Báo Đồng Nai điện tử
En

Mùa dâu miệt vườn chín rộ

10:05, 28/05/2020

Tháng 5, vùng dâu 3 xã An Phước (H.Long Thành) và Phú Hội, Long Tân (H.Nhơn Trạch) vào mùa chín rộ. Vụ dâu năm nay được mùa và bán ra chợ vẫn giữ được giá từ 20-25 ngàn đồng/kg, càng làm "nức lòng" những người trồng dâu nơi đây.

Tháng 5, vùng dâu 3 xã An Phước (H.Long Thành) và Phú Hội, Long Tân (H.Nhơn Trạch) vào mùa chín rộ. Vụ dâu năm nay được mùa và bán ra chợ vẫn giữ được giá từ 20-25 ngàn đồng/kg, càng làm “nức lòng” những người trồng dâu nơi đây.

Một nhà vườn ở xã Phú Hội (H.Nhơn Trạch) thu hoạch dâu. Ảnh: Đ.Phú
Một nhà vườn ở xã Phú Hội (H.Nhơn Trạch) thu hoạch dâu. Ảnh: Đ.Phú

“Cây dâu ngoài giá trị kinh tế, người dân trong vùng còn coi là kỷ vật do ông bà để lại, thiên nhiên ban tặng. Lỡ chết đi một gốc thì tiếc hùi hụi” - ông Năm Đức (ngụ ấp 2, xã An Phước) có vườn dâu rộng trên 1ha, trong đó có những gốc dâu gần 100 tuổi bày tỏ.

* Gìn giữ những vườn dâu có tuổi đời hàng chục năm

Lâu nay, vùng đất 3 xã An Phước, Phú Hội, Long Tân vốn nổi tiếng với nhiều loại cây ăn trái như: bưởi, chuối già, măng cụt, sầu riêng, mít tố nữ... Riêng cây dâu được nông dân trồng xen với nhiều loại cây khác trong vườn và chăm chút kỹ lưỡng nên càng sung sức. Hằng năm, vào tháng 4 và  tháng 5, các vườn dâu này cho ra những chùm trái vàng ươm, ngọt thanh.

Bà Năm Bế (ngụ ấp Xóm Hố, xã Phú Hội, H.Nhơn Trạch) tỏ bày, vùng dâu 3 xã Phú Hội, Long Tân, An Phước giúp cho nhà vườn gần nhau, quý cây dâu của mình hơn. Trái dâu mỗi xã có vị ngọt, chua, thanh khác nhau do phù sa của mỗi vùng đất tạo ra. Cái chung của nhà vườn 3 xã là trồng dâu Xiêm, khi trái còn màu xanh thì rất chua nhưng khi ngả màu vàng bóng thì có vị ngọt dịu, ngọt thanh.

Vườn nhà bà Ba Tơn (ngụ ấp Xóm Hố, xã Phú Hội) có 10 gốc dâu từ 30-40 tuổi. Do sơ sẩy trong chăm sóc, dẫn tới 3 gốc dâu bị thối rễ chết làm bà “tiếc hùi hụi” mấy ngày qua. 7 cây dâu còn lại hiện vẫn còn tươi tốt, cành của những cây dâu này xum xuê trái. Bà Ba Tơn tâm sự, những gốc dâu này được vợ chồng bà trồng từ khi mới lấy nhau. Mỗi năm tới mùa dâu, lòng bà rộn ràng khi nhìn ngắm những chùm dâu vàng ươm trĩu cành, ai ghé tham quan cũng phải trầm trồ.

Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Hội Nguyễn Huy Sang, các ấp trong xã đều trồng được dâu. Do cây dâu được trồng xen canh với các loại cây ăn trái khác nên tổng diện tích dâu của xã chỉ còn từ 5-7ha. Vườn dâu nào nhiều thì 10-15 gốc, vườn ít thì 4-5 gốc. Dù cây dâu chiếm diện tích nhỏ so với các cây ăn trái nức tiếng của vùng đất Phú Hội, nhà vườn vẫn còn giữ lại những gốc dâu tốt, chất lượng trái ngọt thanh trong vườn để giới thiệu, giữ gìn nguồn cây giống.

Diện tích trồng dâu tại xã Long Tân thì khiêm tốn hơn, hiện chỉ còn rải rác trong các vườn nhà dân với hơn trăm gốc tại các ấp Long Hiệu, Vĩnh Tuy. Tuy số lượng ít nhưng chất lượng trái dâu cũng ngọt thanh không thua kém các xã bạn.

Theo như lời kể của bà Bảy Hạnh (ngụ ấp Long Hiệu, xã Long Tân), vườn của bà chỉ rộng 4 sào nhưng dâu là cây trồng chính, những gốc dâu này có tuổi đời lớn hơn bà vì được ông nội, cha trồng khi bà chưa được sinh ra đời.

“Mỗi mùa dâu chín, tôi lại nhớ ông bà, cha mẹ và hình ảnh họ chăm sóc vườn, hái dâu mang ra chợ bán để lo cho chúng tôi học hành. Vì vậy, tôi chăm sóc vườn dâu rất kỹ, không chỉ làm kinh tế mà tôi còn muốn lưu giữ những hình ảnh thân thuộc của những người thân yêu” - bà Bảy Hạnh tâm sự.

Có thể nói rằng, xã An Phước là vùng đất có diện tích trồng dâu lớn nhất trong tỉnh với hơn 50ha. Bà Năm Sơn (ngụ ấp 2, xã An Phước) có 1ha đất trồng dâu cho hay, vườn của bà có gần chục gốc dâu trăm tuổi. “Mỗi vùng đất cho ra chất lượng và hương vị trái ngọt thanh, ngọt chua khác nhau. Tuy vậy, dâu An Phước, Long Tân, Phú Hội vẫn có họ hàng với nhau vì xuất hiện trên những vùng đất này cả trăm năm” - bà Năm Sơn nói.

Phó chủ tịch Hội Nông dân xã An Phước Trần Văn Yên cho biết, diện tích trồng dâu An Phước đang thu hẹp dần, từ trên 200ha giảm còn khoảng 50ha và có nguy cơ tiếp tục giảm  khi vùng trồng dâu tại ấp 3, ấp 2, xã An Phước sẽ bị thu hồi đất phục vụ cho phát triển kinh tế. Người trồng dâu xã An Phước hiện cũng đối diện với khó khăn do nguồn nước ngày càng ô nhiễm có nguy cơ ảnh hưởng đến các vườn dâu cũng như chất lượng trái dâu.

* Đẩy mạnh quảng bá thương hiệu

Là cán bộ nông dân trẻ, ông Nguyễn Huy Sang rất tích cực giới thiệu hình ảnh cây dâu Phú Hội trên các trang mạng của cá nhân và hội, nhóm. Bên cạnh đó, ông Sang còn có ý tưởng kết nối với các nhà vườn trồng dâu trong vùng tổ chức các tour mini để thu hút du khách tới tham quan, thưởng thức dâu, cây ăn trái, món ăn dân dã miệt vườn Phú Hội vào mùa dâu chín.

Phó chủ tịch Hội Nông dân xã An Phước (H.Long Thành) Trần Văn Yên hái dâu trong vườn nhà đãi khách
Phó chủ tịch Hội Nông dân xã An Phước (H.Long Thành) Trần Văn Yên hái dâu trong vườn nhà đãi khách

“Tháng chạp, tháng giêng dâu ra hoa đã đẹp. Đến tháng 3, tháng 4 âm lịch (tức tháng 5, tháng 6 dương lịch) dâu chín rộ nhìn càng đẹp mê hồn. Tôi là dân địa phương còn thích, ngóng chờ mùa dâu, chứ nói gì tới bạn trẻ, người dân phương xa” - ông Sang bày tỏ.

Trong khi đó, dù có được diện tích dâu lớn nhất so với các xã trong tỉnh, ông Trần Văn Yên và các nông dân xã An Phước vẫn khát khao tăng diện tích trồng dâu để lưu giữ được loại cây đặc sản của vùng đất này. Trong thời gian qua, ông Yên cũng tăng cường giới thiệu đặc sản dâu An Phước đến các hội chợ nông sản để quảng bá cho nông sản địa phương, vừa muốn nhiều người biết đến vùng dâu này để đến tham quan, thưởng lãm vị ngọt thanh của trái dâu nơi đây.

Tại miệt vườn ở các xã An Phước, Long Tân, Phú Hội, người dân luôn tự hào vì đã gìn giữ được những gốc dâu hàng chục năm tuổi. Hiện nay, diện tích trồng dâu của 3 xã đang gia tăng do thương hiệu trái dâu miệt vườn ở đây ngày càng được nhiều người trong và ngoài xã biết đến, ưa chuộng.

“Chăm sóc cây dâu cần sự tỉ mỉ, cẩn thận. Muốn vườn dâu ra quả được đúng vụ và nhiều nhất, các nhà vườn phải chú ý tưới nước cho đúng, tưới nước thường xuyên khi cây còn nhỏ nhưng khi cây đã lớn dần thì ta nên hạn chế tưới nước hơn; trồng ở nơi thoáng mát, nhiều nắng; chú ý xử lý sâu bọ; bón phân vi sinh để cây dâu cho trái có vị chua chua ngọt ngọt chứ không chua gắt” - ông Phạm Minh Tài, Phó chủ tịch UBND xã Long Tân chia sẻ.

Về thăm miệt vườn 3 xã An Phước, Long Tân, Phú Hội, nhìn các vườn dâu xum xuê, trĩu quả cũng làm giảm nhiệt tiết trời oi bức tháng 5. Nhiều du khách tỏ ra thích thú khi được ngắm nhìn vẻ đẹp của những vườn dâu toàn quả là quả và được thưởng thức những trái dâu có vị chua nhẹ xen lẫn ngọt thanh cũng góp phần “hạ nhiệt” giữa trời nắng nóng.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều