Báo Đồng Nai điện tử
En

"Biến" đất, đá thành "vàng"

08:09, 22/09/2018

43 năm trước, ông Phạm Khắc Cước (hiện là Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom) cùng nhóm bạn nghèo ở xã Gia Kiệm (huyện Thống Nhất) về ấp Trung Tâm, xã Thanh Bình dựng chòi khai khẩn đất rừng làm rẫy. Vùng đất ấp Trung Tâm đất pha trộn đá không ngăn được khát vọng đổi thay cuộc sống của chàng trai tuổi đôi mươi.

43 năm trước, ông Phạm Khắc Cước (hiện là Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom) cùng nhóm bạn nghèo ở xã Gia Kiệm (huyện Thống Nhất) về ấp Trung Tâm, xã Thanh Bình dựng chòi khai khẩn đất rừng làm rẫy. Vùng đất ấp Trung Tâm đất pha trộn đá không ngăn được khát vọng đổi thay cuộc sống của chàng trai tuổi đôi mươi.

Từ 2 bàn tay trắng, ông Phạm Khắc Cước (xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom) đã nỗ lực lao động để trở thành nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi của tỉnh.
Từ 2 bàn tay trắng, ông Phạm Khắc Cước (xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom) đã nỗ lực lao động để trở thành nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi của tỉnh.

Ông Cước kể lại, sau năm 1975 kinh tế khó khăn, dân xã Gia Kiệm và các nơi đổ xô về vùng rừng xã Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu) đào đãi vàng và làm nghề rừng. Ông Cước không theo nghề mạo hiểm này mà cùng với nhóm bạn thân gồm: Nghiệp, Tuấn, Tước... vào vùng rừng chồi tổ 20, ấp Trung Tâm khai hoang đất trồng trọt nhằm kiếm cái ăn.

* Nhọc nhằn khai khẩn đất hoang

Ông Cước cùng những người bạn, mỗi người dựng một cái chòi tranh nhỏ từ khu đất mình vừa khai khẩn được để từ đó mở rộng ra theo hướng suối. Chòi của ông Cước ở vị trí thấp nên cách xa chòi của bạn bè vài chục mét và nằm gọn trong khu rừng chồi âm u, đêm về chỉ có ánh đèn dầu leo lét. Ngày ngày ông kiên trì dọn đất đá trồng hoa màu.

Bí Thư Đảng ủy xã Thanh Bình (huyện Trảng Bom) Nguyễn Văn Nam cho biết: “Ông Phạm Khắc Cước, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã là người làm kinh tế giỏi, uy tín trong cộng đồng, tích cực, nhiệt huyết với phong trào của địa phương. Những đề xuất của ông về chính sách chăm lo người dân, cho người cao tuổi của xã luôn được ủng hộ, đánh giá cao”.

Đất đá ấp Trung Tâm cũng “lạ lùng”, chỉ cần đặt hạt bắp, đậu vào kẽ đá thì nó mau chóng nảy mầm và giành chất dinh dưỡng với cỏ dại để hút ánh nắng mặt trời. Không có bình xịt, thuốc diệt cỏ, nhà nông như ông Cước chỉ có cây cuốc chim, cái liềm, rựa để làm.

Hồi đó, hằng tuần ông Cước băng rừng về thăm vợ con một lần vào sáng chủ nhật với lỉnh kỉnh nông sản trên vai. Nhìn vợ con sống thiếu thốn, chàng trai 22 tuổi Phạm Văn Cước càng chăm chỉ làm việc, quyết chí “biến” đất, đá thành nông sản. Mặt trời vừa ló dạng nơi chòm rừng phía Đông, quần áo ông Cước đã ướt đẫm mồ hôi và sương rừng. Cứ vậy, ông một mình làm quần quật cho tới khi trời chạng vạng. Hôm nào, bầu trời có ánh trăng thì tiếp tục dọn, đốt cây, cỏ cho đến khi kiệt sức mới về chòi ăn vội chén cơm rồi ngả lưng.

Ấp Trung Tâm ngày ấy vắng dân nhưng nhiều đặc sản đầm lầy (tôm, cá, ếch, cua). Cho nên, dù ngày làm lụng cật lực, tối đến ông Cước và nhóm bạn tranh thủ thắp đuốc soi bắt ếch, cua, cá... cải thiện bữa ăn và đem bán.

 “Anh em làm rẫy chung với tôi lúc ấy chẳng mấy ai được có giấc ngủ ngon. Tối thì lo đốt đuốc đi đuổi thú, bắt cá, ếch hoặc ngồi lặt bắp, đậu, đốt rẫy. Khi nào đôi mắt không mở được mới chịu vào chòi ngả lưng để lấy lại sức. Cho nên, ở tuổi 22-30 nhưng nhìn ai cũng già dặn như tuổi 40-50 hết” - ông Cước chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Nghiệp (tổ 20, ấp Trung Tâm) cho hay, 3 trong số 7 người đi vào rừng chồi làm rẫy như ông và ông Cước không chịu nổi cơ cực cũng dần rút về xã Gia Kiệm làm nghề khác. Một phần vì không chịu được cảnh một mình thui thủi trong rừng, ăn uống thiếu thốn, một phần vì mùa màng lúc được, lúc mất nên một số người bỏ cuộc. Nhờ vậy, những người kiên trì bám trụ như ông và ông Cước có cơ hội mở mang rẫy, vườn rộng ra.

Bực nhất là lúc nông sản chuẩn bị thu hoạch thì khỉ, két kéo đến phá làm thất thoát mất 1/3 mùa màng, nông dân phải canh ngày, canh đêm để xua đuổi chúng trở lại rừng. “Để lũ khỉ, két phá hỏng một vạt bắp, đậu nghĩa là nồi cơm của vợ con bị vơi đi một phần” - ông Cước bày tỏ.

* “Vàng”được tìm thấy

Đất và đá ấp Trung Tâm dù thương nhà nông trồng hoa màu tốt tươi nhưng phải chờ 3 tháng mới thu hoạch. Trong khi đó, cái ăn hằng ngày của nhà nông dù tiết kiệm cũng cần 2 bữa cơm, khoai mới có sức để cầm cự. Cũng vì vậy, nhóm bạn ông Cước lại tụm nhau nơi căn chòi bàn cách bắt chước đồng bào dân tộc Hoa, Nùng trồng chuối để mỗi tuần đều có nguồn thu.

Nhà sẵn có máy cày, ông Phạm Khắc Cước (phải) tham gia sửa lại đường tổ, ấp hư hỏng.
Nhà sẵn có máy cày, ông Phạm Khắc Cước (phải) tham gia sửa lại đường tổ, ấp hư hỏng.

“Cứ vậy, đất làm tới đâu tôi cạy đá trồng chuối tới đó. Chuối phủ kín rẫy thì kinh tế gia đình tôi ổn định. Cho nên, năm 1979, tôi chuyển hết vợ con từ xã Gia Kiệm về đây ở luôn” - ông Cước cho biết.

Năm 1980, toàn bộ rừng chồi ấp Trung Tâm trở thành vườn rẫy của các nhóm dân xã Gia Kiệm và dân di cư tự do đến từ các tỉnh, thành khác. Lúc này, ông Cước đã sở hữu được 2,5 hécta đất. Để thay đổi hướng đầu tư, ông Cước bàn với 3 người bạn: Nghiệp, Tuấn, Tước chung nhau tiền mua chiếc máy bơm chạy dầu và về TX.Long Khánh mua cà phê, tiêu giống về trồng. “Chiếc máy bơm chạy dầu này bị 4 anh em chúng tôi “ép” làm việc suốt ngày đêm nhưng vẫn không bị hỏng hóc. Nhờ nó mà kinh tế cả 4 người bắt đầu có dư dả, mua sắm thêm máy xới, máy cày, máy bơm khác khi trúng cà phê, tiêu” - ông Cước bộc bạch.

Nhà nông ấp Trung Tâm dần khá giả nhờ tiêu, cà phê, chuối. Năm 2003, ông Cước được chính quyền xã Thanh Bình (được tách ra từ xã Cây Gáo năm 1994) bầu chọn là nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi với thu nhập trên 200 triệu đồng/năm từ mô hình trồng trọt và kinh doanh vật liệu xây dựng của gia đình. Từ uy tín của nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi, ông Cước đứng ra liên kết với các công ty cung cấp phân bón, thuốc bảo vệ thực vật bán phân bón trả chậm cho nông dân; đồng thời rủ các bạn nông dân trong tổ 20 bỏ công, phương tiện ra sửa đường, cùng góp tiền kéo điện về sinh hoạt. Đến năm 2016, ông Cước được đề cử giữ chức Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã để khuấy động phong trào ở địa phương.

Vùng đất đá ấp Trung Tâm nay trở nên trù phú với chuối cấy mô, tiêu, cây ăn trái và dịch vụ, buôn bán phát triển mạnh cùng nông thôn mới. Ông Cước và 3 người bạn thân mỗi người sở hữu trên 2,5 hécta đất, cùng với cơ sở kinh doanh nên ai cũng khá giả. “Từ cái rựa, cuốc, liềm đến máy móc nông nghiệp hiện đại và khoa học kỹ thuật, chúng tôi đã “biến” đất đá ở ấp Trung tâm “đẻ” ra  “vàng” để có cuộc sống sung túc ngày hôm nay”  - ông Trần Thế Tuấn bày tỏ.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích