Báo Đồng Nai điện tử
En

Chuyện bác sĩ tham gia thiện nguyện

08:02, 24/02/2023

Nhiều năm qua, 2 bác sĩ (BS) Nguyễn Huỳnh Phước (51 tuổi) và Đào Thị Cẩm Tú (56 tuổi) là những tấm gương đi đầu trong công tác thiện nguyện của Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất.

Nhiều năm qua, 2 bác sĩ (BS) Nguyễn Huỳnh Phước (51 tuổi) và Đào Thị Cẩm Tú (56 tuổi) là những tấm gương đi đầu trong công tác thiện nguyện của Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất.

Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất phối hợp với Hội Chữ thập đỏ tỉnh tổ chức đoàn đi khám, chữa bệnh miễn phí cho người nghèo tại tỉnh Phú Yên. Ảnh: T.Nhân
Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất phối hợp với Hội Chữ thập đỏ tỉnh tổ chức đoàn đi khám, chữa bệnh miễn phí cho người nghèo tại tỉnh Phú Yên. Ảnh: T.Nhân

BS Phước và BS Tú đã không ngại vất vả, sẵn sàng tham gia cùng đoàn thầy thuốc của Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất và Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) tỉnh đi về các vùng xa xôi để khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho người nghèo. Tinh thần tự nguyện, hết lòng vì bệnh nhân nghèo của 2 BS khiến nhiều đồng nghiệp quý mến, cảm phục.

* Hết lòng vì bệnh nhân nghèo

Mặc dù công việc khá bận rộn nhưng  BS Phước và BS Tú vẫn tranh thủ thời gian nghỉ để trò chuyện với chúng tôi xoay quanh nghề nghiệp cũng như “duyên nợ” với việc làm thiện nguyện.

BS Phước kể lại, sau khi tốt nghiệp Trường đại học Y dược TP.HCM năm 1995, ông đã đến TP.Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) để xin làm việc cho một phòng khám. Làm việc được 8 năm, ông xin chuyển công tác về Bệnh viện Thánh Tâm (nay là Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất) và làm việc cho đến nay.

“Tôi được phân công khám, chữa bệnh cho bệnh nhân tại Khoa Y dược cổ truyền của Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất đến nay gần 20 năm. Dù ở vị trí công việc nào, tôi đều nỗ lực làm việc với tâm huyết, trách nhiệm cao để chăm sóc bệnh nhân được tốt và tạo uy tín cho bệnh viện” - BS Phước bộc bạch.

Khi đề cập đến cơ duyên tham gia công tác thiện nguyện, BS Phước cho hay, hồi còn trẻ, ông thường đi nhiều nơi và thấy người dân vùng sâu, vùng xa còn khó khăn, điều kiện khám, chữa bệnh hạn chế. Ông rất trăn trở và muốn làm điều gì đó để giúp đỡ họ, với mong muốn đóng góp một phần nhỏ bé của mình cho xã hội ngày càng tốt hơn. Từ đó, ông đã tình nguyện tham gia làm thiện nguyện đến nay đã hơn 20 năm. Trung bình mỗi năm, ông tham gia khoảng 15 lần cùng Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất và Hội CTĐ tỉnh về các vùng xa xôi trong và ngoài tỉnh để khám bệnh và cấp thuốc miễn phí cho bà con nghèo.

Bác sĩ Đào Thị Cẩm Tú (thứ 2, từ trái qua) trao đổi công việc làm từ thiện trong thời gian tới. Ảnh: T.Nhân
Bác sĩ Đào Thị Cẩm Tú (thứ 2, từ trái qua) trao đổi công việc làm từ thiện trong thời gian tới. Ảnh: T.Nhân

Theo BS Phước, đa số người nghèo ở vùng sâu, vùng xa thường bị một số bệnh cơ bản như: bệnh tim, cao huyết áp, thiếu dinh dưỡng... Bà con thường hay “nuôi” bệnh, nghĩa là biết mình bị bệnh nhưng vì không có tiền để đi phòng khám, bệnh viện nên cố chịu đựng cơn đau, từ đó khiến bệnh tình ngày càng nặng hơn. Đối với những trường hợp bệnh nhẹ được BS kê toa, cấp thuốc uống miễn phí trong thời gian khoảng 1 tuần là khỏe. Còn các bệnh nặng sẽ được tư vấn, hướng dẫn đến những cơ sở y tế uy tín để tiếp tục chữa trị.

“Chúng tôi rất vui khi được phục vụ người nghèo. Bởi họ thường làm nông nghiệp, làm thuê và phải lo bữa ăn hàng ngày thì không có điều kiện để thường xuyên đi khám, chữa bệnh. Cho nên, mình phải đi đến tận nơi để giúp bà con phát hiện ra bệnh. Là một bác sĩ, mình phải tâm huyết với nghề và có tấm lòng chia sẻ yêu thương bệnh nhân, đặc biệt là bệnh nhân nghèo” - BS Phước tâm sự.

* Chia sẻ tình yêu thương

Sau khi tốt nghiệp Trường đại học Y dược TP.HCM năm 1995, BS Đào Thị Cẩm Tú đã trở về Đồng Nai và xin vào làm việc ở một số công ty dược để trang bị kinh nghiệm cho bản thân. Làm được khoảng 4 năm thì bà xin chuyển công tác đến Văn phòng thường trực phòng chống HIV (sau này đổi thành Khoa Phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, thuộc Sở Y tế).

