Báo Đồng Nai điện tử
En

Ở nơi lằn ranh giữa sống - chết

11:07, 21/07/2017

Tại các bệnh viện, khoa cấp cứu luôn là nơi áp lực nhất, căng thẳng nhất đối với các bác sĩ, vì rất nhiều bệnh nhân vào cấp cứu trong tình trạng ở giữa sự sống và cái chết,...

Tại các bệnh viện, khoa cấp cứu luôn là nơi áp lực nhất, căng thẳng nhất đối với các bác sĩ vì rất nhiều bệnh nhân vào cấp cứu trong tình trạng ở giữa sự sống và cái chết, đòi hỏi các bác sĩ phải dốc hết sức để cứu chữa. Công việc cấp cứu bệnh nhân vào ban ngày đã căng thẳng, khi đêm đến còn tăng gấp bội vì bệnh nhân cấp cứu trong đêm phần nhiều ở tình trạng nguy kịch.

Bác sĩ Nguyễn Anh Vương trực cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Thống Nhất. Ảnh: Đ.TÙNG
Bác sĩ Nguyễn Anh Vương trực cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Thống Nhất. Ảnh: Đ.TÙNG

* Căng thẳng trực đêm

23 năm làm bác sĩ tại Khoa Cấp cứu đa khoa Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, bác sĩ Trưởng khoa Nguyễn Anh Vương là người có thâm niên nhất của khoa. Bác sĩ Vương cho hay, mỗi tối Khoa Cấp cứu của bệnh viện có 1 bác sĩ khối nội và 1 bác sĩ khối ngoại, cùng 7 điều dưỡng trực tại đây và ban đêm luôn là thời gian áp lực, căng thẳng nhất với những bác sĩ trực cấp cứu.

Cũng theo bác sĩ Vương, mỗi ngày Khoa Cấp cứu đa khoa của Bệnh viện đa khoa Thống Nhất tiếp nhận 100-150 ca cấp cứu, trong đó gần một nửa đến vào ban đêm. Bệnh nhân cấp cứu vào ban đêm thường trong tình trạng nguy kịch do tai nạn giao thông, đánh nhau bị thương tích hoặc những cơn đau bất chợt tại nhà, nên đòi hỏi bác sĩ cấp cứu phải nhanh nhẹn, dốc hết kiến thức, kỹ năng chuyên môn để cứu chữa bệnh nhân qua cơn nguy kịch. Khi tình trạng bệnh nhân đã ổn định thật sự thì mới cho chuyển sang khoa khác tiếp tục điều trị.

Đặc biệt, ở Khoa Cấp cứu đa khoa không hiếm trường hợp nhiều ca vào cùng thời điểm (như: bị ngộ độc tập thể, tai nạn liên hoàn…). Do tính chất công việc ở khoa áp lực cao nên rất ít bác sĩ chịu về công tác lâu dài” - bác sĩ Vương chia sẻ.

Bác sĩ trực cấp cứu không chỉ bị áp lực từ phía bệnh nhân mà còn từ thân nhân của họ, hoặc những người có thù oán với bệnh nhân xông vào bệnh viện kiếm chuyện (nhất là các bệnh nhân nhập viện sau vụ đánh nhau). Nhiều trường hợp người bệnh vào cấp cứu, người nhà đứng bên ngoài sốt ruột trước tình trạng bệnh của người thân nên có những lời nói, hành động làm tổn thương bác sĩ, điều dưỡng.

Bác sĩ Trưởng khoa Cấp cứu tổng hợp Bệnh viện đa khoa Đồng Nai Nguyễn Xuân Hoàng cho biết, khi các ca cấp cứu vừa tới, theo quy trình bác sĩ trực cấp cứu phải nhanh chóng có mặt để xem xét, thực hiện các biện pháp chuyên môn để giúp bệnh nhân qua cơn nguy kịch, ưu tiên cho bệnh nhân bị nặng nhất, có diễn biến nguy hiểm nhất.

“Ai có người thân vào bệnh viện cấp cứu cũng sốt ruột, luôn muốn người thân của mình được chăm sóc, chữa trị sớm nhất, nhưng việc bác sĩ đưa ra quyết định xử trí bệnh nhân nào trước hay tạm thời chờ là tùy theo tình trạng của người bệnh. Nếu trong phòng cấp cứu có ca nguy hiểm đến tính mạng thì bác sĩ phải giải quyết trước, dù ca đó đến sau những ca tình trạng bệnh nhẹ hơn và không bị đe dọa tính mạng; nhất là với những ca tai nạn đột xuất, nếu qua khoảng thời gian vàng thì khả năng cứu sống thấp hơn" - bác sĩ Nguyễn Xuân Hoàng bộc bạch.

Bác sĩ Nguyễn Xuân Hoàng đang kiểm tra hồ sơ các bệnh nhân vào cấp cứu trong khoa.
Bác sĩ Nguyễn Xuân Hoàng đang kiểm tra hồ sơ các bệnh nhân vào cấp cứu trong khoa.

Bác sĩ Hoàng còn cho biết thêm, ngay cả bệnh nhân cấp cứu đã ngưng thở, giãn đồng tử, các bác sĩ vẫn làm mọi cách cứu chữa trong vòng 30 phút, nếu không thấy khả quan mới ngưng và để người nhà quyết định. Vì áp lực như thế nên gặp thân nhân hiểu cho bác sĩ thì không sao, chứ gặp thân nhân nóng tính thì việc bác sĩ, điều dưỡng bị nói nặng lời, đe dọa là thường xuyên xảy ra.

* Đằng sau chiếc áo blouse trắng

Với bác sĩ ở khoa cấp cứu các bệnh viện, việc tranh thủ chợp mắt vào buổi tối khá hiếm hoi, nhất là vào những dịp cuối tuần hay lễ, tết.

Theo thống kê của bác sĩ Nguyễn Anh Vương, khoảng thời gian cuối tuần hoặc những ngày đầu tháng vừa được nhận lương, số ca cấp cứu vì say xỉn hoặc bị thương tích do đánh nhau lại tăng vọt. Những ca cấp cứu này phức tạp hơn vì người đưa bệnh nhân đi cấp cứu có khi cũng say xỉn nên không làm chủ bản thân, có trường hợp la hét, làm ảnh hưởng đến các bệnh nhân khác đang nghỉ đêm.

Bác sĩ Vương chia sẻ rằng, sau 1 ngày làm việc căng thẳng, khi đêm xuống, cả bệnh viện trở nên im lặng, chỉ còn khoa cấp cứu và một số khoa có bệnh nhân sáng đèn. Công việc rất áp lực, nhưng nếu đã làm bác sĩ cấp cứu thì phải luôn hết lòng vì công việc. Với nghề y chỉ cần sai sót một ly đã có thể ảnh hưởng đến tính mạng con người, đời sống của cả gia đình họ, hậu quả để lại rất khó lường.

"Cấp cứu cho bệnh nhân say xỉn và ứng xử với người nhà đang say xỉn của bệnh nhân đòi hỏi bản lĩnh của bác sĩ phải vững vàng. Đây cũng là một trong những lý do khiến khoa này rất khó tuyển được bác sĩ” - bác sĩ Vương cho hay.

Làm việc 5 năm tại Khoa Cấp cứu tổng hợp Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, bác sĩ Hồ Chí Chung cho biết, đã gặp nhiều ca cấp cứu căng thẳng, do y học luôn có giới hạn nên việc bệnh nhân tử vong ở Khoa Cấp cứu không hiếm. Mỗi lần như vậy, trước sự đau đớn của người nhà bệnh nhân, bác sĩ luôn cố gắng kìm nén cảm xúc để làm nhiệm vụ; khi xong 1 ca cấp cứu, dù kết quả tốt hay xấu, mọi cảm xúc đều phải được dằn lại để tập trung toàn bộ tinh thần cho ca tiếp theo.

“Mỗi ngày, chúng tôi tiếp nhận khoảng 150-210 bệnh nhân cấp cứu và khoảng phân nửa là vào ban đêm. Vì áp lực như vậy nên mỗi ca trực ở đây có khoảng 6 bác sĩ cùng điều dưỡng hỗ trợ. Có bệnh nhân vào cấp cứu lúc chúng tôi đang ăn cơm, anh ta nói bị táo bón lâu ngày, dù đã bơm thuốc cũng không giải quyết được. Vậy là tôi phải bỏ dở bữa ăn để dùng tay xử lý giúp người bệnh, xong rồi rửa tay vào ăn bình thường. Nếu không gác lại những cảm xúc, suy nghĩ về các ca cấp cứu đã qua, sẽ rất khó để một bác sĩ trở nên mạnh mẽ, nhất là tại Khoa Cấp cứu luôn đầy căng thẳng” - bác sĩ Chung chia sẻ.

“Theo ghi nhận của chúng tôi, bệnh nhân đến cấp cứu vào ban đêm thường vào những khung giờ: từ sau 17 giờ đến 19 giờ 30, thường là tai nạn giao thông; từ 23 giờ đến 1 giờ 30 sáng hôm sau là tai nạn giao thông do tuyến dưới chuyển lên, còn các bệnh nội khoa có thể đến vào bất kỳ giờ nào. Ngoài ra, một số bệnh nhân mắc bệnh mãn tính vào cấp cứu nhiều đến mức các bác sĩ quen mặt, thậm chí vừa bước qua cửa là bác sĩ biết ngay bệnh nhân đó đến vì bệnh gì, mười lần như một” - bác sĩ Hồ Chí Chung cho biết.

Bài, ảnh: Đăng Tùng

Tin xem nhiều