Báo Đồng Nai điện tử
En

Dũng cảm cứu người giữa dòng nước xiết

07:07, 15/07/2022

Gần 1 tháng qua, có 3 trường hợp nhảy cầu Đồng Nai tự tử đã được cứu sống. Sông Đồng Nai mùa mưa bão, nước dâng cao, chảy mạnh, xiết. Do đó, việc cứu người đuối nước rất khó khăn, thậm chí nguy hiểm...

Gần 1 tháng qua, có 3 trường hợp nhảy cầu Đồng Nai tự tử đã được cứu sống. Sông Đồng Nai mùa mưa bão, nước dâng cao, chảy mạnh, xiết. Do đó, việc cứu được một người đuối nước rất khó khăn, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng nếu người cứu hộ không có kỹ năng, không rành địa bàn sông nước.

Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên sông luôn sẵn sàng cứu người đuối nước, tìm kiếm thi thể tại khu vực sông Đồng Nai. Ảnh: Đăng Tùng
Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên sông luôn sẵn sàng cứu người đuối nước, tìm kiếm thi thể tại khu vực sông Đồng Nai. Ảnh: Đăng Tùng

Cứu được người khỏi “bàn tay thủy thần” là nhờ sự phối hợp nhịp nhàng giữa cán bộ, chiến sĩ Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ trên sông (thuộc Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh) và ông Lê Văn Dũng (58 tuổi, lái đò ngay khu vực chân cầu Đồng Nai, thuộc P.Long Bình Tân, TP.Biên Hòa).

* Phối hợp cứu người kịp thời

Ông Dũng kể lại, trưa 13-7, trời đổ mưa lất phất, ông đang nằm võng trong chòi ngay khu vực chân cầu Đồng Nai (thuộc P.Long Bình Tân) nhìn tàu thuyền qua lại thì bất ngờ nhìn thấy một bóng người nhanh như chớp nhảy từ thành cầu Đồng Nai xuống dòng nước chảy xiết phía dưới. Nhờ phản xạ được hình thành từ hàng chục năm lái đò tại đây, ông Dũng gọi điện thoại báo tin cho lực lượng cứu hộ, cứu nạn gần đó rồi vội nhảy xuống ghe máy lao ra sông cứu nạn nhân.

Tại khu vực gần cầu Đồng Nai (P.Long Bình Tân, TP.Biên Hòa), Đội Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ trên sông (thuộc Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh) luôn bố trí một tổ đảm nhận nhiệm vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên dọc tuyến sông này.

Cùng lúc đó, Tổ công tác của Đội Cảnh sát Giao thông đường thủy (Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh) đang tuần tra gần đó cũng phối hợp với Đội Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ trên sông triển khai công tác cứu hộ. Ngay khi xác định được vị trí người nhảy cầu (sau đó được xác định tên N.Q.V., 34 tuổi, ngụ tỉnh Quảng Ngãi), các chiến sĩ công an đã lao nhanh xuống nước đưa nạn lên ca nô cùng với ông Dũng chuyển vào bờ và tiến hành sơ cứu.

Lau những giọt mồ hôi quyện với nước mưa cay xè mắt, Thượng úy Nguyễn Văn Hiền, Đội Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ trên sông, một trong những cán bộ tham gia cứu anh N.Q.V. cho biết: “Khu vực sông dưới cầu Đồng Nai rất rộng, nước chảy mạnh, nếu không thông thạo địa hình, con nước thì sẽ khó cứu được người đang đuối nước. Nhờ có sự hỗ trợ của ông Dũng mà chúng tôi nhanh chóng xác định vị trí người nhảy cầu, hướng nạn nhân trôi để tiến hành cứu vớt kịp thời”.

Trước đó, vào chiều muộn 10-7, nhận được tin báo của ông Dũng về việc có người nhảy cầu Đồng Nai, thượng úy Nguyễn Văn Hiền cùng 3 đồng đội lên cano lao nhanh ra khu vực xảy ra vụ việc. Ngay khi tiếp cận nam thanh niên (sau đó được xác định tên L.C.T, 28 tuổi, quê tỉnh Quảng Trị) đang chới với dưới dòng nước, 2 chiến sĩ đã phối hợp đưa anh L.C.T. lên bờ an toàn.

Tương tự, vào ngày 19-6, cũng trong buổi chiều mưa như trút nước, 3 cán bộ, chiến sĩ Đội Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ trên sông phối hợp với ông Dũng cứu sống 1 phụ nữ 34 tuổi nhảy cầu Đồng Nai.

Theo Đội Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ trên sông, trong 6 tháng đầu năm 2022, Đội tổ chức 16 vụ cứu nạn, cứu hộ, tìm được 9 thi thể nạn nhân. Ngoài ra, từ giữa tháng 6-2022 đến nay, Đội đã 3 lần cứu sống được 3 nguời nhảy cầu Đồng Nai tự tử.

Ông Lê Văn Dũng (ngụ P.Long Bình Tân, TP.Biên Hòa) được cơ quan chức năng khen thưởng vì nhiều lần cứu sống người đuối nước. Ảnh: Đăng Tùng
Ông Lê Văn Dũng (ngụ P.Long Bình Tân, TP.Biên Hòa) được cơ quan chức năng khen thưởng vì nhiều lần cứu sống người đuối nước. Ảnh: Đăng Tùng

Đại úy Phùng Văn Hạnh, Phó đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ trên sông, cho biết dù trước khi nhảy xuống sông tự tử nhiều người muốn chấm dứt cuộc đời, nhưng khi rơi xuống nước, dường như ý chí đó mất hết, bản năng ham sống trỗi dậy. Những lúc đó, chỉ cần bám víu vào được thứ gì là họ sẽ ghì xuống để được trồi lên. Vì vậy, người tham gia trực tiếp cứu nạn lúc đó rất nguy hiểm đến tính mạng nếu không rành nghiệp vụ, kỹ năng cứu người.