Bác sĩ Nguyễn Huỳnh Phước tham gia khám, chữa bệnh miễn phí cho người nghèo. Ảnh: T.Nhân
Bác sĩ Nguyễn Huỳnh Phước tham gia khám, chữa bệnh miễn phí cho người nghèo. Ảnh: T.Nhân

Năm 2014, BS Tú được chuyển đến công tác tại Khoa Nhiệt đới của Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất với công việc chuyên môn khám và điều trị những bệnh liên quan đến truyền nhiễm, dịch bệnh như: sốt xuất huyết, thủy đậu, quai bị… Đến tháng 9-2020, bà đến công tác tại Phòng Công tác xã hội và duy trì cho đến nay với công việc khám bệnh nghề nghiệp.

“Khi bệnh nhân đến với mình trong sự đau đớn nhưng sau thời gian điều trị thì họ ra viện với một nụ cười tươi, hài lòng. Điều đó khiến mình rất vui và cũng là động lực để gắn bó với nghề. Vì vậy, tôi luôn nỗ lực làm tròn trách nhiệm mà cấp trên giao ở bất cứ vị trí nào” - BS Tú bộc bạch.

Khi đề cập đến việc làm thiện nguyện, BS Tú cho hay, trong thời gian làm việc ở Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS và Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất, bà đã tiếp xúc với nhiều bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn. Từ đó, bà có sự đồng cảm và suy nghĩ muốn làm gì đó để giúp đỡ họ. Khi biết bệnh viện và Hội CTĐ tỉnh có tổ chức nhiều chương trình làm từ thiện hướng về cơ sở, BS Tú đã tích cực tham gia để san sẻ yêu thương, giúp bà con tiếp cận với dịch vụ y tế tốt hơn.

Qua những chuyến đi về cơ sở đã để lại trong BS Tú nhiều kỷ niệm khó quên. BS Tú chia sẻ, một trong những kỷ niệm khiến bà nhớ mãi là chuyến đi về xã Đắc Lua (H.Tân Phú) để khám bệnh từ thiện cho người dân nghèo. Hôm đó, khi BS Tú tiến hành khám bệnh cho bà con thì lần lượt phát hiện ra nhiều người bị tăng huyết áp rất cao. Bà đã nhanh chóng báo cho các thành viên trong đoàn và thống nhất phương án cấp cứu ngay tại chỗ bằng cách cho các bệnh nhân uống thuốc hạ huyết áp rồi cho họ nằm nghỉ ngơi để tiếp tục theo dõi. Chờ huyết áp giảm xuống ở chỉ số tạm ổn định, BS Tú tiến hành khám lại lần nữa cho yên tâm. Bà còn tư vấn, dặn dò rất kỹ lưỡng về bệnh huyết áp trước khi cho bệnh nhân ra về. Bệnh này không được chủ quan vì tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, nếu bệnh nhân không quan tâm thì dễ gây ra những hậu quả đáng tiếc như: tai biến, đột quỵ…

“Qua những chuyến đi, tôi mới thấy vẫn còn nhiều hoàn cảnh khó khăn cần giúp đỡ. Chính điều đó đã thôi thúc tôi phải tiếp tục đi để giúp đỡ họ, phải hướng cái tâm đến với họ. Vì vậy, ngày nào tôi còn sức khỏe, điều kiện còn cho phép thì ngày đó vẫn còn đi đến với bà con” - BS Tú tâm sự.

Trưởng phòng Công tác xã hội Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất Nguyễn Mạnh Khiết cho biết, bệnh viện là một trong những đơn vị đi đầu về hoạt động từ thiện từ nhiều năm nay. Ngoài tổ chức riêng, bệnh viện còn kết hợp với Hội CTĐ tỉnh tổ chức nhiều chương trình khám bệnh, cấp thuốc miễn phí, tặng quà cho bệnh nhân nghèo vùng sâu, vùng xa (trung bình từ 22-25 đợt/năm). Đặc biệt, BS Phước và BS Tú là những người có tâm huyết với hoạt động thiện nguyện từ nhiều năm nay. Bất kể lúc nào, hễ bệnh viện phát động chương trình là 2 BS này đều sắp xếp mọi việc để tham gia, thậm chí có những hôm phải trực suốt đêm ở bệnh viện nhưng sáng hôm sau cũng sẵn sàng đi cùng đoàn về vùng sâu, vùng xa khám bệnh cho người dân. Tấm lòng vì mọi người của 2 BS là tấm gương để đội ngũ thầy thuốc trẻ học hỏi, làm theo.

BS NGUYỄN HUỲNH PHƯỚC và BS ĐÀO THỊ CẨM TÚ cho rằng, hoạt động khám, chữa bệnh từ thiện cho đồng bào vùng sâu, vùng xa mang nhiều ý nghĩa nhân văn. Chương trình đã mang đến niềm yêu thương, chia sẻ với người dân, giúp bà con sớm phát hiện ra bệnh để kịp thời chữa trị. Vì vậy, chương trình cần tiếp tục phát huy, lan tỏa để giúp đỡ người dân tại những vùng còn nhiều khó khăn.

Thành Nhân

Tin xem nhiều