Báo Đồng Nai điện tử
En

Lặng lẽ sau những chuyến tàu...

08:06, 25/06/2020

Đằng sau những chuyến tàu nối liền 2 miền Nam - Bắc là sự hy sinh, vất vả của những cán bộ, công nhân ngành đường sắt. Đặc biệt là những người trực tiếp phụ trách khâu đảm bảo an toàn trên các cung đường ở các huyện miền núi như Xuân Lộc...

Đằng sau những chuyến tàu nối liền 2 miền Nam - Bắc là sự hy sinh, vất vả của những cán bộ, công nhân ngành đường sắt. Đặc biệt là những người trực tiếp phụ trách khâu đảm bảo an toàn trên các cung đường ở các huyện miền núi như Xuân Lộc. Hằng ngày, mặc dù luôn đối mặt với bao vất vả, áp lực nhưng bằng sự yêu nghề, họ vẫn luôn tận tâm, tận lực cho công việc, lấy sự an toàn của mỗi chuyến tàu làm niềm vui cho bản thân mình.

Nhân viên duy tu, bảo dưỡng ga Gia Ray đang sửa chữa đường ray. Ảnh: N.Phương
Nhân viên duy tu, bảo dưỡng ga Gia Ray đang sửa chữa đường ray. Ảnh: N.Phương

* Lặn lội tuần tra

Suốt 21 năm công tác tại ga Gia Ray (đóng trên địa bàn xã Xuân Trường, H.Xuân Lộc), ông Nguyễn Văn Thọ, nhân viên Đội Cung đường (có nhiệm vụ duy tu, sửa chữa và tuần đường) đã “thuộc lòng” từng đoạn đường, hàng cây, mái nhà trên dọc cung đường sắt mà ông đi tuần hằng ngày. Ông Thọ tâm sự, suốt từng ấy năm, ngày nào cũng thế, khi vào ca trực thì bất luận trời sáng hay tối, nắng hay mưa, bản thân ông cũng như các nhân viên khác trong tổ đều phải lội bộ đủ 20km để kiểm tra độ an toàn trên suốt cung đường mà mình được giao quản lý.

Ông Hoàng Nghĩa Cường, Trưởng ga Gia Ray cho biết, trong thời gian qua, thông qua phát hiện của lực lượng nhân viên tuần đường, ban lãnh đạo ga Gia Ray đã phối hợp kịp thời với chính quyền địa phương xử lý dứt điểm hàng trăm trường hợp người dân xây dựng trái phép lấn chiếm hành lang an toàn đường sắt hay các trường hợp họp chợ, mở lối dân sinh băng qua đường sắt gây nguy hiểm... Nhờ vậy mà vài năm trở lại đây, tình hình an toàn đường sắt trên cung đường do đơn vị quản lý luôn được đảm bảo an toàn.

Dọc theo tuyến đường đi, ông Thọ phải kiểm tra từng bù lông, thanh ray, thanh tà vẹt... trên đường ray xe lửa. Nếu phát hiện sự cố hư hỏng nhẹ thì xử lý ngay. Còn nếu phức tạp hơn, không thể tự sửa chữa được thì ông phải có trách nhiệm báo cáo lãnh đạo để điều động đội ngũ bảo trì đến khắc phục sự cố kịp thời.

Ông Thọ chia sẻ, do là vùng nông thôn, nên cung đường quản lý dài, trong mỗi ca trực phải lội bộ hàng chục cây số khá mệt, nhưng mệt nhất vẫn là việc tuyên truyền, nhắc nhở người dân ven đường sắt chú ý không chăn thả gia súc, thả diều, bắt dế... tại khu vực hành lang an toàn đường sắt. Hiện nay tình trạng chăn thả gia súc gần đường sắt tuy có giảm so với những năm về trước nhưng chưa triệt để. Do vậy, trong quá trình tuần đường, nhân viên đường sắt vẫn phải kiên trì tuyên truyền, nhắc nhở để người dân chấp hành.

Ông Phạm Văn Tập, nhân viên Đội Cung đường ga Gia Ray cũng cho hay, trước khi được giao nhiệm vụ tuần đường, bản thân ông đã trải qua cả chục năm làm việc ở tổ thi công, sửa chữa. Nhờ vậy, trong quá trình đi tuần, ông có thể nhanh chóng phát hiện và tìm cách xử lý các sự cố gây mất an toàn trên đường ray như: lỏng bù lông, lỏng “con cóc” hay các trường hợp nứt, gãy tà vẹt, thanh ray… Nhiều vụ việc như: phương tiện băng qua đường sắt bị chết máy giữa chừng, cây cối đổ chắn ngang hay nước lũ quét qua đường ray... đã được ông Tập nhanh chóng xử lý hoặc kịp thời báo hiệu cho đoàn tàu dừng lại để đảm bảo an toàn cho hành khách trên tàu.

“Do đặc thù công việc nên bất luận là trời sáng hay tối, nắng hay mưa, nhân viên tuần đường cũng đều phải một mình đi tuần. Vất vả nhất là vào những đêm mưa bão, mặc dù người rét run nhưng vẫn phải khoác ba lô, mặc áo mưa, cầm đèn bão để đi kiểm tra. Bởi lẽ, bản thân tôi luôn ý thức rằng, nếu mình kiểm tra sơ sài, để xảy ra sự cố tai nạn đường sắt thì hậu quả sẽ rất lớn” - ông Tập tâm sự.

* An toàn cho những chuyến tàu

Ông Hoàng Nghĩa Cường, Trưởng ga Gia Ray cho biết, nhân viên tuần đường là người đi tiền trạm cho các chuyến tàu đi qua được an toàn. Nếu như các sự cố trên đường ray được nhân viên tuần đường phát hiện sớm, kịp thời thì rủi ro về tai nạn đường sắt sẽ được kéo giảm. Cụ thể như sự cố xảy ra vào đầu tháng 5-2020, tại km1630 thuộc địa bàn xã Xuân Trường (H.Xuân Lộc), khi một ô tô đang băng qua đường sắt thì bị chết máy. Nhờ được nhân viên tuần đường báo tin nhanh nên tổ cứu hộ của đơn vị đã có mặt kịp thời để cùng với người dân khắc phục ngay sự cố, sớm giải tỏa điểm tắc nghẽn, không làm ảnh hưởng đến hoạt động của các chuyến tàu đi qua.

Ông Nguyễn Văn Thọ, nhân viên Đội Cung đường ga Gia Ray đang đi tuần trên tuyến đường sắt Bắc - Nam, đoạn qua địa bàn H.Xuân Lộc. Ảnh: N.Phương
Ông Nguyễn Văn Thọ, nhân viên Đội Cung đường ga Gia Ray đang đi tuần trên tuyến đường sắt Bắc - Nam, đoạn qua địa bàn H.Xuân Lộc. Ảnh: N.Phương

Cũng theo ông Cường, cùng với nhiệm vụ tuần đường, các nhân viên trong Đội Cung đường còn có nhiệm vụ duy tu, bảo dưỡng đường ray. Ngoài công việc duy tu, bảo dưỡng thường xuyên trên dọc tuyến đường sắt được giao quản lý, họ còn  luôn phải có mặt để xử lý nhanh khi có các sự cố lớn xảy ra trên đường ray nhằm hạn chế đến mức tối thiểu tàu phải chờ đợi lâu.

Cụ thể vào khoảng 9 giờ ngày 4-5, đoàn tàu HS1 đi từ ga Hà Nội vào ga Sóng Thần đến km1643+100 trên địa bàn H.Xuân Lộc thì bị trật bánh. Nhận được thông tin, 100% quân số trong tổ thi công, bảo trì của ga Gia Ray đều được điều động kịp thời đến hiện trường để phối hợp với các đơn vị khác xử lý sự cố. Do sự cố trật bánh trên một đoạn dài nên nhiều thanh ray, tà vẹt bị hư hỏng nặng. Vì vậy tổ công tác phải làm việc cật lực đến gần 4 giờ mới khắc phục được sự cố.

Ông Nguyễn Xuân Huấn, nhân viên ga Gia Ray cũng cho hay, Xuân Lộc là huyện miền núi, địa hình khá phức tạp với nhiều suối, rạch nên việc thi công, bảo trì đường sắt gặp nhiều khó khăn. Nhiều vị trí, phần việc không thể đưa cơ giới vào được nên phải sử dụng sức người là chính. Trong khi các bộ phận kết cấu của đường ray như: tà vẹt, thanh ray đều rất nặng.

 “Môi trường làm việc của nhân viên duy tu, bảo dưỡng đường sắt đều ở ngoài trời, nắng, mưa rất vất vả. Hơn nữa, để đảm bảo sự thông suốt cho từ 30-40 chuyến tàu/ngày, đêm nên áp lực về tiến độ công việc đặt ra cho chúng tôi rất lớn trong khi các chế độ về tiền lương, phụ cấp còn rất thấp. Nhất là từ khi có dịch bệnh Covid-19 đến nay, nhu cầu khách đi tàu giảm mạnh. Tuy nhiên, vì đã gắn bó với sự nghiệp đường sắt lâu năm nên anh em luôn động viên nhau vượt qua. Trong đơn vị có rất nhiều trường hợp vợ, chồng hoặc hai, ba thế hệ cùng công tác trong ngành đường sắt” - ông Huấn chia sẻ.

Theo ông Hoàng Nghĩa Cường, trong thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên ngành đường sắt gặp không ít khó khăn nên có tác động rất lớn lên đời sống của cán bộ, công nhân viên trong ngành. Tuy nhiên, vì lòng yêu nghề, mong muốn gắn bó với sự nghiệp chung của ngành đường sắt nên tập thể anh em công tác trong đơn vị luôn động viên nhau đoàn kết, vượt khó. Hy vọng rằng, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 đã được đẩy lùi ở Việt Nam cùng với nhiều chính sách cải cách của ngành đường sắt, hoạt động của ngành đường sắt sẽ sớm sôi động trở lại, đời sống của nhân viên trong ngành sẽ có nhiều khởi sắc.

Nam Phương

Tin xem nhiều