03/03/2023

Trong cái nắng gay gắt đầu tháng 3-2023, những cánh rừng già Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai (viết tắt là Khu bảo tồn) vẫn yên bình. Bởi rừng và muông thú giờ đây được thêm bảo vệ bởi những kiểm lâm viên (KLV) đến từ vùng núi Tây Bắc xa xôi.

Trong cái nắng gay gắt đầu tháng 3-2023, những cánh rừng già Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai (viết tắt là Khu bảo tồn) vẫn yên bình. Bởi rừng và muông thú giờ đây được thêm bảo vệ bởi những kiểm lâm viên (KLV) đến từ vùng núi Tây Bắc xa xôi.

Các kiểm lâm viên là người dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc được Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai tuyển dụng vào đầu năm 2022, phối hợp với đồng đội tuần tra, kiểm tra rừng. Ảnh: Đ.Phú
Các kiểm lâm viên là người dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc được Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai tuyển dụng vào đầu năm 2022, phối hợp với đồng đội tuần tra, kiểm tra rừng. Ảnh: Đ.Phú

“Khu bảo tồn đã mời gọi được 12 thanh niên là con em đồng bào dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc về làm KLV. Trong đó, nhiều người được đào tạo về quản lý, bảo vệ rừng” - Giám đốc Khu bảo tồn Nguyễn Hoàng Hảo phấn khởi cho biết.

* Quản lý trên 100 ngàn ha rừng và mặt nước

Toàn Khu bảo tồn hiện có 248 cán bộ, viên chức, người lao động, chịu trách nhiệm quản lý trên 100 ngàn ha rừng và mặt nước. So với chỉ tiêu biên chế được UBND tỉnh giao, đơn vị còn thiếu 45 người tại các chức danh công tác, nhất là chức danh KLV, cán bộ bảo vệ rừng chuyên trách. Chính vì vậy, thời gian qua, Khu bảo tồn luôn có chính sách tuyển dụng mới lực lượng KLV, bảo vệ rừng chuyên trách nhằm bổ sung cho lực lượng đã nghỉ hưu, chuyển công tác và xin nghỉ việc, nhưng rất khó tuyển dụng.

“Tất cả các KLV là con em đồng bào Mông vùng Tây Bắc mới đầu quân cho Khu bảo tồn đều được thử sức, thử thách tại Trạm Kiểm lâm cơ động Khu bảo tồn. Sau đó, anh em lần lượt được cấp trên tăng cường bổ sung cho các trạm kiểm lâm thiếu nhân lực”- Trạm phó Trạm Kiểm lâm cơ động LÂM VĂN CHIẾN cho biết.

Theo tiếng gọi thiêng liêng của rừng già Mã Đà, Hiếu Liêm, Vĩnh An (Khu bảo tồn), năm 2020, các chàng trai dân tộc Mông: Thào A Cho (kỹ sư lâm sinh, quê tỉnh Điện Biên), Sùng A Tú (tốt nghiệp cao đẳng ngành quản lý và bảo vệ tài nguyên rừng, quê tỉnh Sơn La) và Chà A Trá (tốt nghiệp trung cấp ngành quản lý và bảo vệ tài nguyên rừng, quê tỉnh Sơn La) về đầu quân cho Khu bảo tồn. Ngày đầu được tuyển dụng, các anh được phân công về Trạm Kiểm lâm cơ động (đơn vị chủ lực của Hạt Kiểm lâm Khu bảo tồn).

KLV Chà A Trá nở nụ cười hiền lành bày tỏ, rừng Khu bảo tồn khác so với rừng núi đá tỉnh Sơn La nơi anh sinh ra và lớn lên. Trong quá trình tuần tra bảo vệ rừng, chỉ cần định vị hướng đi không chuẩn rất dễ lạc dấu chân của đồng đội. Trong khi đó, rừng núi đá quê anh dù nhiều đồi cao, vực thẳm, đi rừng cũng không cần la bàn, máy định vị, cán bộ quản lý, bảo vệ rừng và đồng bào dân tộc Mông chỉ cần chọn vị trí cao phóng tầm mắt quan sát là xác định ngay hướng đi, không sợ lạc dấu.

Được thế hệ đàn anh dìu dắt làm quen với đặc tính của rừng, muông thú, nhận biết các hành vi xâm hại rừng, thú rừng của lâm tặc và cả phong tục, tập quán của người dân sinh sống ven rừng Khu bảo tồn, các KLV đồng bào dân tộc Mông vùng rừng núi Tây Bắc như: Thào A Cho, Sùng A Tú, Chà A Trá khám phá ra rất nhiều điều thú vị mà rừng và giáo án ở trường nơi các anh theo học không nhắc tới.

Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm cơ động Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai Nguyễn Tiến Tới (bìa trái) chuẩn bị đi tuần rừng với các kiểm lâm viên là người dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc. Ảnh: Đ.Phú
Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm cơ động Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai Nguyễn Tiến Tới (bìa trái) chuẩn bị đi tuần rừng với các kiểm lâm viên là người dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc. Ảnh: Đ.Phú

“Đồng bào dân tộc Mông ở bản, quê mình vẫn còn thói quen mang súng kíp, bẫy vào rừng săn bắt thú mà không sợ kiểm lâm, bảo vệ rừng ngăn cản. Riêng ở Khu bảo tồn, điều này tuyệt đối cấm, nhất là cấm tất cả mọi hành vi xâm nhập rừng trái phép. Do đó, trách nhiệm của KLV rất lớn. Nhờ vậy, rừng và muông thú nơi đây luôn được bình yên” - KLV Thào A Cho bộc bạch.

* Hội tụ “chiến binh” Tây Bắc

Chính vì sự hấp dẫn của rừng Khu bảo tồn, sự tận tình dìu dắt, hướng dẫn của đồng đội đi trước, các KLV: Thào A Cho, Sùng A Tú, Chà A Trá đã mời các thanh niên đồng bào các dân tộc: Mông, Dao ở quê nhà và các tỉnh Tây Bắc khác về đầu quân cho Khu bảo tồn. Nhờ vậy, đầu năm 2022, Khu bảo tồn có thêm 6 trí thức đồng bào dân tộc Mông vùng Tây Bắc về làm việc gồm: Giàng A Khày, Sùng A Minh (quê tỉnh Điện Biên); Lầu A Tòng, Lầu A Sềnh, Sùng A Ka Dinh (quê tỉnh Sơn La) và Mùa A Chay (quê tỉnh Lào Cai).

Giám đốc Khu bảo tồn Nguyễn Hoàng Hảo bày tỏ, các “lính” mới của ông ngoài sức khỏe của thanh niên vùng núi Tây Bắc, tình yêu rừng, đào tạo chuyên môn bài bản, họ còn là những người luôn biết vượt qua những khó khăn hiện tại như: lương thấp, sống xa gia đình, tuyển dụng chức danh KLV nhưng hợp đồng lao động là bảo vệ rừng chuyên trách theo đúng chỉ đạo của UBND tỉnh.

Kiểm lâm viên Giàng A Khày (bìa phải), Sùng A Mính hái rau chuẩn bị bữa cơm chiều cho đồng nghiệp khi đi tuần rừng về. Ảnh: Đ.Phú
Kiểm lâm viên Giàng A Khày (bìa phải), Sùng A Mính hái rau chuẩn bị bữa cơm chiều cho đồng nghiệp khi đi tuần rừng về. Ảnh: Đ.Phú

Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm cơ động Nguyễn Tiến Tới bộc bạch, những đồng đội mới của ông có bước chân tuần rừng rất khỏe, kỹ năng nhận biết và cảnh giác các dấu hiệu xâm hại rừng nhạy bén, nhất là họ rất chất phác, tuân thủ nghiêm quy chế, quy định của cơ quan, không ngại khó khăn.

“Có bạn đã lập gia đình và để vợ, con ở nhà trọ chờ cơ hội tìm việc làm nên gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống khi về đây. Tuy vậy, các bạn vẫn sẵn sàng ở lại trạm choàng ca trực cho đồng đội với tinh thần trách nhiệm rất cao. Đây chính là yếu tố đặc trưng của dân giữ rừng, truyền thống của Khu bảo tồn mà chúng tôi rất cần” - Trạm trưởng Nguyễn Tiến Tới tâm sự.

Cái nắng đầu tháng 3 tuy gay gắt nhưng vẫn không lấy đi quá nhiều mồ hôi của các KLV người dân tộc Mông trong bước chân tuần rừng. KLV Giàng A Khày (người con của bản Dê Dàng, xã Sính Phình, H.Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên) thổ lộ, anh đã quen với bước chân vượt đồi dốc hàng chục cây số khi đến trường, đi nương cùng cha mẹ giữa tiết trời Tây Bắc mùa hè. Cho nên, với rừng Khu bảo tồn đầy bóng mát, cơ thể anh không mỏi mệt nên không đổ mồ hôi nhiều.

Cũng chính vì rừng Khu bảo tồn đẹp, thơ mộng, cuộc sống giữ rừng luôn ấm tình đồng đội nên các KLV đồng bào dân tộc Mông không còn bỡ ngỡ với phong tục, tập quán, môi trường làm việc mới. Cũng chính vì vậy, những cuộc điện thoại về bản của các anh, ngoài tâm sự về công ăn việc làm mới với cha mẹ, người thân, còn có những lời mời bạn bè về với Khu bảo tồn - nơi thiên nhiên luôn vẫy gọi…

“Dù Khu bảo tồn tuyển dụng mình về làm KLV nhưng khi nhận nhiệm vụ thì do chính sách thay đổi, mình chỉ là cán bộ chuyên trách bảo vệ rừng. Mình cũng có chút buồn nhưng không sao, miễn sao học hành xong có công việc làm. Đó chính là điều mà bao thanh niên dân tộc Mông ở bản Nong Tầu, xã Phiêng Cằm, H.Mai Sơn, tỉnh Điện Biên của mình khao khát”- KLV SÙNG A KA DINH (Trạm Kiểm lâm cơ động, Khu bảo tồn) bày tỏ.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều