Vài năm trở lại đây, người dân một số xã của huyện Cẩm Mỹ đã bớt canh tác bắp, đậu để đầu tư trồng dâu, nuôi tằm. Không quản ngại khó khăn với nghề "nuôi tằm ăn cơm đứng", nhiều hộ nông dân vẫn gắn bó với nghề để có thêm nguồn thu nhập ổn định hơn.
Vài năm trở lại đây, người dân một số xã của huyện Cẩm Mỹ đã bớt canh tác bắp, đậu để đầu tư trồng dâu, nuôi tằm. Không quản ngại khó khăn với nghề “nuôi tằm ăn cơm đứng”, nhiều hộ nông dân vẫn gắn bó với nghề để có thêm nguồn thu nhập ổn định hơn.
Anh Lăng Văn Linh (ngụ xã Xuân Đông, huyện Cẩm Mỹ) kiểm tra tằm đang nuôi trong trại nhà. |
Hằng ngày, đều đặn như đồng hồ báo thức, ông Nguyễn Văn Sợi (ngụ ấp 8, xã Sông Ray) lại dậy sớm chuẩn bị lá dâu để đem vào trại cho tằm ăn. Ông Sợi cho biết mỗi ngày tằm ăn 4 cữ vào khoảng 6 giờ, 11 giờ, 17 giờ và 21 giờ, người nào siêng năng có thể cho ăn thêm cữ thứ 5. Vì giờ cho tằm ăn khá sát nhau, lượng thức ăn lại nhiều nên hiếm khi nào ông Sợi bỏ tằm đi đâu xa được.
* “Nghề ăn cơm đứng”
Ông Sợi kể, từ những năm 2000 người dân ở Sông Ray và một số xã lân cận đã sống với nghề trồng dâu, nuôi tằm nhưng sau đó giá kén không tốt nên nhiều người bỏ tằm chuyển sang trồng hoa màu hoặc chăn nuôi. Khoảng 4 năm trở lại đây, từ năm 2014, gia đình ông và một số hộ khác bắt đầu trồng dâu, nuôi tằm trở lại và có nguồn thu nhập ổn định.
Ông Nguyễn Thành Nhơn, Phó chủ tịch Hội Nông dân huyện Cẩm Mỹ cho biết, để giúp cho người nông dân ứng dụng tốt tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, Hội Nông dân huyện đã phối hợp với một số đơn vị khác tổ chức gần 10 lớp dạy nghề trồng dâu, nuôi tằm thu hút hàng trăm nông dân tham gia. |
Diện tích trại nuôi tằm của gia đình ông Sợi rộng khoảng 70m2, nuôi được 2 hộp tằm. Các hộp tằm được cung cấp từ các trại gần đó với khối lượng ban đầu khoảng 20g, giá gần 1 triệu đồng/hộp. Người nuôi mua tằm về, nuôi thêm 12-15 ngày nữa là bán kén được. Mỗi hộp nếu thu về được 50kg kén với giá thành ổn định trên 100 ngàn/kg kén như hiện nay là người nuôi đã có thu nhập tốt, lời khoảng 3 triệu/hộp. Mỗi tháng bán được 2 lứa kén là gia đình ông Sợi đủ trang trải sinh hoạt hằng tháng.
Nghề nuôi tằm rất cực đúng như câu tục ngữ “nuôi lợn ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng”. Sáng ra người nuôi tằm phải dậy sớm cắt lá dâu, mưa hay nắng cũng phải cắt vì con tằm chỉ ăn lá dâu tươi mà thôi. Nhiều người kỹ hơn còn phơi cho lá dâu ráo nước, cắt nhỏ ra để rải cho đều, tằm dễ ăn... Khi tằm chuẩn bị làm kén phải để một khung gỗ chia thành các ô nhỏ để tằm leo lên làm kén, thỉnh thoảng phải kiểm tra để nhặt những con tằm bị rớt ra cho lại vào khung. “Công việc liên tục như vậy nên vợ chồng tôi gần như chỉ quanh quẩn trong mấy ấp lân cận, không đi đâu xa quá được” - ông Sợi chia sẻ.
Nhà nào nuôi tằm cũng phải tự trồng dâu, bởi nếu người nuôi mua dâu từ các hộ chuyên trồng dâu cung cấp cho các trại tằm giống thì sẽ không còn lợi nhuận sau khi bán kén.
Anh Lăng Văn Linh (ấp La Hoa, xã Xuân Đông) đã trồng dâu, nuôi tằm hơn 1 năm với diện tích trại khoảng 100m2, nuôi được 3 hộp tằm, diện tích trồng dâu của gia đình khoảng 9 sào. Anh Linh cho biết, do học hỏi những nông dân đi trước nên anh tích lũy được kinh nghiệm nhiều hơn, trại nuôi và rẫy dâu được chăm sóc chu đáo ngay từ đầu.
Để đảm bảo an toàn, phù hợp cho tằm sống, người nuôi phải làm trại cao ráo, thoáng mát, xung quanh phải có lưới để chống gà, chuột và các con vật khác vào ăn tằm. Sau khi bán kén, trại phải được làm vệ sinh, rắc vôi để khử trùng, không để mầm bệnh còn sót lây sang cho lứa tằm sau. Gia đình anh Linh có 4 người thì cả 4 người đều phải chia nhau chăm sóc rẫy dâu và trại tằm mới đảm bảo đủ thức ăn cho tằm hằng ngày.
“Để nuôi được con tằm đạt hiệu quả cao đòi hỏi các hộp tằm lấy từ trại cung cấp phải tốt, đồng thời người nuôi phải siêng năng. Mỗi hộp tằm ăn khoảng 15 ngày là hết 700-800kg lá dâu. Tính trung bình thì thu hoạch lá từ 2 sào dâu mới đủ nuôi 1 hộp tằm, do đó không ngày nào là người nuôi không cắt lá. Miễn là giá kén ổn định như mấy năm nay thì gia đình tôi không phải lo đến các khoản sinh hoạt phí hằng tháng như trước đây” - anh Linh tâm sự.
* Ổn định nhờ con tằm, cây dâu
Theo thông tin từ Hội Nông dân huyện Cẩm Mỹ, hiện nay toàn huyện có 5 xã trồng dâu, nuôi tằm là: Xuân Tây, Xuân Đông, Sông Ray, Lâm San, Thừa Đức với tổng diện tích hơn 293 hécta dâu, hơn 500 hộ nuôi tằm. Các gia đình nuôi tằm trong huyện hiện vẫn nuôi, trồng song song với các loại cây trồng, vật nuôi khác, ít nhà nào chuyển đổi 100% sang nuôi tằm hay coi tằm là nguồn thu duy nhất trong nhà.
Ông Lăng Văn Tiến (ngụ xã Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ) kiểm tra lứa tằm đang nuôi trong trại nhà. |
Lý giải điều này, ông Lăng Văn Tiến (ấp 10, xã Sông Ray) cho biết trồng cây bắp, lúa hay nuôi bò, dê phải ít nhất vài tháng mới có thu hoạch, còn với tằm thì mỗi tháng bán kén được 2 lần. Vì vậy, gia đình ông cũng như phần lớn các hộ trồng dâu, nuôi tằm đều dùng lợi nhuận từ tằm dành cho sinh hoạt hằng tháng còn nguồn thu từ bắp, lúa hay bò, dê là khoản tiết kiệm lớn hằng năm.
Trước đây, một số hộ nuôi tằm ở huyện Cẩm Mỹ làm theo cách cũ là cho tằm vào nong, hiện nay tất cả đã chuyển sang nuôi trên nền xi măng hoặc trên các khay cao để đảm bảo khô thoáng, dễ vệ sinh sau thu hoạch. Nhiều người trồng dâu, nuôi tằm cho hay, nghề này không làm giàu được nhưng tiền điện, tiền học cho con, tiền đi chợ không phải lo, không phải vay mượn bạn bè rồi chờ ngày thu hoạch bắp, lúa... mới trả như trước đây.
Bà Dương Thị Mè (ấp La Hoa, xã Xuân Đông) cho hay hơn 1 năm nay, từ ngày gia đình nuôi thêm tằm bên cạnh 4 sào lúa, bà cả ngày chỉ quanh quẩn với trại tằm nhưng vui vì có thêm thu nhập lo cho con cái ăn học. Bà Mè bộc bạch: “Mệt thì mệt nhưng vui lắm, cả nhà tôi mong con tằm lớn lên từng ngày, nuôi khoảng 10 ngày mà thấy tằm lớn là biết lứa này sẽ thu hoạch “ngon lành” rồi”.
Minh Thành