Cứ vào tháng 6 hằng năm, mặt nước hồ Trị An xuống thấp, cá tôm được dồn vào những khu bãi cạn. Đó cũng là thời điểm công việc đánh bắt của ngư dân thuận lợi hơn so với những tháng mùa mưa bão, nước hồ dâng cao.
Cứ vào tháng 6 hằng năm, mặt nước hồ Trị An xuống thấp, cá tôm được dồn vào những khu bãi cạn. Đó cũng là thời điểm công việc đánh bắt của ngư dân thuận lợi hơn so với những tháng mùa mưa bão, nước hồ dâng cao.
Một góc bình yên của làng bè Bến Nôm 2, xã Phú Cường (H.Định Quán). Ảnh: Đoàn Phú |
Tại các khu chợ cá làng bè Suối Tượng (xã Mã Đà, H.Vĩnh Cửu), Bến Nôm 2 (xã Phú Cường, H.Định Quán), La Ngà (xã Phú Ngọc, H.Định Quán), cá tôm đủ loại nhanh chóng được ngư dân mang lên bờ bán cho những vựa thu mua đợi sẵn. Sản lượng đánh bắt tăng, giá thành thu mua cao nên ngư dân nào bán cá xong cũng phấn khởi.
* Vào vụ trúng cá
Chiều trung tuần tháng 6, gió Nam thổi mạnh làm mặt nước hồ Trị An khu vực làng bè Bến Nôm 2 nổi nhiều đợt sóng lớn. Chỉ cần quan sát bấy nhiêu mà ngư dân Ba Cường đã đoán được đêm nay sẽ thuận lợi cho việc ủi vồn (dùng ghe ủi bắt cá) của nhóm ngư dân chuyên đánh bắt cá lìm kìm ở lòng hồ Trị An. Ông chậm rãi hướng mũi ghe vồn về khu vực đánh bắt quen thuộc để chờ mặt trời khuất dạng sau cánh rừng già thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai thì bật đèn dụ cá.
Suốt một đêm quần thảo với những con sóng lớn, ngư dân Ba Cường thu gọn chiếc vồn hướng mũi ghe trở về với giọng nói, tiếng cười giòn như tiếng máy ghe vì trúng được mẻ cá lớn. Sau khi bán số cá vừa bắt được, ông nói với vợ: “Đêm nay, tui đánh bắt được trên 50kg cá, giá thị trường 30 ngàn đồng/kg. Vậy bà cầm tạm 1 triệu đồng, số tiền còn lại để tui chi phí cho chuyến đánh bắt sau”.
Hằng ngày, khi mặt trời vừa hửng đỏ, các ghe đánh cá kéo về chợ cá Suối Tượng mỗi lúc một nhiều. Những mẻ tép, cá trê, lóc, rô phi, trắm, mè… được ngư dân nhanh chóng đưa từ ghe vào bờ để cân cho các chủ vựa chờ sẵn từ lúc tờ mờ sáng. Người mua, người bán đều quá thân quen nên rất niềm nở, vồn vã khi gặp nhau, việc mua bán cũng diễn ra mau lẹ.
“Hơn 300m lợp của tui đêm nay thu được trên 30kg cá, tép các loại, bán được hơn 1,5 triệu đồng. Đây là thời điểm ngư dân ở hồ Trị An đánh bắt được nhiều tôm, cá nhất trong năm” - ngư dân Bảy Tùng (Suối Tượng, ấp 5, Mã Đà) hồ hởi bày tỏ.
Các vựa thu mua tôm, cá được đặt nơi mép hồ tại các làng bè để xe dễ bề chạy lên, xuống. Chủ vựa cá Hai Ngọc (chuyên thu mua cá ở khu vực các xã La Ngà và Phú Ngọc, H.Định Quán) cho biết, tùy từng loại cá mà vựa trả giá khác nhau. Cá chết chỉ bằng 1/3-1/2 so với giá cá còn sống. Do đó, ngư dân giữ được nhiều cá sống đem vào bờ thì thu nhập sẽ cao hơn so với cá chết phải ướp đá. Dù vậy, cá đánh bắt tự nhiên trên hồ Trị An luôn được thị trường ưa chuộng nên nguồn cung luôn không đủ cho cầu. Ngư dân đánh bắt được bao nhiêu, các vựa cá thu mua bấy nhiêu; việc mua bán cũng thuận lợi.
* Bình yên trong đại dịch Covid-19
Nguồn lợi thủy sản hồ Trị An mấy chục năm qua đã nuôi sống hàng trăm hộ gia đình ngư dân nơi đây, nhất là ngư dân Việt kiều Campuchia từ các tỉnh miền Tây Nam bộ đến mưu sinh.
Thành quả mà ngư dân Tư Bình (làng bè Suối Tượng, ấp 4, xã Mã Đà) thu hoạch được sau một đêm thả lợp. Ảnh: Đoàn Phú |
Ngư dân Bảy Tùng (làng bè La Ngà) kể, khoảng năm 1987, khi công trình thủy điện Trị An đóng đập, cá tôm tự nhiên rất nhiều và rất dễ đánh bắt. Một bộ phận ngư dân giàu kinh nghiệm nhanh chóng sắm được ghe to, ngư cụ đủ loại, mua được đất trên bờ, đầu tư thêm vài cái bè nổi nuôi thả cá. Ngư dân là Việt kiều Campuchia còn được chính quyền sở tại lo giấy tờ tùy thân, hộ khẩu, hỗ trợ khi cuộc sống gặp khó khăn. “Mấy chục năm lênh đênh sông nước nơi đất khách quê người lo cuộc sống ngày 3 bữa rất khó khăn. Nay về với quê hương và được hồ Trị An ưu đãi, cuộc sống của chúng tôi cũng bớt nhọc nhằn hơn. Bây giờ chỉ yên tâm làm ăn, sinh sống” - ngư dân Bảy Tùng bộc bạch.
Ngư dân Bảy Tùng còn chia sẻ, vui nhất là nhiều Việt kiều Campuchia ở làng bè cũng đã được nhập quốc tịch Việt Nam và Ngày hội bầu đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 vừa qua, bà con được đi bỏ phiếu bầu cử, được thực hiện quyền và trách nhiệm công dân của mình nên rất phấn khởi.
Khi cuộc sống có của ăn, của để, người dân nơi lòng hồ Trị An có điều kiện giúp đỡ những ngư dân có hoàn cảnh khó khăn hơn như: làm bè mới, mua ngư cụ, ghe; phối hợp tốt với chính quyền nơi cư trú làm giấy tờ cho con đi học, đi làm công nhân.
5 năm trước, bà Hai Thái (làng bè Suối Tượng) cùng chồng và 4 con đã lênh đênh trên chiếc vỏ lãi xuôi dòng nước từ Campuchia suốt 7 ngày đêm mới về tới hồ Trị An. Ngày mới về đây, gia đình bà được dân làng bè Suối Tượng cưu mang bằng việc góp tiền, hỗ trợ công đóng cho chiếc bè nhỏ để tá túc. Năm 2019, thấy hoàn cảnh gia đình bà khó khăn, Hội Chữ thập đỏ xã, ấp đã vận động mạnh thường quân đóng cho vợ chồng bà chiếc bè mới trị giá gần 80 triệu đồng. Nhờ đó, gia đình bà có phương tiện mưu sinh, cuộc sống cũng dần ổn định, không còn cảnh túng thiếu.
Đến tham quan ngư dân khu vực lòng hồ Trị An vào những ngày giữa tháng 6-2021, vào thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, tác động đến đời sống, thu nhập của nhiều người dân, tôi rất phấn khởi khi thấy đời sống, thu nhập của những ngư dân nơi đây khá ổn định. Đa phần ngư dân rất lạc quan, tinh thần phấn chấn vì được mùa đánh bắt thủy sản trên sông. Cuộc sống của họ khá yên bình, không bị tác động tiêu cực bởi dịch bệnh.
“Dân làng bè tụi tui tuy không khá giả hơn dân trên bờ nhưng cuộc sống ngày 3 bữa không phải lo. Cứ siêng năng đánh bắt thủy sản là có thu nhập. Nhiều người nói đùa, ở làng bè hễ người ướt là có tiền” - ngư dân Út Le (làng bè Bến Nôm 2) vui vẻ nói.
Ông Dương Ngọc Tài, Trưởng ấp 4, xã Mã Đà (H.Vĩnh Cửu) cho hay, những năm qua, chính quyền xã và tổ chức đoàn thể đã vận động làm mới, sửa chữa trên 40 bè cho ngư dân Việt kiều Campuchia ở làng bè Suối Tượng. Bên cạnh đó, xã, ấp còn hỗ trợ ngư cụ, quà, sách vở, học phí cho con em làng bè đi học. Cho nên, cuộc sống ngư dân làng bè Suối Tượng ổn định hơn rất nhiều so với chục năm về trước. |
Đoàn Phú