Báo Đồng Nai điện tử
En

Người canh 'giấc ngủ' của tiền nhân

09:07, 02/07/2020

Khu lăng mộ danh nhân văn hóa Trịnh Hoài Đức (1765-1825) nằm ở KP.3, P.Trung Dũng (TP.Biên Hòa) được xây dựng cách nay khoảng 195 năm đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia. Người có công gìn giữ và chăm sóc lăng mộ danh nhân Trịnh Hoài Đức suốt hơn 22 năm qua là cựu chiến binh Nguyễn Đức Thùy (80 tuổi, ngụ P.Trung Dũng, thường gọi là ông Ba)...

Khu lăng mộ danh nhân văn hóa Trịnh Hoài Đức (1765-1825, tác giả của bộ Gia Định thành thông chí, quan đại thần dưới triều vua Gia Long và Minh Mạng) nằm ở KP.3, P.Trung Dũng (TP.Biên Hòa) được xây dựng cùng năm ông mất đến nay đã khoảng 195 năm. Lăng mộ được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia. Người có công gìn giữ và chăm sóc lăng mộ danh nhân Trịnh Hoài Đức suốt hơn 22 năm qua là cựu chiến binh Nguyễn Đức Thùy (80 tuổi, ngụ P.Trung Dũng, thường gọi là ông Ba).

Ông Nguyễn Đức Thùy giới thiệu về tiểu sử danh nhân Trịnh Hoài Đức được khắc trong lăng mộ. Ảnh: Đăng Tùng
Ông Nguyễn Đức Thùy giới thiệu về tiểu sử danh nhân Trịnh Hoài Đức được khắc trong lăng mộ. Ảnh: Đăng Tùng

Chia sẻ về lý do gắn bó với công việc này, ông Ba cho biết, với ông công việc này không đơn thuần để mưu sinh mà còn thể hiện sự trân trọng, ngưỡng vọng hướng về bậc tiền nhân có công với vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai.

* Tấm lòng tri ân với danh nhân

Nằm sâu trong hẻm 152 (đường 30-4, KP.3, P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa), dưới những tán cổ thụ mát rượi là nơi yên nghỉ của danh nhân văn hóa Trịnh Hoài Đức và phu nhân. Khu lăng mộ này do Trung tâm Văn hóa - thông tin và thể thao TP.Biên Hòa quản lý và trung tâm này thuê ông Ba là người trực tiếp chăm sóc.

Hằng ngày, cứ 5 giờ 30, ông Ba lại mở cổng lăng, vào quét dọn; tỉ mẩn, cẩn trọng lau chùi bia, bình phong trong lăng mộ rồi dâng hương. Ông Ba tâm sự, dù quê tận tỉnh Hưng Yên nhưng ông lại rất có “duyên” và mang ơn vùng đất Biên Hòa, nơi ông công tác và an cư lạc nghiệp từ sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Ông Ba kể lại, đầu tháng 5-1975, ông (khi đó là cán bộ kỹ thuật Trung đoàn 935) đã cùng đồng đội vào tiếp quản sân bay Biên Hòa và công tác tại sân bay đến khi về hưu vào năm 1985. Do muốn gắn bó với mảnh đất Biên Hòa nên ông quyết định không về quê mà cùng gia đình sinh sống tại ngôi nhà nhỏ, gần khu lăng mộ danh nhân Trịnh Hoài Đức.

“Lúc đó, thỉnh thoảng tôi vẫn vào lăng mộ để dâng hương bày tỏ lòng tri ân và mong muốn cụ Trịnh Hoài Đức phù hộ cho gia đình tôi an cư lạc nghiệp. Đến năm 1998, sau khi về hưu một thời gian, tôi mới chính thức ký hợp đồng với cơ quan chức năng để chăm sóc lăng mộ này và được trả công 1,5 triệu đồng/tháng. Từ đó, ngày nào tôi cũng mở cửa vào dâng hương, quét dọn sân và giới thiệu tiểu sử của danh nhân Trịnh Hoài Đức mỗi khi có các đoàn khách đến thăm viếng” - ông Ba tâm sự.

Ông Ba cho biết, ông làm công việc chăm sóc lăng mộ danh nhân Trịnh Hoài Đức chủ yếu bởi tấm lòng tri ân với bậc tiền nhân. Lăng mộ của danh nhân Trịnh Hoài Đức và phu nhân đã có từ lâu đời, xung quanh nhiều cây cối nên vào mùa mưa, sân phủ rêu rất trơn trượt. Để quét dọn, lau chùi lăng mộ mỗi sáng sớm đối với người cao tuổi như ông cũng rất khó khăn, phải làm cẩn thận, chậm rãi để tránh té ngã. Vào mùa mưa, lá cây rụng nhiều nên sáng hôm sau ông phải tốn thời gian hơn để quét, gom lại.

 Với bản tính kỹ lưỡng, ông gìn giữ khu lăng mộ rất cẩn thận. Thậm chí, mỗi khi có khách đến viếng thăm lăng mộ, ông đều lưu ý họ giữ trật tự và không được đụng mạnh vào các hoa văn trên mộ.

“Người thân nhiều lần khuyên tôi nên nghỉ vì tuổi đã cao nhưng tôi nghĩ bản thân là một người lính, thời chiến góp sức bảo vệ đất nước, thời bình được đóng góp xây dựng đất nước, nay về già được trông coi lăng mộ của tiền nhân vừa là một cách tri ân với người có công với đất nước, vừa tìm niềm vui tuổi già nên đến giờ tôi vẫn làm” - ông Ba bộc bạch.

* Gìn giữ khu lăng mộ kỹ lưỡng

Trông coi, gắn bó với lăng mộ danh nhân Trịnh Hoài Đức và phu nhân bao nhiêu năm thì cũng bấy nhiêu năm ông Ba đọc đi đọc lại và thuộc nằm lòng những dấu mốc quan trọng trong cuộc đời vị đại thần nhà Nguyễn. Ông Ba cũng đã tìm đọc bộ Gia Định thành thông chí do danh nhân Trịnh Hoài Đức viết về địa lý, lịch sử, văn hóa của miền đất Gia Định xưa, do các NXB hiện nay phát hành.

Các cấp lãnh đạo UBND P.Trung Dũng (TP.Biên Hòa) dâng hương viếng lăng mộ danh nhân Trịnh Hoài Đức. Ảnh: Đăng Tùng
Các cấp lãnh đạo UBND P.Trung Dũng (TP.Biên Hòa) dâng hương viếng lăng mộ danh nhân Trịnh Hoài Đức. Ảnh: Đăng Tùng

Ông Ba tâm niệm: “Để có thêm kiến thức giới thiệu về danh nhân Trịnh Hoài Đức cho bà con, khách tham quan, tôi đã tự phải tìm đọc bộ Gia Định thành thông chí và tìm hiểu thêm các bài viết về vị danh nhân này. Tôi cũng mong khu lăng mộ sẽ tiếp tục được trùng tu tốt hơn, được giới thiệu rộng rãi hơn để nhiều người biết đến, ghé tham quan, học tập, nghiên cứu. Vì đây không chỉ là nơi yên nghỉ của vị danh nhân tài ba mà còn là khu lăng mộ có lối kiến trúc rất độc đáo, đạt đến trình độ mỹ thuật cao”.

Lăng mộ Trịnh Hoài Đứa gồm 2 mộ cổ của danh nhân và phu nhân được bảo tồn nguyên vẹn. Đây là 2 ngôi mộ có kiến trúc “Voi phục” rất độc đáo được xây bằng đá ong và hợp chất. Bình phong trước 2 ngôi mộ được tôn tạo nhiều lần trong nhiều năm, đặc biệt năm 2015, Ban Quản lý di tích và danh thắng tỉnh (nay thuộc Bảo tàng tỉnh) đã thực hiện bảng tiểu sử bằng đá để khách tham quan, người dân đến viếng có thể đọc và hiểu được cuộc đời, sự nghiệp danh nhân Trịnh Hoài Đức.

Từ sự chăm sóc chu đáo của ông Ba nên khu lăng mộ của danh nhân Trịnh Hoài Đức luôn được giữ gìn sạch sẽ. Mọi người dân xung quanh cũng ý thức giữ gìn vệ sinh quanh lăng và thường vào dâng hương, dọn dẹp lăng mộ phụ ông Ba.

Bà Lưu Kim Phụng (ngụ KP.3, P.Trung Dũng) bày tỏ: “Ông Ba chăm sóc lăng mộ danh nhân Trịnh Hoài Đức rất có tâm, không quản nắng mưa, hầu như ngày nào cũng mở cửa quét lá, lau bàn thờ, dâng hương cho ấm cúng. Bà con ở đây thấy vậy nên đi tập thể dục sớm cũng thỉnh thoảng vào dâng hương khi thấy ông mở cửa, để khu vực lăng thêm ấm cúng. Tôi nhà gần đây cũng nói ông làm cho 1 chìa khóa vào khu lăng mộ, để phòng khi có khách đến tham quan bất ngờ nhưng ông có việc đi vắng thì tôi cũng mở cửa giúp”.

Ông Nguyễn Văn Tình, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - thông tin và thể thao TP.Biên Hòa nhận xét, suốt 22 năm qua, ông Ba luôn cần mẫn trong việc chăm sóc lăng mộ danh nhân Trịnh Hoài Đức. Nhờ có ông Ba mà khu vực lăng mộ luôn được dọn dẹp sạch sẽ, tôn nghiêm, hương khói ấm cúng hằng ngày, thể hiện sự tri ân của nhân dân địa phương với danh nhân văn hóa Trịnh Hoài Đức.

Lăng mộ danh nhân Trịnh Hoài Đức được xếp hạng di tích lịch sử theo Quyết định số 1539/QĐ của Bộ VH-TTDL ngày 27-12-1990. Đến ngày 6-9-2007, UBND tỉnh đã ra Quyết định số 2854/QĐ-UBND lấy tên danh nhân Trịnh Hoài Đức đặt cho con đường ven công viên Biên Hùng (thuộc P.Trung Dũng) - con đường cách lăng mộ ông chỉ 30m.

Đăng Tùng

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích
Đơn vị cung cấp Thăng Hạng Giấc Ngủ Cùng Nệm Xịn uy tínCửa hàng nệm Nệm Thuần Việt chính hãng