Chính vì vậy, trong 3 vụ cứu người nêu trên, người nhảy xuống sông cứu nạn là chiến sĩ cứu nạn, cứu hộ chuyên nghiệp của Đội Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ trên sông, còn ông Dũng sẽ bơi gần đó phụ giúp khi cần, nhất là chỉ dẫn cho lực lượng chức năng hướng người trôi, nơi thi thể có khả năng dạt vào bờ để tìm kiếm.

* Tình người bên bến sông Đồng Nai

Hơn 20 năm gắn bó với sông Đồng Nai, lại ở trong chòi tạm sát chân cầu nên khi nghe tiếng la thất thanh có người nhảy cầu tự tử là ông Dũng lại nổ máy xuồng ra sông cứu giúp. Đến cuối năm 2014, khi tổ cứu nạn chuyên nghiệp dọc tuyến sông Đồng Nai được thành lập thì việc phối hợp giữa ông Dũng và những người lính cứu nạn mới bắt đầu. Lâu dần, giữa họ hình thành một sự “ăn ý” trong những lần cứu người, vớt thi thể.

Thượng úy Nguyễn Văn Hiền kể: “Thông thường, khi phát hiện người nhảy cầu, đuối nước, ông Dũng báo cho chúng tôi đến cứu. Nhưng một số trường hợp khẩn cấp, ông cũng trực tiếp xuống cứu nạn nhân. Trung bình mỗi năm, ông Dũng trực tiếp cứu được 2-3 người nhảy cầu tự tử, còn tham gia vớt thi thể trên sông Đồng Nai thì nhiều hơn”.

Cán bộ, chiến sĩ Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên sông cùng ông Lê Văn Dũng cứu sống nạn nhân nhảy cầu Đồng Nai chiều 19-6. Ảnh: Đăng Tùng
Cán bộ, chiến sĩ Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên sông cùng ông Lê Văn Dũng cứu sống nạn nhân nhảy cầu Đồng Nai chiều 19-6. Ảnh: Đăng Tùng

Ông Lê Văn Dũng tâm sự, ông rất vui mỗi khi cứu được người. Mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau. Chắc cuộc sống bí bách, bế tắc quá họ mới tìm đến đường cùng là nhảy cầu tự tử. Do đó, ông chỉ biết trấn an họ sau khi đưa họ lên bờ. Chờ người nhà tới đón mới yên tâm cho họ về vì sợ họ vẫn nghĩ quẫn, lại tìm khúc sông khác để nhảy xuống.

 “Tôi thường khuyên những người được cứu sống rằng, sông có khúc, người có lúc. Sau này về ráng sống cho tốt, đừng phụ lòng các chiến sĩ công an không ngại nuy hiểm để cứu sống mình” - ông Dũng bộc bạch.

Chia sẻ về việc hỗ trợ lực lượng công an vớt thi thể trên sông Đồng Nai suốt nhiều năm qua, ông Dũng cho biết: “Nghĩa tử là nghĩa tận. Dù không quen biết các nạn nhân nhưng thấy thân nhân của họ quá đau lòng khi nhiều ngày không tìm được người thân mà tôi lại rành khúc sông này như lòng bàn tay, nên tôi muốn giúp lực lượng chức năng tìm kiếm cho nhanh, tránh để gia đình họ thêm đau khổ”.

Nhờ nhiều lần hỗ trợ lực lượng công an trong công tác cứu hộ, cứu nạn trên tuyến sông Đồng Nai, ông Lê Văn Dũng đã nhận nhiều giấy khen của cơ quan chức năng. Không chỉ vậy, những người được cứu sống cũng gửi lời cảm ơn sự phát hiện kịp thời, động viên, an ủi của ông đã giúp họ trở về từ cõi chết và thấy cuộc sống này đáng sống hơn.

Chị T.T.M.N. (32 tuổi, ngụ TP.Long Khánh) - người được Đội Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ trên sông và ông Lê Văn Dũng cứu sống chiều 19-6 cho biết, chỉ vì buồn chuyện gia đình mà chị nghĩ quẫn bỏ xe trên cầu Đồng Nai rồi nhảy xuống sông để chấm dứt cuộc đời. Nhưng nhờ có ông Dũng cùng những người lính cứu nạn không quản ngại khó khăn, nguy hiểm để cứu sống chị khiến chị rất cảm động. Nay chị đã có cơ hội để tiếp tục sống. Chị thấy mình cần mạnh mẽ hơn, sống tốt hơn để không phụ lòng những người tốt đã cứu chị.

Theo Đội Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ trên sông (Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh), để cứu người đuối nước an toàn, cán bộ, chiến sĩ phải tuân thủ các quy tắc, nguyên tắc kỹ thuật cứu người đuối nước và mệnh lệnh người chỉ huy. Đồng thời, sử dụng tốt, hiệu quả các trang thiết bị, phương tiện cứu nạn, cứu hộ như: áo phao, đồ lặn, bình dưỡng khí… và tiến hành sơ cứu đúng phương pháp cho nạn nhân.

Đăng Tùng

Tin xem nhiều