Báo Đồng Nai điện tử
En

Những người dựng lên tượng đài bất diệt (Bài Cuối)

11:07, 14/07/2017

Hơn 20 năm qua, người dân ấp 5, xã Long Thọ (huyện Nhơn Trạch) đã quen với hình ảnh một người đàn ông ngày 2 buổi sáng - chiều đến lo việc nhang khói tại bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Đại đội 240 Nhơn Trạch và Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 4, Sư đoàn 5, Quân khu 7 hy sinh trong trận đánh tiêu diệt Sở chỉ huy Tiểu đoàn Mãng Xà Vương Thái Lan ở Chốt Vườn Điều vào tối 20-12-1967.

Bài cuối: Máu và nước mắt

>>> Bài 1: Dấu ấn Sân bay Biên Hòa

>>> Bài 2: Phía sau tuyến lửa Long Khánh

Hơn 20 năm qua, người dân ấp 5, xã Long Thọ (huyện Nhơn Trạch) đã quen với hình ảnh một người đàn ông ngày 2 buổi sáng - chiều đến lo việc nhang khói tại bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Đại đội 240 Nhơn Trạch và Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 4, Sư đoàn 5, Quân khu 7 hy sinh trong trận đánh tiêu diệt Sở chỉ huy Tiểu đoàn Mãng Xà Vương Thái Lan ở Chốt Vườn Điều vào tối 20-12-1967.

Cất bốc hài cốt liệt sĩ hy sinh trong trận đánh Chốt Vườn Điều. Ảnh: Đ. Việt
Cất bốc hài cốt liệt sĩ hy sinh trong trận đánh Chốt Vườn Điều. Ảnh: Đ. Việt

Ông Lê Thanh Hải là thương binh hạng 3/4, cựu chiến binh Đại đội 240 Nhơn Trạch thời chống Mỹ. Ông Hải bảo việc ông làm là để “hương hồn các liệt sĩ được ấm áp nơi cõi vĩnh hằng”.

* “Bóng đen” vùng kháng chiến

Vào các ngày: 27-7, 20-12 và tết cổ truyền của dân tộc, thương binh Lê Thanh Hải đều sửa soạn mâm cơm cúng các liệt sĩ tươm tất. Việc cúng kiếng lúc đầu diễn ra trong nội bộ gia đình ông Hải. Về sau, biết việc làm ý nghĩa của ông, nhiều cựu binh của Tiểu đoàn 2 và Đại đội 240 tìm đến đóng góp, hỗ trợ lo cho ngày giỗ của đồng đội. Năm 1994, sau khi bia tưởng niệm các liệt sĩ Tiểu đoàn 2 và Đại đội 240 hy sinh trong trận đánh Chốt Vườn Điều được xây dựng, mỗi ngày 2 bữa sáng - chiều ông Hải lại đến lo hương khói cho các liệt sĩ.

Ông Hải bộc bạch, chiến đấu ở 240 cho đến khi kết thúc cuộc chiến tranh, nhưng do nhập ngũ sau này nên trận đánh tiêu diệt Tiểu đoàn Mãng Xà Vương Thái Lan vào đêm 20-12-1967 ông không tham gia. Ray rứt trước sự hy sinh, mất mát quá lớn, sau ngày hòa bình lập lại, ông dựng nhà ở gần nơi diễn ra trận đánh năm xưa, nơi có cả trăm chiến sĩ ngã xuống chưa tìm thấy hài cốt (đến tháng 6-2013 mới tìm được hố chôn liệt sĩ thứ nhất hơn 20 người) nên ông thấy mình có trách nhiệm làm tròn phận sự hương khói cho những người đã vì nước quên thân, mà theo ông đó là đạo lý của người còn sống dành cho người đã khuất.

Trong kháng chiến chống Mỹ, vùng đất Long Thọ - Phước An (huyện Nhơn Trạch) là căn cứ kháng chiến của ta. Năm 1965, Mỹ cùng quân chư hầu đã ra sức xây dựng các đồn bót ở đây và thường xuyên cho quân càn quét, nống lấn để đàn áp phong trào cách mạng, hòng đè bẹp ý chí chiến đấu của quân và dân ta.

Riêng địa bàn Bàu Nâu, xã Phước Thọ (nay thuộc ấp 5, xã Long Thọ) nằm trong vùng chiếm đóng của quân chư hầu Thái Lan. Ở đây (còn gọi là Chốt Vườn Điều), chúng cho đặt Sở chỉ huy Tiểu đoàn Mãng Xà Vương, đơn vị khét tiếng về sự tàn bạo, thẳng tay đàn áp phong trào cách mạng địa phương, phong tỏa sự liên lạc, tiếp tế của người dân với bộ đội ta ở khu lòng chảo Phước An - Long Thọ. “Bóng đen” Mãng Xà Vương đã gây nhiều khó khăn cho ta, mọi hoạt động tiếp tế của người dân cũng như hoạt động chiến đấu của bộ đội, du kích có lúc như bế tắc. Do vậy, chủ trương của trên là phải tiêu diệt hệ thống Chốt Vườn Điều để tạo hành lang an toàn cho các hoạt động của du kích và bộ đội trong vùng căn cứ.

* Trở về trong nước mắt

Bùi ngùi nhớ lại trận đánh gần 50 năm trước mà bản thân trực tiếp tham gia, cựu chiến binh Huỳnh Văn Thành (ngụ huyện Nhơn Trạch, nguyên trinh sát của Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 4, Sư đoàn 5) chia sẻ vào đầu tháng 12-1967, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 giao cho Sư đoàn 5 nhiệm vụ đánh tiêu diệt Tiểu đoàn Mãng Xà Vương Thái Lan ở Chốt Vườn Điều để mở rộng hành lang vùng giải phóng và tạo khí thế cho đợt Tổng tiến công và nổi dậy đầu Xuân Mậu Thân 1968. Thực hiện mệnh lệnh này, chỉ huy Sư đoàn 5 đã giao nhiệm vụ cho Tiểu đoàn 2 phối hợp với Đại đội 240 bộ đội địa phương tổ chức điều nghiên trận địa và thực hiện trận đánh.

Giọng chùng xuống, ông Thành cho biết Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2 là Trần Văn Hướng đã giao nhiệm vụ cho ông cùng 2 chiến sĩ Nguyễn Văn Hùng và Phan Thanh Việt ở bộ phận trinh sát điều nghiên địa hình, địa vật căn cứ Chốt Vườn Điều, vẽ sơ đồ tác chiến cho trận đánh. Với sự phối hợp chu đáo của bộ đội địa phương, sau gần nửa tháng điều nghiên, tổ trinh sát đã hoàn thành nhiệm vụ lên sơ đồ tác chiến chi tiết phục vụ cho trận đánh.

 Căn cứ Chốt Vườn Điều khi đó có chu vi bảo vệ rộng hàng chục hécta được san ủi thành khoảng trống rất lớn, nhưng khu trung tâm chỉ khoảng 4-5 hécta. Bên ngoài khu trung tâm, địch xây dựng 5 hàng rào bảo vệ, 2 lớp rào bên ngoài là rào đơn, 3 lớp bên trong là rào bùng nhùng với nhiều lớp kẽm gai xếp chồng lên nhau đến “con kiến cũng không chui lọt”. Về hỏa lực phòng thủ của địch, bên trong căn cứ có nhiều ụ súng đại liên, súng cối, súng phóng lựu M79...

Trước khi trận đánh diễn ra, trinh sát tổ chức điều nghiên rất kỹ địa hình, vẽ sơ đồ chi tiết hệ thống phòng thủ bên trong của căn cứ địch. Khi đó, địch chưa bố trí xe tăng hạng nặng trong khu vực phòng thủ, nên khi thông qua kế hoạch tác chiến và phương án trận đánh ta không chú ý chi tiết này. Nhưng chỉ 1-2 ngày sau đó, khi bộ đội tập kết về khu rừng khộp gần căn cứ địch chuẩn bị mở đợt tấn công thì địch bất ngờ điều 3 xe tăng hạng nặng về bố trí ở các vị trí hiểm yếu bên trong căn cứ và được giấu dưới các công sự. Do không phát hiện được sự thay đổi trong hệ thống phòng thủ của địch, lực lượng ta vẫn quyết định thực hiện trận đánh.

Theo kế hoạch, Đại đội 1, Tiểu đoàn 2 được giao nhiệm vụ làm mũi chủ công, xuất kích từ hướng Đông - Nam đánh trực diện vào sở chỉ huy địch; Đại đội 2, Tiểu đoàn 2 đánh thọc sườn địch từ hướng Tây - Nam và Đại đội 3, Tiểu đoàn 2 làm đội dự bị phía sau Đại đội 2, đánh chi viện khi cần thiết. Riêng Đại đội hỏa lực súng cối thực hiện bắn ghìm đầu địch khi trận đánh mở màn.

21 giờ ngày 20-12-1967, khi quân địch tập trung trước sân xem phim, quân ta tổ chức tấn công. Sau những loạt súng cối bắn cấp tập vào đội hình địch, tiêu diệt nhiều lính đang xem phim, khoảng 15 phút sau, đợi lúc súng cối của ta ngưng, bọn lính trong chốt nháo nhào tìm nơi ẩn nấp. Lúc này, mũi trinh sát đã xâm nhập, bấm 1 quả mìn DH8 phá tan cửa và bộ đội ta chia thành 3 mũi tấn công trực diện vào sở chỉ huy Tiểu đoàn Mãng Xà Vương.

Bị bất ngờ, nhưng chủ động phòng thủ từ trước nên địch phản công dữ dội. Hỏa lực trên 3 xe tăng bắn rất mạnh vào đội hình tiến công của ta; trên trời địch liên tục bắn trái sáng thắp sáng toàn khu căn cứ và cho trực thăng quần đảo bắn rốc két vào đội hình của ta; bên ngoài rừng ngập mặn, chúng dùng vũ khí hạng nặng bắn vào đội hình của ta, gây cho quân ta nhiều thiệt hại, buộc phải dừng trận đánh vào khoảng 3 giờ sáng hôm sau. Hàng trăm liệt sĩ hy sinh trong trận đánh phải nằm lại mà không lấy được xác. Sáng hôm sau, địch mang đi vùi lấp tại một vị trí bên cánh rừng khộp cách căn cứ của chúng hơn trăm mét, gần nơi đặt bia tưởng niệm các anh ngày nay.

Phải mất 47 năm sau, sau nhiều năm vất vả kiếm tìm, hài cốt của các liệt sĩ hy sinh trong trận đánh Chốt Vườn Điều mới được tìm thấy. Hôm khai quật, cất bốc hài cốt các anh quy tập về nghĩa trang liệt sĩ (22-8-2014) rất nhiều thân nhân, đồng đội, người dân đã không cầm được nước mắt vì phần lớn da thịt của các anh đã hòa vào lòng đất mẹ. Dù muộn, nhưng được như thế cũng đã an lòng những người đang sống.

Đức Việt

Tin xem nhiều