Báo Đồng Nai điện tử
En

Những 'chúa đảo' trên hồ Trị An

09:11, 19/11/2020

Mỗi người mà chúng tôi có dịp gặp gỡ trong một ngày du ngoạn trên hồ Trị An có một điều kiện, hoàn cảnh khác nhau, nhưng họ tương đồng ở điểm đều gắn bó với các khu đảo hoang sơ trên hồ Trị An nhiều năm nay. Bằng cách riêng, mỗi "chúa đảo" đều muốn xây dựng khu đảo mình ở trở thành một nơi riêng biệt, có phong cảnh hữu tình.

Mỗi người mà chúng tôi có dịp gặp gỡ trong một ngày du ngoạn trên hồ Trị An có một điều kiện, hoàn cảnh khác nhau, nhưng họ tương đồng ở điểm đều gắn bó với các khu đảo hoang sơ trên hồ Trị An nhiều năm nay. Bằng cách riêng, mỗi “chúa đảo” đều muốn xây dựng khu đảo mình ở trở thành một nơi riêng biệt, có phong cảnh hữu tình.

NSƯT Nguyễn Cao Minh trực tiếp lái máy xúc đất cải tạo một hòn đảo ở lòng hồ Trị An. Ảnh: Uyển Nhi
NSƯT Nguyễn Cao Minh trực tiếp lái máy xúc đất cải tạo một hòn đảo ở lòng hồ Trị An. Ảnh: Uyển Nhi

Ghé vào các đảo trên hồ Trị An có thể gặp được 3 “chúa đảo”: Nguyễn Cao Minh (Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Cao Minh), Nguyễn Văn Long và Phan Văn Anh.

* Gần 40 năm sống trên đảo

Người sống trên đảo lâu năm nhất là ông Long - “chúa đảo” Năm Bầu (xã Mã Đà, H.Vĩnh Cửu). Theo lời ông kể lại thì ông Long và gia đình đã sống trên đảo này được 37 năm. Ông Long quê ở tỉnh Long An, năm 1980, ông theo người bà con xa đến hồ Trị An sinh sống bằng nghề đánh bắt thủy sản. Sau đó, ông về sống tại đảo để thuận tiện cho công việc hằng ngày.

“Năm 1983, tôi ra đảo này lập nghiệp, khi ấy có đến gần 30 hộ gia đình sinh sống. Về sau hồ Trị An xây dựng xong, trữ nước nên nhiều khu vực trên đảo bị ngập sâu, việc đi lại với khu vực trong đất liền khó khăn hơn nên hầu hết các hộ dân đã được Nhà nước hỗ trợ di dời. Đến năm 1985, các hộ dân trên đảo dời đi hết chỉ còn lại mỗi gia đình tôi” - ông Long chia sẻ.

Thực ra ngày đó, gia đình ông cũng được H.Vĩnh Cửu cấp đất trên bờ để dời vào, nhưng ông không nỡ rời khỏi đảo nên quyết định ở lại. Đảo chỉ còn lại hai vợ chồng ông sinh sống và thời điểm đó, vợ ông đang mang thai nên ngoài ban đêm đánh bắt cá, ban ngày ông lặn lội vào trong khu vực bờ hồ làm rẫy thuê cho những gia đình khác để có thêm tiền lo cho vợ con lúc sinh nở. Thấy ông chăm chỉ lại xốc vác nên mọi người hay gọi ông với tên gần gũi ông Năm. Cũng chính từ đó, đảo nơi ông Long sinh sống có tên là Năm Bầu.

Đảo Năm Bầu có diện tích khoảng 4,3ha, vợ chồng ông Long trồng xoài, điều và chăn nuôi. Ba người con của ông cũng lần lượt ra đời trên đảo nhỏ. Hiện 2 người con gái đã lấy chồng về Long An, trên đảo chỉ còn vợ chồng ông Long và con trai. Tuy nhiên, người con trai vào bờ để đi làm ăn, thi thoảng mới ra đảo. Từ đảo Năm Bầu đi thuyền máy vào bờ hồ mất gần 20 phút nên một tuần ông Long chỉ vào bờ khoảng 2-3 lần. Khoảng 3 năm nay, du lịch khám phá, du lịch sinh thái được nhiều bạn trẻ trong và ngoài tỉnh ưa chuộng nên đảo Năm Bầu là điểm đến của nhiều du khách. Có những khi vào cuối tuần, đảo Năm Bầu đón 60-70 khách từ các nơi đến. Đến đảo, du khách được tận hưởng không khí trong lành, yên tĩnh và thưởng thức những đặc sản trên hồ Trị An.

Ông Long tâm sự: “Nhiều người đến đảo nói với tôi, lớn tuổi rồi nên vào bờ sinh sống cho thuận tiện và có bà con trong ấp cho vui. Nhưng nhiều năm sống trên đảo tôi đã quen với mảnh đất này, không muốn rời xa. Với lại bây giờ sống trên đảo không còn hoang vắng như xưa, vì mỗi tuần đều có hàng chục khách đến tham quan đảo, nghe tôi kể chuyện trên hồ, trên đảo”.

* Vì mưu sinh trở thành “chúa đảo”

Năm 1995, ông Phan Văn Anh từ tỉnh Hà Tĩnh vào Đồng Nai lập nghiệp. Nơi ông Anh chọn dừng chân, lập gia đình để an cư là đảo Tiến Đuôi (xã Mã Đà). Thời gian thấm thoắt qua đi, ông đã sống trên đảo được 25 năm. Từ đảo Tiến Đuôi vào bờ hồ Trị An mất khoảng 15 phút chèo thuyền. Đảo Tiến Đuôi khi nước hồ xuống thấp, diện tích rộng hơn 1 ngàn m2, nhưng khi nước dâng cao khoảng 62m thì đảo chỉ còn hơn 500m2.

Du khách tham quan chèo thuyền trên đảo Năm Bầu. Ảnh: C.T.V
Du khách tham quan chèo thuyền trên đảo Năm Bầu. Ảnh: C.T.V

Ông Anh kể: “Ngày xưa cũng do nghèo không đủ tiền mua đất trên bờ nên tôi mới ra đảo ở để đi đánh bắt cá trên hồ. Thế rồi tôi quen một cô gái cũng làm nghề chài lưới trên hồ nên dễ dàng thông cảm, nảy sinh tình cảm và trở thành vợ chồng. Lấy nhau rồi, chúng tôi vẫn quyết định sinh sống trên đảo. Đến nay, vợ chồng tôi sinh được 2 người con, một bé đang học lớp 2 và một bé đang học mầm non”.

 Từ khi con của ông Anh đến tuổi đi học, vợ chồng ông vất vả hơn, vì sáng sáng phải chèo thuyền đưa con vào bờ đi học và buổi trưa đón về. Khoảng 2-3 năm trở lại đây, thi thoảng vào cuối tuần và ngày lễ Tết sẽ có những nhóm khách du lịch ghé đảo nghỉ ngơi và vui chơi. Vợ chồng ông Anh đầu tư xây dựng thêm 1 căn chòi rộng để khách có nơi nghỉ ngơi, ăn uống. Đồng thời, ông kiêm thêm việc làm đầu bếp, nấu nướng những món ăn dân dã, đặc sản trên hồ cho khách. Có thêm nguồn thu này giúp cho đời sống của “chúa đảo” Tiến Đuôi tươm tất hơn.

Tuy nhiên, mong muốn của ông Anh là có thể liên kết được với công ty du lịch đầu tư bài bản hơn để thu hút du khách trong và ngoài tỉnh khi tham quan hồ Trị An có thể ghé đảo Tiến Đuôi. Khi nói về dự tính lâu dài của mình, ông Anh nói: “Đây là quê hương thứ hai của tôi, vì thế tôi dự tính sẽ sống đến già trên đảo. Nhiều năm sống trên đảo tôi đã quen, cuộc sống trong lành, yên tĩnh ở đây”.

* Bỏ phố lên đảo

Gần 20 năm trước, trong một chuyến du ngoạn trên hồ Trị An để thư giãn, tìm hiểu, khám phá thiên nhiên, NSƯT Cao Minh thấy phong cảnh ở các đảo đẹp nên đã mua đất ở 6 đảo thuộc xã Mã Đà. Cũng từ đó, một số người hay đùa gọi NSƯT Cao Minh là “chúa đảo” Cao Minh. Lúc đầu ông mua đất ở 6 đảo này vì thích để những khi rảnh rỗi hay căng thẳng muốn tìm cảm hứng thể hiện những ca khúc mới sẽ ra đảo nghỉ ngơi, làm việc. Các đảo được ông trồng điều, xoài và nhiều cây bản địa khác. Mong muốn của ông là giữ lại được những nét đẹp tự nhiên của đảo để chiều chiều các loại chim muông bay về trú ngụ, góp phần giữ gìn sự đa dạng sinh học trên hồ Trị An.

NSƯT Cao Minh nói, ngày ấy khi biết tôi có ý định mua đất ở các đảo trên hồ Trị An, nhiều bạn bè đã can ngăn và cho rằng đầu tư như vậy sẽ không có lời. Thực chất, tôi mua đất ở các đảo không phải là để đầu tư mà chỉ thuần túy là thấy những nơi đó có không gian đẹp. Khi đã trở thành “chúa đảo”, ông Minh thường xuyên một mình ra đảo sinh sống, tự thiết kế, trồng trọt các loại cây trồng để giữ cho đảo luôn xanh tốt. Đến thăm các hòn đảo xanh mát trên hồ Trị An được NSƯT Cao Minh chăm sóc, ít ai ngờ nơi này được chính ông chăm chút qua nhiều năm nhưng vẫn giữ được những nét tự nhiên.

Sau này, khi nhiều người dân thành phố có xu hướng đi du lịch sinh thái hay tìm đến những nơi thiên nhiên còn hoang sơ thì những đảo này trở thành nơi được nhiều bạn trẻ yêu thiên nhiên tìm đến ngắm mặt trời mọc, hoàng hôn, nghe tiếng chim hót ríu rít...

Năm 2019, NSƯT Cao Minh bắt tay vào xây dựng Khu du lịch sinh thái đảo Cao Minh. Các ngôi nhà nhỏ trên đảo được ông Minh tự tay thiết kế và xây dựng với vật liệu chính là đất, thân, cành cây rất dân dã, mang những nét đặc sắc riêng của những làng quê Việt Nam thu nhỏ.

NSƯT Cao Minh chia sẻ: “Mỗi tuần tôi đều dành 2-4 ngày ra đảo để nghỉ ngơi và làm việc. Đây cũng là cách để tôi rèn luyện sức khỏe tốt hơn, có thể duy trì được giọng hát của mình lâu dài để phục vụ khán giả”.

Đến đảo Cao Minh dịp cuối tuần, dễ bắt gặp hình ảnh ông Minh lao động như một lão nông, mồ hôi nhễ nhại, cuốc đất để gieo hạt, trồng cây giữa cái nắng chang chang. Khách đến thăm, ông buông cuốc, lau mồ hôi, uống xong chén trà là có thể cất tiếng ca trầm ấm, hào hùng đưa người nghe đến với những tháng năm chiến đấu anh dũng của quân và dân ta hay những làn điệu dân ca quê hương đằm thắm và mênh mang.

Đồng Nai có 76 đảo lớn nhỏ trên hồ Trị An, nhưng chỉ có 3 người đàn ông được nhắc đến trong bài viết được người trong vùng gọi  là “chúa đảo” vì sống một mình hoặc chỉ có 1 gia đình họ ở trên đảo.

Uyển Nhi

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích