Báo Đồng Nai điện tử
En

Mưu sinh trong trạng thái... 'bình thường mới'

08:09, 24/09/2020

Dịch bệnh Covid-19 tạm thời đã được khống chế tại Việt Nam nói chung và Đồng Nai nói riêng. Hiện cả nước bước vào trạng thái "bình thường mới"...

Dịch bệnh Covid-19 tạm thời đã được khống chế tại Việt Nam nói chung và Đồng Nai nói riêng, cả nước bước vào trạng thái “bình thường mới”. Do ảnh hưởng của 2 đợt dịch, cuộc sống của nhiều người trở nên khó khăn hơn, đặc biệt là những người nghèo, lao động tự do...

Hằng ngày, ông Nguyễn Thanh Hồng (ngụ xã Tân Bình, H.Vĩnh Cửu) ngồi ở “bến” chờ khách với nỗi lo ế ẩm.
Hằng ngày, ông Nguyễn Thanh Hồng (ngụ xã Tân Bình, H.Vĩnh Cửu) ngồi ở “bến” chờ khách với nỗi lo ế ẩm. Ảnh: P.Liễu

Mất việc, giảm thu nhập... nhưng nhiều người không hề than vãn hay ngồi chờ Chính phủ hỗ trợ, mà nỗ lực bươn chải, thích nghi với trạng thái “bình thường mới” để lo cho cuộc sống gia đình vượt qua thời điểm khó khăn này.

* Nỗ lực vượt khó “thời hậu dịch”

Đã 25 năm làm nghề chạy xe ôm, chưa bao giờ ông Nguyễn Thanh Hồng (50 tuổi, ngụ xã Tân Bình, H.Vĩnh Cửu) lại thấy... “ế ẩm” như thời gian này. Hằng ngày, cứ 6 giờ, ông từ H.Vĩnh Cửu chạy xe lên “bến” ở góc đường Cách mạng Tháng Tám - Phan Chu Trinh (TP.Biên Hòa) ngồi chờ khách. Trước khi xảy ra dịch bệnh, mỗi ngày ông chạy được trên dưới 20 cuốc xe, thu nhập khoảng 300 ngàn đồng/ngày. Nhưng trong 2 đợt dịch Covid-19 vừa qua (tháng 4 và cuối tháng 7-2020), người dân hạn chế ra đường, hạn chế đi lại, mua bán nên ông chỉ chạy được vài cuốc xe mỗi ngày, trừ tiền xăng, chỉ còn hơn 100 ngàn đồng.

 “Ngồi nắng rát mặt từ 6 giờ đến hơn 10 giờ trưa, tôi mới chạy 2 cuốc ngắn được 10 và 15 ngàn đồng. Trước đây, tôi chạy bắt đầu từ 7 giờ sáng đến 6 giờ tối và nghỉ ngày chủ nhật, nhưng tình hình khó khăn chung nên giờ phải ra bến từ 6 giờ sáng đến 7 giờ tối mới về, chạy cả ngày chủ nhật để kiếm thêm thu nhập” - ông Hồng tâm sự.

Thời điểm dịch bệnh Covid-19 khó khăn, bà Nguyễn Thị Loan (ngụ P.Quang Vinh, TP.Biên Hòa) trở lại nghề làm bánh tét, bánh ú bán kiếm thêm thu nhập. Ảnh: P.Liễu
Thời điểm dịch bệnh Covid-19 khó khăn, bà Nguyễn Thị Loan (ngụ P.Quang Vinh, TP.Biên Hòa) trở lại nghề làm bánh tét, bánh ú bán kiếm thêm thu nhập. Ảnh: P.Liễu

Không chỉ có những lao động tự do như ông Hồng phải cố “gắng sức” để qua đợt dịch bệnh mà nhiều công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh bị nghỉ việc, giảm việc cũng phải tự xoay xở bằng nhiều cách để mưu sinh chống chọi với những khó khăn trong thời điểm dịch bệnh.

Từ miền Tây lên làm công nhân ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, từ tháng 5-2020 chị Đỗ Thị Hiền cùng nhiều công nhân khác đã bị mất việc. Trong khi chờ tìm việc mới, chị Hiền đã lấy cây kiểng ở quê lên TP.Biên Hòa bán. Vốn có người nhà làm nghề trồng hoa, ươm cây kiểng ở TP.Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp) đang “điêu đứng” vì hoa kiểng trồng ra không có người mua, chị Hiền đã nhờ anh trai lấy hàng gửi lên TP.Biên Hòa bán.

Chị Hiền cho biết: “Hiện nay, dịch bệnh đã tạm ổn, người đi chợ nhiều hơn, cũng quan tâm đến việc mua hoa nhiều hơn nên tôi bán được khoảng 20 chậu hoa/ngày, trừ chi phí lãi khoảng 200 ngàn đồng nên cũng có tiền trang trải cuộc sống hằng ngày”.

Với công việc làm bảo vệ cho một cơ quan nhà nước, mức lương không cao nên sau giờ làm việc ở cơ quan, anh Bùi Quang Tiến (ngụ P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) còn đi giữ xe cho một quán ăn từ 18-22 giờ. Anh Tiến chia sẻ, do công ty của vợ anh đang giảm việc, chỉ làm 3 ngày/tuần nên anh nhận công việc làm thêm này để 2 vợ chồng cùng làm, có thêm đồng ra, đồng vô lo cho con. 

“Giữ xe buổi tối, chủ quán trả 3 triệu đồng/tháng. Những lúc khó khăn này kiếm thêm được đồng nào hay đồng đó. Hy vọng dịch bệnh Covid-19 mau qua để các doanh nghiệp phục hồi sản xuất, đời sống của những công nhân như vợ của tôi việc nhiều, lương cao như trước đây”.

* Chủ động phòng bệnh, vượt khó

Tác động của dịch bệnh Covid-19 đã khiến hàng ngàn công nhân, người lao động tự do... lâm vào cảnh khó khăn. Với chính sách nhân văn “để không ai bị bỏ lại phía sau”, sự hỗ trợ của Chính phủ thời gian qua rất kịp thời. Song, kinh tế vẫn bị ảnh hưởng, ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn, những hỗ trợ quý báu ấy dù rất đáng trân trọng, nhưng mới chỉ tạm thời giúp một bộ phận người dân vượt qua thời gian khó khăn nhất.

Bà Nguyễn Thị Loan (ngụ P.Quang Vinh, TP.Biên Hòa) tâm sự, trước đây bà chỉ ở nhà chăm sóc mẹ già 80 tuổi. “Thu nhập” của bà Loan là khoản tiền 3 người em góp lại để bà nuôi mẹ già. Nhưng qua 2 đợt dịch bùng phát, việc làm và công việc kinh doanh của các em bà bị đình trệ, khó khăn nên khoản tiền gửi cho bà đã giảm đi một nửa.

Dù đã 70 tuổi nhưng bà Nguyễn Thị Chín (ngụ P.Tân Mai, TP.Biên Hòa) vẫn đẩy xe bánh đi bán để kiếm tiền trang trải cuộc sống hằng ngày. Ảnh: P.Liễu
Dù đã 70 tuổi nhưng bà Nguyễn Thị Chín (ngụ P.Tân Mai, TP.Biên Hòa) vẫn đẩy xe bánh đi bán để kiếm tiền trang trải cuộc sống hằng ngày. Ảnh: P.Liễu

Bà Loan cho biết: “Cũng may trong đợt dịch Covid-19 bùng phát vào tháng 4-2020, mẹ tôi còn được Nhà nước hỗ trợ thêm một khoản kinh phí để trang trải cuộc sống. Đây là sự động viên tinh thần rất lớn và là động lực để mẹ con tôi cũng như những người nghèo vượt qua khó khăn tạm thời. Trước tình hình khó khăn của dịch bệnh, tôi đã trở lại nghề cũ: gói bánh ú, bánh tét để bán, kiếm thêm tiền chợ hằng ngày, giúp các em tôi bớt vất vả, lo toan”.

Không chỉ chủ động chuyển đổi, kiếm thêm công việc để thích nghi với trạng thái “bình thường mới”, nhiều người lao động tự do còn có ý thức hơn trong phòng, chống dịch bệnh. Nhiều người cho rằng, để vất vả sớm đi qua, cuộc sống bình thường sớm lập lại, quan trọng nhất là mỗi người dân dù đang bươn chải kiếm sống vẫn phải chủ động phòng, chống dịch. Sự chủ quan sẽ làm dịch bệnh có thể tái bùng phát và lúc ấy khó khăn sẽ tiếp tục chồng chất.

Ông Lê Phát Liêm (ngụ P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa) cho biết: “Mỗi ngày đi bán vé số, vợ chồng tôi phải tiếp xúc với nhiều người nên luôn đeo khẩu trang và giữ khoảng cách nhất định với người mua. Chúng tôi cũng tự mua nước sát khuẩn, mỗi lần nhận tiền của khách xong đều sát khuẩn tay. Nếu không cảnh giác, lỡ dịch bệnh bùng phát lại sẽ khiến tình hình kinh tế ngày càng khó khăn. Mỗi người ý thức một chút, chúng ta nhất định sẽ chiến thắng dịch bệnh. Mà có chiến thắng  dịch bệnh thì kinh tế mới hồi phục, cuộc sống mới vơi bớt khó khăn”.

Đã nhiều ngày qua, Việt Nam không có ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 trong cộng đồng. Cùng với sự quyết liệt của Chính phủ, sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương và sự chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh của mỗi người dân, hy vọng rằng, Việt Nam sẽ ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh Covid-19 để tiếp tục phát triển kinh tế, ổn định xã hội.

Giám đốc Sở Y tế, TS-BS Phan Huy Anh Vũ cho biết: “Chúng ta đang sống những ngày ở trạng thái “bình thường mới”, cho phép người dân cũng như mọi hoạt động kinh tế - xã hội diễn ra bình thường. Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 có thể tái bùng phát bất cứ lúc nào và sẽ lại đem đến rất nhiều khó khăn. Do đó, mỗi người dân vẫn phải chủ động phòng dịch theo khuyến cáo của ngành Y tế. Hãy luôn đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, hạn chế tụ tập đông người và giữ khoảng cách với người xung quanh tối thiểu 1m.

Phương Liễu

 

Tin xem nhiều