Báo Đồng Nai điện tử
En

Ông Thắng ở Chà Rang

11:07, 24/07/2017

Từ tỉnh Hưng Yên vào Xuân Lộc lập nghiệp từ năm 1991, đến nay ông Trần Cao Thắng (ngụ ấp Chà Rang, xã Suối Cao) không chỉ có nhà cửa khang trang, mở rộng vườn rẫy mà còn bỏ tiền túi để cùng nông dân khác mua hệ thống máy bơm, xây hồ chứa nước trị giá 300 triệu đồng trữ nước tưới vào mùa khô và chia sẻ cho các hộ khác gần đó.

Từ tỉnh Hưng Yên vào Xuân Lộc lập nghiệp từ năm 1991, đến nay ông Trần Cao Thắng (ngụ ấp Chà Rang, xã Suối Cao) không chỉ có nhà cửa khang trang, mở rộng vườn rẫy mà còn bỏ tiền túi để cùng nông dân khác mua hệ thống máy bơm, xây hồ chứa nước trị giá 300 triệu đồng trữ nước tưới vào mùa khô và chia sẻ cho các hộ khác gần đó.

Ông Trần Cao Thắng chăm sóc vườn tiêu trong vườn nhà.
Ông Trần Cao Thắng chăm sóc vườn tiêu trong vườn nhà.

* Hai bàn tay trắng làm nên tất cả

Không chỉ chia sẻ cùng cộng đồng, ông Trần Cao Thắng còn tham gia công tác tại địa phương nhiều năm liền. Từ năm 1996 đến nay, ông làm nhiều công việc khác nhau, như: tổ trưởng tổ nhân dân, trưởng ấp, chủ tịch Hội Nông dân… Hiện tại, ông Thắng là Bí thư Chi bộ ấp Chà Rang (xã Suối Cao, huyện Xuân Lộc).

Khoảng cuối thập niên 1980, trong một chuyến đi vào huyện Xuân Lộc thăm bà con, ông Trần Cao Thắng nhận thấy đây là miền đất trù phú, dân cư lại thưa thớt, với sức trẻ của bản thân, ông có thể làm được nhiều thứ nên quyết định sẽ gầy dựng sự nghiệp tại đây. Về quê, ông chuẩn bị 1 triệu đồng (tương đương 2 chỉ vàng thời điểm đó) rồi xin phép gia đình khăn gói vào huyện Xuân Lộc tìm đất làm ăn. Khởi đầu với 1 hécta rẫy nhượng lại công khai phá từ người dân ở xã Xuân Thọ (nay thuộc địa phận ấp Chà Rang), ông Thắng bắt tay vào trồng đậu xanh và bắp.

“Thời điểm đó, khu vực này khá hoang sơ, còn sót lại nhiều dấu tích của rừng. Có lần, tôi còn thấy voi trong rừng ra bờ sông uống nước. May mà vườn rẫy của tôi chưa bị voi vào phá, chứ một số rẫy gần đây đã bị voi vào phá chòi rồi. Khi đó, khu rẫy của nhà này cách nhà kia hàng trăm mét, ai ở gần nhà thì ban ngày vào làm rẫy, chiều về nhà, chỉ có những người từ nơi xa tới như tôi mới dựng chòi ở lại. Do trồng trọt theo mùa vụ, thuận theo mùa mưa và mùa khô, không cần quá nhiều nước tưới, công tưới nên chỉ một mình tôi loay hoay mà năm đầu tiên cũng thu được 5 tạ đậu và khoảng 3,5 tấn bắp” - ông Thắng nhớ lại.

Năm 1991, khi vừa 23 tuổi, mỗi ngày ông Thắng đều chăm chỉ làm rẫy. Bất kể nắng mưa, mỗi ngày ông làm việc 13-14 tiếng là điều bình thường. Đến mùa thu hoạch, ông lại cùng những nông dân ở gần vần đổi công cho nhau; nay tất cả kéo đến rẫy một người để phụ, hôm khác lại đến rẫy khác, cứ thế đến khi tất cả rẫy của cả nhóm được thu hoạch xong xuôi.

Ông Thắng kể lại, do sống ở vùng đất lạ nên việc mọi người liên kết cùng lao động tập thể có thể làm được nhiều việc lớn hơn, vừa đảm bảo không ai làm quá sức vừa thu hoạch nhanh.

“Thời đó đời sống người dân ở đây ai cũng khó khăn, nông sản phần lớn vận chuyển bằng xe đạp thồ, mỗi lần ra chợ đều phải đi quãng đường 7km và còn băng qua suối. Vì vậy, mỗi lần đưa nông sản ra chợ phải đi 2 người, gặp suối thì vác nông sản qua, đến chợ mua được gạo lại phải vác qua suối đem về; mỗi lần đi chợ như vậy hết cả buổi chiều. Do đường sá cách trở nên mỗi khi có việc gấp phải huy động hàng xóm vào phụ giúp.

Năm 1994, người em họ bị đau ruột thừa lúc nửa đêm, tôi phải huy động thêm 3 người khiêng cáng đưa em tôi đi cấp cứu trong đêm. Khó khăn là thế, nhưng ai sống ở đây vào thời điểm đó đều cố gắng vượt qua để gầy dựng nên cuộc sống tốt hơn như bây giờ” - ông Thắng tâm sự.

Ông Trần Cao Thắng (bìa trái) đi kiểm tra hồ chứa nước sông  được làm từ năm 2016.
Ông Trần Cao Thắng (bìa trái) đi kiểm tra hồ chứa nước sông được làm từ năm 2016.

* Chia sẻ cùng người xung quanh

Năm 1993, ông Trần Cao Thắng lập gia đình. Vợ chồng cùng chí thú làm ăn đến năm 1999 thì xây được nhà gạch kiên cố. Sau vài năm chuyên chú vào cây ngắn ngày, ông Thắng thấy thu nhập không cao nên chuyển dần sang cây lâu năm (năm 1996 trồng điều, năm 1998 trồng tiêu và năm 2005 trồng cao su) và đến nay đã hoàn toàn chuyển sang cây lâu năm trên 13 hécta rẫy.

Ông Thắng nhớ lại, từ 1 hécta đất rẫy ban đầu, để mở rộng lên 13 hécta như hiện nay là một quá trình dài hơi, tích góp mở rộng dần. Đôi lúc trong túi không đủ 1/3 số tiền mua rẫy nhưng ông cũng không kỳ kèo giá cả với người bán mà đồng ý luôn mức giá họ đưa ra, nhưng xin khất để trả dần sau mỗi mùa thu hoạch. Và lần nào đến hẹn ông cũng trả đủ theo thỏa thuận. Sau nhiều lần như vậy, ông cũng có một mảnh rẫy ưng ý để tập trung trồng trọt.

“Với nông dân như chúng tôi, nước tưới là một trong những yếu tố quan trọng nhất; người xưa nói “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống” là vậy. Ngày trước, không có điện thì chúng tôi dùng máy phát điện chạy dầu để máy bơm hoạt động. Nay có điện rồi, nhưng không phải hết nỗi lo về nước. Như đỉnh điểm mùa khô cuối năm 2015 đầu năm 2016, ngay cả giếng khoan cũng không có nước khiến ai nấy đều lo lắng cho cây trồng. Thời điểm đó, cả xã có hàng chục hécta tiêu và các loại cây lâu năm thiếu nước tưới, nhiều vườn tiêu đã xuất hiện tình trạng vàng lá, nguy cơ thất thu đến gần nếu như không có biện pháp triệt để. Chỉ cần thiếu nước tưới cho tiêu thêm một thời gian nữa, khi thu hoạch sẽ thiệt hại lớn” - ông Thắng kể lại.

Khi đó, dù đã thử qua nhiều biện pháp, như: khoan thêm giếng, phủ rơm lên gốc cây để giữ ẩm cho đất…, nhưng tất cả đều không hiệu quả. Lúc đó, ông Thắng mới bàn với nông dân cùng ấp là ông Nguyễn Đăng Công bỏ ra trên 300 triệu đồng mua máy bơm, làm hồ chứa để dẫn nước từ một nhánh của sông La Ngà cách đó hơn 3km về để có nước tưới, cứu rẫy tiêu của các ông và nhiều hộ xung quanh.

Khi được chính quyền địa phương chấp thuận kế hoạch, 2 ông bắt tay vào làm, đến giữa tháng 4-2016 thì hoàn thành công trình và đưa vào sử dụng. Hồ chứa có thể tích khoảng 500m3, cùng 2 máy bơm 2,8 ngàn mã lực hoạt động liên tục; các hộ xung quanh chỉ phải mua máy bơm và đường ống dẫn nước từ hồ chứa về rẫy của họ để sử dụng. Nhờ đó mà rẫy tiêu của rất nhiều hộ dân ấp Chà Rang lại tiếp tục xanh tốt.

“Sống ở nông thôn, hàng xóm “tối lửa tắt đèn” có nhau, không thể chỉ biết mỗi bản thân được, tất cả đều phải có sự hỗ trợ của tập thể. Ngay từ những ngày đầu vào đây, tôi đã được bà con xung quanh giúp đỡ, nay đã khá hơn thì tôi phải hỗ trợ, chia sẻ cùng mọi người. Đó vừa là đạo lý làm người vừa là cách để mọi người giúp nhau vươn lên làm giàu trên vùng đất mới. Muốn bộ mặt nông thôn thay đổi tích cực thì tự mỗi hộ phải giàu mạnh lên, phải biết vì cái chung mà bỏ qua những cái riêng, như vậy mới giàu lâu bền được” - ông Trần Cao Thắng bộc bạch.

Đăng Tùng

Tin xem nhiều