Báo Đồng Nai điện tử
En

Lò rèn ở Bửu Hòa vẫn đỏ lửa

09:12, 23/12/2021

Vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai xưa có rất nhiều lò rèn, trong đó có 3 lò rèn nổi tiếng: 3 chữ sĩ, 3 chữ tượng và 12. Hiện tại, chỉ còn vài lò rèn mang thương hiệu 12 ở đường Nguyễn Tri Phương (thuộc P.Bửu Hòa, TP.Biên Hòa) là đỏ lửa mỗi ngày.

Vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai xưa có rất nhiều lò rèn, trong đó có 3 lò rèn nổi tiếng: 3 chữ sĩ, 3 chữ tượng và 12. Hiện tại, chỉ còn vài lò rèn mang thương hiệu 12 ở đường Nguyễn Tri Phương (thuộc P.Bửu Hòa, TP.Biên Hòa) là đỏ lửa mỗi ngày.

Các lò rèn thương hiệu 12 của con cháu ông Mười Hai trên đường Nguyễn Tri Phương (thuộc P.Bửu Hòa, TP.Biên Hòa) là địa chỉ quen thuộc của người dân trong vùng tìm tới đặt, mua hàng. Ảnh: Đoàn Phú
Các lò rèn thương hiệu 12 của con cháu ông Mười Hai trên đường Nguyễn Tri Phương (thuộc P.Bửu Hòa, TP.Biên Hòa) là địa chỉ quen thuộc của người dân trong vùng tìm tới đặt, mua hàng. Ảnh: Đoàn Phú

Ông Phạm Minh Phước (35 tuổi, chủ lò rèn mang thương hiệu 12 ở đường Nguyễn Tri Phương) cho biết, lò rèn này được ông nội của ông (tức ông Mười Hai) để lại cho một số người con, trong đó có cha của ông là ông Phạm Hoàng Sang (thứ 11) kế nghiệp. Nay cha của ông lớn tuổi nên giao lại cho 2 anh em ông quản lý.

* Tiếng búa lẻ loi…

Đường Nguyễn Tri Phương nhộn nhịp người qua lại, thợ rèn Phạm Minh Phước vẫn lặng lẽ một mình bên lò rèn với nhịp búa lúc nhặt, lúc khoan. Thỉnh thoảng, thợ rèn Phước cũng đưa mắt nhìn ra đường, cái giá treo đầy công cụ lao động, bếp núc như: dao, kéo, rựa, cuốc, xẻng xem có ai ghé mua hoặc vào lò rèn sửa, trui lại con dao, rựa, cuốc gãy cán, cùn lưỡi.

Từ ngày ông Phạm Hoàng Sang (con trai út của ông Mười Hai) buông tay búa và giao lại lò rèn tổ (do ông Mười Hai sáng lập trước năm 1975) cho 2 con trai Phạm Văn Quý (con trai thứ 4) và Phạm Minh Phước (con trai thứ 2) quản lý thì ông mới nhẹ lòng, vì đã hoàn thành lời hứa với cha là tìm được người kế nghiệp và duy trì thương hiệu lò rèn 12. Những ngày sau đó, 2 anh em ông Phước và Quý tự phân công nhau phụ trách lò rèn. Nếu người anh đứng lò vào các ngày thứ 3, thứ 5, thứ 7 thì người em phụ trách lò vào các ngày thứ 2, thứ 4, thứ 6 để giữ lửa nghề và kiếm tiền nuôi vợ con.

“Lò rèn 12 chỉ truyền nghề cho con trai, chứ không truyền cho người ngoài. Ông nội tôi truyền nghề cho 7 người con trai, trong đó có cha của tôi. 7 người con này tiếp tục truyền lại cho con trai của mình. Nhờ vậy, thương hiệu lò rèn 12 vẫn không bị mai một vì đã có lớp con, cháu kế nghiệp” - ông Phước dừng tay búa nói.

Thợ rèn Phạm Minh Phước (cháu của ông Mười Hai) vẫn giữ lửa nghề. Ảnh: Đoàn Phú
Thợ rèn Phạm Minh Phước (cháu của ông Mười Hai) vẫn giữ lửa nghề. Ảnh: Đoàn Phú

Cuối năm, tiết trời se lạnh, thợ rèn Phước thân hình trùng trục bên lò rèn với nhịp búa lẻ loi kể chuyện. 12 tuổi, ông đã biết phụ cha quay (quạt) lò. Lớn thêm vài tuổi thì được ông Sang dạy cho cách mài, gọt, cắt chấu, tra cán. Khi có đủ sức khỏe của người thợ thì ông cầm búa nặng, đập nhịp nhàng trên những thanh sắt thép đỏ rực. Lúc này, ông mới được cha tỉ mỉ truyền kinh nghiệm, bí quyết rèn, lấy độ lửa từng loại sắt thép, kỹ năng giao dịch với khách hàng. “Tính ra tôi cũng có trên 20 năm học và làm nghề, nhưng xuất sắc được như cha và các bác thì không dám nhận. Thật ra, cũng là lò rèn 12 nhưng cha tôi và các bác mỗi người đều có bí quyết và biệt tài riêng. Chẳng hạn, bác Bảy thì kiểu dáng nào cũng làm được và làm rất đẹp mắt. Còn cha tôi thì giỏi lấy lửa khi nung sắt thép. Riêng bác Tám và bác Chín thì rất giỏi trong việc tạo những lưỡi bừa, cày xưa, dao, rựa các miền” - ông Phước cho biết.

Nói tới đây, ông Phước bỗng trầm giọng, buông tay búa, ngồi thừ trên cái đôn (khúc gỗ tròn làm ghế) xù xì than thở, xưa lò rèn 12 nào cũng có từ 3-5 thợ phụ, dứt tiếng búa to thì đến tiếng búa nhỏ bổ nhào xuống thanh sắt đỏ. Nay thợ chính cũng là ông và thợ phụ, thợ làm vặt cũng mình ông nên đôi lúc cũng thấy lẻ loi.

* Thế hệ rèn 12

Người trong tỉnh có thể nhiều người biết tiếng lò rèn 12 ở P.Bửu Hòa có nhiều tay rèn giỏi là con trai ông Mười Hai như: Phạm Văn Thời, Phạm Hoàng Chiến, Phạm Văn Sơn, Phạm Hoàng Sang… sẵn sàng tạo ra bất kỳ công cụ lao động, làm bếp nào từ những thanh sắt thép vụn mà người dân yêu cầu. Tuy vậy, rất ít người biết chuyện lò rèn 12 đóng góp cho công trình đường dây 500kV Bắc Nam bằng những chiếc rựa khắc số 12 được các thợ công trình ưa chuộng.

Một khách hàng ngắm chiếc rìu kiểu xưa do thợ rèn Phạm Minh Phước bày bán. Ảnh: Đoàn Phú
Một khách hàng ngắm chiếc rìu kiểu xưa do thợ rèn Phạm Minh Phước bày bán. Ảnh: Đoàn Phú

Theo lời ông Phạm Văn Thời (70 tuổi, con trai thứ 7 của ông Mười Hai) kể, năm 1980, khi công trình đường dây 500kV Bắc Nam thực hiện ở địa bàn Đồng Nai và vùng lân cận, những người làm ở công trình đến lò rèn gia đình ông đặt làm rất nhiều rựa để cung cấp cho nhóm thợ phát dọn cây. Mỗi tháng, lò rèn của anh em ông cung cấp cho công trình vài trăm chiếc rựa và sản phẩm nào cũng được anh em ông đánh ký hiệu 12 theo yêu cầu của bên đặt hàng.

 Riêng về lò võ dạy cho thanh niên, trai tráng trong vùng vào những năm 1980-1990 của thợ rèn Phạm Hoàng Sang thì chúng tôi được ông Phước kể lại khi vô tình khen ông có đôi tay gân guốc như con nhà võ. “Lò rèn cha tôi đỏ lửa từ 6 giờ sáng tới 6 giờ tối. Sau đó, cha tôi thay đồ võ ra sân dạy cho nhóm thợ trẻ, con cháu, thanh niên và cả trẻ em trong vùng. Cha tôi từng dạy, nhịp búa tuy thanh thoát nhưng khi giáng xuống đe phải có lực thì mới gọi là tay búa giỏi. Do đó, làm nghề rèn mà biết thêm tí võ nghệ thì sức khỏe dẻo dai, tự điều tiết nhát búa mạnh, nhẹ theo ý người thợ cả” - thợ rèn Phước nói.

Cũng chính vì vậy, ngoài học nghề rèn, võ của cha, ông Phước, ông Quý còn tìm thầy học võ thêm bên ngoài để rèn sức, tiếp thu được tinh hoa tay nghề của ông Sang. Riêng ông Quý còn nổi bật hơn cha ở chỗ, có nhiều thành tích trong thi đấu võ, biết thêm nghề thuốc để cứu giúp người nghèo.

“Những tháng thực hiện giãn cách xã hội để phòng dịch Covid-19 theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, lò rèn của anh em tôi được trưng dụng nấu các bài thuốc Nam để cung cấp cho những người bệnh nghèo. Công việc thiện nguyện này, anh Tư tôi bắt đầu làm được 10 năm qua. Dù mê nghề thuốc nhưng anh Tư tôi vẫn giữ nghề rèn truyền thống của gia đình” - ông Phước nói.

Giáng sinh năm 2021 đã đến, đường Nguyễn Tri Phương người dân đi mua sắm thêm chộn rộn, thợ rèn Phước vẫn cần mẫn trui rèn những thanh sắt thành dao, kéo, rựa các loại để kịp giao cho khách quen làm tiệc, dọn vườn. Với ông, ngày nào lò rèn tổ của gia đình còn đỏ lửa thì thương hiệu lò rèn 12 của dòng họ Phạm vẫn tồn tại.

Khi được hỏi về nguồn gốc của thương hiệu lò rèn 12, ông Phạm Minh Phước chia sẻ, vì ông nội tôi có 12 ngón tay nên dân trong vùng thường gọi là ông Mười Hai và thương hiệu lò rèn 12 cũng xuất phát từ đó.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều