Về xã Tân Bình (huyện Vĩnh Cửu) sau vụ bưởi tết được mùa, được giá mới thấy không khí đón xuân của bà con ở đây phấn khởi, náo nhiệt thế nào. Dù đã thu hoạch xong bưởi tết, nhưng nhiều nhà vườn vẫn còn những cây bưởi trĩu quả, đang tất bật chăm sóc để bán lai rai cho đến tận tháng 4-5...
Về xã Tân Bình (huyện Vĩnh Cửu) sau vụ bưởi tết được mùa, được giá mới thấy không khí đón xuân của bà con ở đây phấn khởi, náo nhiệt thế nào. Dù đã thu hoạch xong bưởi tết, nhưng nhiều nhà vườn vẫn còn những cây bưởi trĩu quả, đang tất bật chăm sóc để bán lai rai cho đến tận tháng 4-5 với hy vọng mang lại nguồn thu nhập cao.
Nông dân xã Tân Bình thu hoạch bưởi. |
Những khuôn mặt hớn hở với nụ cười tươi của bà con nông dân trồng bưởi đang háo hức đón một năm mới với nhiều thuận lợi hơn.
* Nông dân đua nhau làm giàu
Cây trồng thế mạnh của vùng đất Tân Bình lâu nay là cây bưởi, một loại cây trái đặc sản nổi tiếng của vùng đất Tân Triều ngày xưa. Bởi vậy, ở Tân Bình không ít nông dân trồng bưởi trở nên khấm khá, giàu có và cũng không thiếu những “đại gia” phất lên từ cây bưởi.
Vùng đất Tân Bình vốn được bồi đắp nhờ phù sa màu mỡ của dòng sông Đồng Nai nên thích hợp với việc trồng các cây có múi. Trong đó, cây bưởi có sự ngọt thanh đặc trưng và đã trở thành đặc sản của Đồng Nai. Hiện nay, bưởi Tân Triều có mặt khắp nơi, là niềm tự hào của những người nông dân Tân Bình. |
Ông Huỳnh Ngọc Mai (ngụ ấp Bình Phước) vui vẻ cho biết ấp Bình Phước là một trong những vựa bưởi của toàn xã nên kinh tế có phẩn ổn định và phát triển hơn các ấp khác. Đợt bưởi tết vừa qua, hầu như nhà vườn nào ở ấp Bình Phước cũng trúng mùa, được giá. Vườn ít đạt trên 100 triệu đồng, nhà nào đầu tư mạnh, vườn rộng có thể thu về 500-700 triệu đồng.
Nhà ông Mai có vườn bưởi rộng hơn 1 hécta, hầu hết đã bước vào giai đoạn cho trái tốt và chất lượng. Để nâng cao giá trị cũng như năng suất, ông Mai đã bỏ ra số tiền lớn đầu tư hệ thống tưới công nghệ cao. Từ đó, ông bắt đầu trồng bưởi sạch và ứng dụng khoa học - kỹ thuật để cây bưởi có thể ra trái quanh năm nên cho thu nhập cao.
“Nhiều người từ chỗ nghèo khó, cuộc sống dần khấm khá nhờ cây bưởi đặc sản. Một số người từ nơi khác đến đây mua đất, mở rộng vườn, đầu tư hệ thống chăm sóc, tưới tiêu hiện đại cho ra những trái bưởi đạt chuẩn, đưa cây bưởi Tân Triều vươn ra tận nước ngoài” - ông Mai bộc bạch.
Nói đến cây bưởi, ông Nguyễn Văn Lợt (ngụ ấp Tân Triều) chia sẻ ở Tân Bình có nhiều nông dân trồng bưởi có tiếng, nhờ bưởi mà họ đã trở nên giàu có. Từ kinh nghiệm truyền thống, kết hợp với khoa học - kỹ thuật, người trồng bưởi ở Tân Bình có thể xử lý cho bưởi ra hoa sớm, ép bưởi chín vào dịp tết, thậm chí tạo dáng bưởi lạ mắt bán giá cao. Những việc trước kia thấy khó khăn, hiếm người làm được thì bây giờ đó là chuyện thường ở đây.
Ông Lợt cũng là nông dân trồng bưởi có kinh nghiệm trong vùng. Cả cuộc đời ông gắn với cây bưởi, từ 2 bàn tay trắng đến nay ông đã tạo dựng cho mình một cơ ngơi bề thế. Ông còn truyền dạy kinh nghiệm trồng bưởi cho con cháu, giúp người trồng bưởi phát triển kinh tế, làm giàu từ bưởi. Để trái bưởi Tân Triều được khắp nơi biết đến, ông còn tạo ra rượu bưởi thơm ngon nức tiếng, góp phần xây dựng thương hiệu loại đặc sản này.
Khoảng chục năm trở lại đây, khi trái bưởi Tân Triều được thị trường đón nhận và ưa chuộng, ông Lợt có thể sống an nhàn nhờ vườn bưởi lâu năm. Năm nào vườn cây sung sức, ông còn xử lý cho cây bưởi ra trái vụ để bán được nhiều tiền hơn, thu về cả trăm triệu đồng.
“Thổ nhưỡng nơi này đặc biệt thích hợp với loại cây ăn trái có múi và giống bưởi đường lá cam Tân Triều khó có nơi nào sánh kịp về độ ngon. Nhiều nông dân địa phương khác lấy giống bưởi đường lá cam Tân Triều về trồng, bước đầu cũng cho trái, nhưng vị ngọt thanh mát, chua dịu và mọng nước trong từng tép bưởi thì thua xa ở đây” - ông Lợt nói.
* Xã bưởi giàu mạnh
Toàn xã Tân Bình hiện có hơn 370 hécta đất vườn được người dân đầu tư trồng bưởi. Ngoài đầu tư, áp dụng kỹ thuật hiện đại vào làm bưởi sạch, nhiều hộ còn kết hợp làm du lịch nhà vườn phục vụ nhu cầu khách đến tham quan, tìm hiểu về giống cây đặc sản của vùng đất Tân Triều.
Bà Phạm Thị Nga (ngụ ấp Tân Triều, xã Tân Bình) chăm sóc vườn bưởi trĩu quả để bán sau tết, mong được giá cao. |
Mỗi năm, địa phương đón hàng ngàn lượt khách đến tham quan. Từ đó, thu nhập bình quân đầu người năm sau cao hơn năm trước. Năm 2015, thu nhập bình quân đầu người đạt 35 triệu đồng/năm, năm 2016 đạt 51 triệu đồng thì năm 2017 đạt 55 triệu đồng. Hiện toàn xã không còn hộ nghèo.
Tại một số ấp, như: Tân Triều, Vĩnh Hiệp…, có trên 90% đường làng, ngõ xóm được bê tông hóa, tạo thuận lợi cho việc buôn bán, vận chuyển nông sản. Nhiều căn nhà khang trang nằm xen giữa những vườn bưởi rộng lớn, xe cộ vào ra nhộn nhịp, góp phần thay đổi bộ mặt của xã nông thôn trước đây.
“Có đường chính rồi, nông dân góp tiền, góp sức làm đường kết nối đến tận vườn bưởi. Vì vậy, vào mỗi vụ thu hoạch, xe của thương lái đến tận vườn lấy hàng, giá mua bưởi cũng cao hơn so với trước kia. Chuyện làm ăn, làm giàu nhờ vậy mà thuận lợi để nông dân yên tâm sản xuất” - bà Phạm Thị Nga (ngụ ấp Tân Triều) hồ hởi nói.
Bí thư Đảng ủy xã Tân Bình Tạ Quốc Sỹ chia sẻ thời gian qua hàng loạt công trình lớn được đầu tư xây dựng ở Tân Bình, như: xây trường mầm non, nâng cấp tuyến mương thủy lợi, đường sá…, góp phần hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.
Xã Tân Bình cũng là địa phương đầu tiên của huyện Vĩnh Cửu được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2014, hiện đang phấn đấu thực hiện 2 tiêu chí còn lại trong bộ tiêu chí nông thôn mới nâng cao của tỉnh để được xét công nhận hoàn thành trong năm 2018.
“Để đạt được mục tiêu này, xã Tân Bình chú trọng thực hiện việc chuyển đổi diện tích lúa đang canh tác không hiệu quả, vận động nhân dân chuyển sang trồng các loại cây hiệu quả cao hơn. Đồng thời, triển khai nhiều biện pháp nhằm đảm bảo tình hình an ninh trật tự, tạo sự an tâm cho người dân địa phương phát triển kinh tế” - ông Sỹ nhấn mạnh.
Thanh Hải