Báo Đồng Nai điện tử
En

Đi 'săn' nấm mối

08:06, 10/06/2022

Đến hẹn lại lên, Đồng Nai đang bắt đầu vào mùa nấm mối. Những ngày qua, nhiều người dân tại các địa phương: Cẩm Mỹ, Thống Nhất, Long Khánh, Định Quán đã rủ nhau đi hái nấm mối - "lộc của trời".

Đến hẹn lại lên, Đồng Nai đang bắt đầu vào mùa nấm mối. Những ngày qua, nhiều người dân tại các địa phương: Cẩm Mỹ, Thống Nhất, Long Khánh, Định Quán đã rủ nhau đi hái nấm mối - “lộc của trời”.

Mỗi ngày, nhóm “thợ săn” nấm mối của anh Nguyễn Văn Hà (ngụ xã Xuân Quế, H.Cẩm Mỹ) phải đi hàng chục cây số vào sâu trong các lô cao su, vườn cây ăn trái để lùng sục tìm nấm mối. Ảnh: Thành Nhân
Mỗi ngày, nhóm “thợ săn” nấm mối của anh Nguyễn Văn Hà (ngụ xã Xuân Quế, H.Cẩm Mỹ) phải đi hàng chục cây số vào sâu trong các lô cao su, vườn cây ăn trái để lùng sục tìm nấm mối. Ảnh: Thành Nhân

* Theo chân dân “săn” nấm mối chuyên nghiệp

Qua giới thiệu của người quen, chúng tôi tìm đến nhà anh Nguyễn Văn Hà (ở ấp Suối Râm, xã Xuân Quế, H.Cẩm Mỹ), người có nhiều kinh nghiệm trong việc săn nấm mối. Anh Hà năm nay mới 28 tuổi nhưng đã có thâm niên hơn 15 năm trong nghề săn tìm “lộc của trời”.

Anh Hà kể: “Hồi nhỏ tui thường theo ba mẹ vào rẫy nhà hay các lô cao su trong vùng để tìm hái nấm. Sau này lớn lên thì một mình tui tự đi hoặc rủ thêm bạn bè đi cùng để hỗ trợ lẫn nhau. Đi riết rồi ghiền nên mỗi năm cứ đến mùa nấm mối thì dù công việc làm vườn có bận rộn đến mấy tui vẫn gác lại để đi săn lộc của trời ban tặng”.

Mặc dù nấm mối có ở nhiều vùng trên cả nước, nhưng theo đánh giá của giới “sành” ăn thì nấm mối mọc ở vùng đất đỏ bazan của Đồng Nai vẫn là ngon nhất. Nấm mối có thể dùng để chế biến rất nhiều món ngon như: nấu cháo, xào, đổ bánh xèo, nấu canh, kho...

Theo anh Hà, năm nay mùa mưa đến sớm nên nấm mối cũng mọc sớm hơn so với mọi năm. Nấm mọc đợt 1 đã diễn ra cách đây khoảng 1 tuần và may mắn đã đến với anh khi kiếm được từ 4-5kg nấm/ngày. Anh Hà đang theo dõi diễn biến thời tiết để chuẩn bị đi hái nấm mối đợt 2. “Không phải ngày nào cũng có nấm mối, chỉ khi mưa to ập xuống làm cho không khí trở nên oi nồng, mặt đất hầm hập nóng thì lúc đó nấm mới mọc rộ” - anh Hà nói.

Sau khi chuẩn bị xong đồ nghề (gồm đèn pin, túi ny-lông, chai nước uống), nhóm của anh Hà bắt đầu lên đường hái nấm. Các anh chạy xe máy đi qua những con đường mòn nhỏ, ngoằn ngoèo để đến khu vực tìm nấm mối. Trên đường đi, anh Hà tâm sự: “Tui sinh ra và lớn lên ở đây, mọi ngóc ngách trong vùng đều thuộc như lòng bàn tay nên không lo lắng việc đi lạc. Hơn nữa, mình nắm chắc địa bàn sẽ có nhiều lợi thế như định hướng được khu vực có nấm để đi tìm cho đỡ mất thời gian, công sức mà hiệu quả thường cao hơn đối với những người vừa tìm nấm, vừa dò hướng đi vì sợ lạc. Dĩ nhiên việc săn nấm mối còn phụ thuộc vào sự hên - xui nữa”.

Sau khi vượt chặng đường dài khoảng 30km bằng xe máy, cuối cùng nhóm anh Hà đã đến được khu vực săn nấm mối là những lô cao su rộng ngút ngàn ở xã Sông Nhạn (H.Cẩm Mỹ). Đồng hồ lúc này đã điểm 3 giờ chiều. Sau khi chọn nơi dựng xe máy an toàn, các anh chia nhau băng lô cao su tìm nấm. Đi sâu vào trong lô, muỗi xuất hiện mỗi lúc một nhiều và lao vào đốt ngứa, sưng tấy mình mẩy. Trời lại mưa râm râm khiến việc tìm nấm càng thêm vất vả.

Sau hơn 2 giờ lội bộ sâu hút trong các lô cao su, nhóm của anh Hà vẫn chưa gặp được cây nấm mối nào. Qua quan sát cho thấy, vùng này có nhiều ụ mối nhưng không thấy nấm mọc. Theo kinh nghiệm của các anh, vùng này phải chờ một vài ngày tới, khi thời tiết thuận lợi thì nấm mới mọc, lúc đó các anh sẽ quay lại để “thu hoạch”.

Biết chúng tôi đã thấm mệt, anh Hà quyết định ngồi nghỉ ngơi giữa lô cao su. Anh Hà cho hay, mỗi năm, nấm mối chỉ xuất hiện 2 đợt chính vào khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 7 dương lịch nên người dân thường canh vào những tháng này để đi tìm nấm.

Địa bàn hoạt động chính của nhóm anh Hà là 2 khu vực: vùng đất đen (ấp Suối Râm) và vùng đất đỏ (khu đồi đá), thuộc địa bàn xã Xuân Quế; bởi đường đi đến hai khu vực này rất khó khăn, hiểm trở nên ít “thợ săn” tìm tới. Ngoài ra, các anh còn mở rộng địa bàn hoạt động sang xã Sông Nhạn (H.Cẩm Mỹ) và 2 huyện Thống Nhất, Định Quán với hy vọng sẽ tìm được nhiều nấm hơn.

* Vất vả nhưng vui

Anh Lê Văn Thuận - “đồng nghiệp” đi chung với anh Hà, chia sẻ việc đi hái nấm mối khá công phu và không dễ dàng chút nào. Các anh phải lội bộ hàng giờ, vào sâu trong các lô cao su hay các vườn cây ăn trái để tìm kiếm, rất vất vả, nhưng không phải ai đi cũng tìm được ổ nấm mang về. Có người may mắn chỉ đi trong vài giờ là hái được vài ký, nhưng cũng có người đi cả ngày mà không tìm được cây nấm nào.

Nhộn nhịp mua bán nấm mối tại TP.Long Khánh. Ảnh: Thành Nhân
Nhộn nhịp mua bán nấm mối tại TP.Long Khánh. Ảnh: Thành Nhân

Hơn nữa, việc săn nấm mối cũng hay gặp những nguy hiểm trên đường đi như bị rắn, rết, bò cạp cắn... Những con vật độc hại này thường ẩn nấp ở dưới gốc cây hoặc thảm lá mục, nếu mải mê tìm nấm mà không để ý rồi giẫm phải sẽ bị chúng tấn công. Ngoài ra, trong rẫy rậm rạp thường có những hầm hố sâu che khuất hay bụi gai nhọn, người đi hái nấm vào ban đêm mà không quan sát kỹ thì dễ bị sụp hầm hay giẫm phải gai nhọn cũng rất nguy hiểm. “Nghề săn nấm mối rất cực khổ, có khi nguy hiểm nhưng cũng nhiều niềm vui, đặc biệt là khi phát hiện được ổ nấm thì mọi mệt nhọc đều tan biến” - anh Thuận bộc bạch.

Nghỉ ngơi khoảng nửa tiếng, nhóm của anh Hà tiếp tục cuộc hành trình tìm nấm. Lần này, các anh cố gắng tìm kiếm với hy vọng may mắn sẽ đến, nhằm giúp chúng tôi có chuyến đi trải nghiệm được trọn vẹn. Sự nỗ lực đã được đền đáp, sau hơn 1 giờ lùng sục dưới thảm lá mục, thậm chí chui vào các bụi rậm tìm kiếm, cuối cùng anh Hà đã phát được đám nấm mối mới vừa nhô lên mặt đất. Cả nhóm reo lên vui mừng với thành quả vừa kiếm được.

Anh Hà cẩn thận dùng một nhánh cây có đầu nhọn để cạy nhổ từng cây nấm mối lên khỏi mặt đất. Như hiểu sự tò mò của chúng tôi, anh Hà giải thích, theo kinh nghiệm của người đi trước truyền đạt lại thì phải dùng cây hay thanh gỗ cạy nấm để năm sau có nấm hái tiếp. Còn dùng dao hay thanh kim loại sẽ khiến cho mối bỏ đi, năm sau nấm sẽ không mọc nữa. Vì vậy, thế hệ trẻ sau này cứ vậy áp dụng theo. Anh Thuận cho biết thêm, nghề săn nấm mối cũng có “luật bất thành văn” là ai phát hiện ổ nấm mối trước thì người đó được quyền hái, những người đến sau không được xen vào tranh giành.

Sau một buổi chiều nỗ lực tìm kiếm, nhóm của anh Hà chỉ “thu hoạch” được khoảng 1kg nấm mối. Ngoài trời lúc này đã nhá nhem tối nên các anh quyết định ghé nhà bạn nghỉ ngơi, chờ tới khuya sẽ săn tìm nấm mối tới sáng, với hy vọng may mắn sẽ đến nhiều hơn. Còn chúng tôi đành phải chào tạm biệt các anh ra về.

Trên đường về, chúng tôi tranh thủ ghé thăm anh Nguyễn Thanh Nông (ngụ xã Hưng Lộc, H.Thống Nhất), người cũng có thâm niên hơn 20 năm săn nấm mối. Khi nhắc đến chuyện nấm mối, anh Nông cho biết, anh và một số hộ dân lân cận đang chuẩn bị đồ nghề để tối nay thức trắng đêm đi săn tìm nấm cũng với hy vọng sẽ nhận được “lộc của trời”.

Anh Nông kể, trước đây nấm mối xuất hiện tại vùng đất Thống Nhất rất nhiều, đặc biệt nấm thường mọc vào khoảng mùng 5 tháng 5 âm lịch, nên người dân thường canh vào dịp này để đi hái nấm, người nhiều cả chục ký, người ít cũng được một vài ký, chứ không có chuyện đi về tay trắng. Những năm gần đây, nấm mối mỗi ngày một ít dần do nhiều nguyên nhân như: thời tiết thay đổi thất thường gây bất lợi cho nấm mối mọc; ngày càng đông người tham gia hái nấm; sử dụng phân, thuốc hóa học ngày càng nhiều nên mối đã dần dần bỏ đi; tình trạng đào hang bắt mối chúa khá phổ biến... Do vậy, chuyện săn tìm nấm mối ngày càng khó khăn.

Trời mỗi lúc một khuya, trong khi nhiều người đang chìm vào giấc ngủ ngon thì những người “mê nấm mối” như các anh: Hà, Thuận, Nông vẫn thức trắng đêm dầm mình tìm kiếm “lộc của trời” trong các lô cao su, vườn cây heo hút.

Nấm mối là loại đặc sản quý hiếm 

Nấm mối là quà tặng từ thiên nhiên và đã trở thành món đặc sản quý hiếm được nhiều người ưa thích. Nhiều năm qua, cứ đến mùa là nhiều người đi hái nấm về để cải thiện bữa ăn cho gia đình hoặc làm quà biếu cho người thân, bạn bè. Cũng có người xem đây là một cái nghề để kiếm thêm thu nhập. Nấm mối đầu mùa có giá từ 800-900 ngàn đồng/kg, nấm cuối mùa có giá từ 600-700 ngàn đồng/kg.

Thành Nhân

Tin xem nhiều