Báo Đồng Nai điện tử
En

Người bán vé số lại khó khăn…

08:06, 17/06/2021

Dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp ở nhiều tỉnh, thành khiến không ít người lao động tự do, trong đó có những người bán vé số dạo, lâm vào cảnh khó khăn. Quán xá đóng cửa hoặc không phục vụ tại chỗ, người dân cũng hạn chế ra đường, vé số trở nên ế ẩm làm người bán vé số dạo càng thêm vất vả.

Dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp ở nhiều tỉnh, thành khiến không ít người lao động tự do, trong đó có những người bán vé số dạo, lâm vào cảnh khó khăn. Quán xá đóng cửa hoặc không phục vụ tại chỗ, người dân cũng hạn chế ra đường, vé số trở nên ế ẩm làm người bán vé số dạo càng thêm vất vả.

Ông Tám Hoàng (quê tỉnh Đồng Tháp) với chiếc xe lăn làm phương tiện bán vé số dạo mưu sinh. Ảnh: Thanh Hải
Ông Tám Hoàng (quê tỉnh Đồng Tháp) với chiếc xe lăn làm phương tiện bán vé số dạo mưu sinh. Ảnh: Thanh Hải

Dù thu nhập giảm nhưng những người bán vé số dạo vẫn cố gắng mưu sinh và mong chờ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong thời điểm dịch bệnh căng thẳng này.

* Vừa bán vừa lo

Bà Lê Thị An (quê tỉnh Nghệ An) cho biết, hơn 15 năm qua, bà một mình vào Đồng Nai bươn chải để nuôi chồng thường xuyên ốm đau và các con còn nhỏ ở quê. Từ làm phụ hồ, giúp việc nhà đến bán vé số, công việc nào bà cũng trải qua nhưng gắn bó lâu nhất vẫn là nghề bán vé số dạo.

Mỗi ngày, bà đi khắp nơi từ các cửa hàng, quán nước, hàng ăn đến các ngõ ngách ở khu vực trung tâm TP.Biên Hòa bán vé số. Những ngày ế ẩm, có khi đến tối mịt bà mới quay về nhà, lúc đó chân tay rã rời, cơ thể mệt nhoài. Dù vậy, ngày hôm sau bà vẫn cuốc bộ hàng chục cây số để bán vé số mưu sinh, không dám bỏ bữa nào vì sợ “mất mối”.

Trước đây, trung bình mỗi tháng bà gửi về quê 3 triệu đồng để trang trải tiền thuốc, tiền học và chi tiêu hằng ngày cho chồng, con. Từ lúc dịch Covid-19 xảy ra, việc bán vé số trở nên bấp bênh. Đợt dịch xảy ra vào đầu năm 2020, khi cả nước thực hiện giãn cách xã hội, người bán vé số không được hoạt động nên bà phải quay về quê. Ở nhà không biết làm gì kiếm ra tiền càng khiến cuộc sống gia đình bà thêm khó khăn.

“Hết dịch, tôi quay lại nghề bán vé số, dù nhiều lần dịch bệnh bùng phát tiếp nhưng vẫn cố gắng bám lại TP.Biên Hòa với hy vọng có thêm thu nhập để lo cho gia đình. Tuy nhiên, đợt dịch này quá phức tạp, quán xá đóng cửa hoặc không phục vụ tại chỗ, người dân cũng hạn chế ra đường, vé số trở nên ế ẩm” - bà An chia sẻ.

Cũng vật lộn với cuộc mưu sinh nhọc nhằn trong đợt dịch Covid-19 bùng phát, gần 2 tháng nay, ông Tám Hoàng (quê tỉnh Đồng Tháp) phải chạy xe lăn khắp nơi, từ các hàng quán đến bán dạo tại khu vực công viên, bến xe nhưng cũng không ăn thua. Ngày thường, ông bán gần 200 vé, những tuần gần đây ông chỉ lấy 80-100 tờ mà vẫn bán không hết.

Ông Tám Hoàng bị tai biến, đôi chân yếu ớt phải dùng xe lăn làm phương tiện “kiếm cơm”. Chạy một vòng khu vực công viên Long Bình (P.Long Bình, TP.Biên Hòa), không thấy ai mua, ông để xấp vé số trước xe rồi ngồi chờ khách. Thỉnh thoảng mới gặp khách quen ủng hộ, còn người lạ thì ông chỉ nhận về cái lắc đầu.

Những hôm mưa gió, dịch bệnh bán không hết, ông xin đại lý cho khất nợ. Các đợt dịch trước đây, vé số bán ra không được nhiều khiến ông nợ gần triệu bạc. Vừa trả xong chưa lâu, bây giờ lại chuẩn bị nợ tiếp. Nếu tình hình này kéo dài, cuộc sống của ông sẽ vô cùng khó khăn, bởi thu nhập giảm sút, chỉ đủ để ông trang trải tiền trọ và ăn uống hằng tháng.

“Đi bán vé số giờ lo nhất là người mua ái ngại, dù bản thân tôi đã đeo khẩu trang đầy đủ. Khách mua vé số không còn mặn mà mua, chủ yếu tôi chỉ bán cho “mối quen”, nhưng không phải lúc nào họ cũng mua. Ế ẩm quá, người bán vé số nào cũng sợ, không dám lấy nhiều nữa. Tôi chỉ dám nhận ở đại lý 100 tờ, mong bán hết kiếm được 100 ngàn đồng. Vậy mà vẫn ế dài…” - ông Tám Hoàng bộc bạch.

* Chia sẻ khó khăn

Đã trải qua mấy đợt dịch bùng phát nhưng đợt dịch này, những người bán vé số lo lắng hơn cả. Các chính sách hỗ trợ của Nhà nước chưa có, trong khi nhu cầu mua vé số của người dân cũng giảm mạnh. Số lượng bán ra ít, các đại lý vé số cũng cắt giảm các khoản tiền hỗ trợ cho người bán. Không ít người bán vé số dạo trở về quê tạm nghỉ ngơi đợi hết dịch rồi lên các thành phố để tiếp tục công việc.

Quán xá đóng cửa hoặc không phục vụ tại chỗ, người dân cũng hạn chế ra đường, vé số trở nên ế ẩm khiến người bán vé số dạo càng thêm khó khăn. Ảnh: Thanh Hải
Quán xá đóng cửa hoặc không phục vụ tại chỗ, người dân cũng hạn chế ra đường, vé số trở nên ế ẩm khiến người bán vé số dạo càng thêm khó khăn. Ảnh: Thanh Hải

Bà Lê Thị Duyên (quê tỉnh Tây Ninh) cho biết, đã gắn bó với nghề này suốt 20 năm qua. Dịch bệnh ngày một phức tạp nên bà dự tính về quê để đỡ tốn tiền trọ và chi tiêu hằng ngày. Không chỉ bà mà những người trong xóm bán vé số gần công viên 30-4 (P.Tân Hòa, TP.Biên Hòa) cũng tạm dừng bán vé số để về quê.

Theo bà Duyên, túi tiền không mấy dư dả nên bà phải “thắt lưng buộc bụng” trong mọi chi tiêu để duy trì cuộc sống. 2 năm gặp dịch bệnh liên tiếp, có những ngày sắp đến giờ xổ số mà lượng vé trên tay mới với đi hơn nửa; nếu tình trạng này kéo dài thì bà khó lòng trụ lại thành phố. Dù về quê nhưng bà vẫn hy vọng dịch Covid-19 sớm được khống chế và chấm dứt để bà quay lại thành phố đi bán vé số.

“Tôi bán vé số từ lâu, cho thu nhập ổn định, dù không quá nhiều nhưng cũng sống được. Nếu ở lại, giá như được hỗ trợ thêm tiền trọ, chút tiền điện, nước và bao gạo thì tôi cũng cố gắng. Tuy nhiên, bây giờ ai cũng khó khăn nên không dám trông chờ nhiều” - bà Duyên ngậm ngùi.

Để chia sẻ khó khăn với người bán vé số, dù không nhiều nhưng một số đại lý vé số ở TP.Biên Hòa đều có hoạt động hỗ trợ như tặng gạo, nhu yếu phẩm… Một số chủ đại lý sẵn sàng cho người bán khất nợ như một cách chia sẻ khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp và kéo dài.

Đại lý vé số Kim Hồng (chợ Tân Biên, TP.Biên Hòa) có hơn 30 người thường xuyên lấy vé số bán dạo, trong đó có một nửa là lao động ngoại tỉnh. Từ khi có dịch bệnh, thu nhập của người bán vé số giảm nhiều, đều đặn mỗi tháng đại lý đã tặng 5kg gạo, thùng mì tôm và cho ứng trước tiền lời người bán vé số dạo bán được trong ngày để họ trang trải trong thời gian này.

Bà Nguyễn Thị Hồng, chủ Đại lý vé số Kim Hồng cho biết, nhu cầu ít nên đại lý chủ động khuyên người bán dạo nhận số vé vừa với khả năng để tránh gây lãng phí. Trong đợt dịch, đại lý cũng nhận vé số trả lại (đúng thời gian quy định) để chia sẻ khó khăn với những người bán vé số dạo, bởi phần lớn họ là những người già, bệnh tật, không có việc làm ổn định. Hơn nữa, họ là những người bán lâu năm nên đại lý càng phải có trách nhiệm san sẻ lúc khó khăn. “Đại lý đã thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch như: cấp nước rửa tay sát khuẩn, khẩu trang và nhắc nhở người bán dạo sử dụng thường xuyên để khách bớt lo lắng cũng như hạn chế nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Cả người bán lẫn các chủ đại lý đều mong dịch Covid-19 sớm được ngăn chặn, kiểm soát để công việc bán vé số trở lại bình thương” - bà Hồng nói.

Đa số người bán vé số dạo ở TP.Biên Hòa đều đến từ các tỉnh miền Trung, miền Tây Nam bộ. Mỗi người mỗi hoàn cảnh, từ khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, các giải pháp phòng, chống dịch ngày càng được thắt chặt, những người hành nghề bán vé số càng vất vả hơn.

Thanh Hải

Tin xem nhiều