Báo Đồng Nai điện tử
En

Những người dựng lên tượng đài bất diệt (bài 2)

11:07, 12/07/2017

Trên địa bàn TX.Long Khánh có một tượng đài ghi công quân và dân Long Khánh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ khánh thành từ tháng 4-2001 (nằm trong khuôn viên Công viên tượng đài chiến thắng Long Khánh, giao lộ giữa quốc lộ 1 - đường Hùng Vương - đường Hai Bà Trưng, thuộc phường Xuân Bình).

Bài 2: Phía sau tuyến lửa Long Khánh

>>>Bài 1: Dấu ấn Sân bay Biên Hòa

Trên địa bàn TX.Long Khánh có một tượng đài ghi công quân và dân Long Khánh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ khánh thành từ tháng 4-2001 (nằm trong khuôn viên Công viên tượng đài chiến thắng Long Khánh, giao lộ giữa quốc lộ 1 - đường Hùng Vương - đường Hai Bà Trưng, thuộc phường Xuân Bình).

Ông Phạm Thanh Mừng còn giữ lại chiếc áo của lính nhảy dù mà ông mặc đóng giả lính chế độ cũ khi đi thám thính.
Ông Phạm Thanh Mừng còn giữ lại chiếc áo của lính nhảy dù mà ông mặc đóng giả lính chế độ cũ khi đi thám thính.

Trước năm 1975, Mỹ và chính quyền Sài Gòn tập trung xây dựng ở đây nhiều căn cứ quân sự lớn để ngăn cản sự lớn mạnh của quân giải phóng. Để đảm bảo an toàn cho các căn cứ cách mạng, nhiều chiến sĩ du kích, biệt động của ta đã phải đổ máu, hy sinh và tượng đài chiến thắng Long Khánh là tấm bia ghi công, lưu dấu chiến tích anh hùng của quân - dân Long Khánh trong suốt những năm tháng gian khó đó.

Chân bước khập khiễng vào Văn phòng Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TX.Long Khánh, ông Trần Tấn Một (Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TX.Long Khánh) đưa cho chúng tôi xem những tài liệu cá nhân về một thời ông là Đội trưởng Đội Du kích xã Bình Lộc (1972-1974). Năm 1970, khi đủ 16 tuổi, ông Một tham gia Đội Du kích xã Bình Lộc và bám trụ chiến đấu cùng quân - dân địa phương đến tận ngày giải phóng.

Sẵn sàng hy sinh

Mùa xuân năm 1975, nhiều chiến sĩ biệt động được chia thành các tổ dẫn đường cho quân giải phóng; ông Đào Bá Lượng được phân công dẫn đường cho xe tăng của Quân đoàn 4. Với nhiệm vụ này, ông Lượng phải ngồi ở nóc xe đi đầu để dẫn đường. Biết đây là vị trí rất nguy hiểm, thu hút hỏa lực của địch, nhưng ông không ngần ngại và hỗ trợ các đơn vị chủ lực tiến thẳng về giải phóng Biên Hòa.

Ngày đó, Đội Du kích xã Bình Lộc quân số không nhiều, có khi chỉ còn 3-4 người vì đội viên hy sinh gần hết, trang bị vũ khí phần lớn lấy của địch nên không đồng đều, quá trình chiến đấu đơn vị gặp rất nhiều khó khăn. Quân đội Sài Gòn đóng thường trực ở khu vực xã Bình Lộc vào thời điểm đó có 1 đại đội bộ binh, 1 trung đội nghĩa quân, 1 liên đoàn bình định nông thôn nên hoạt động của đội du kích gặp rất nhiều nguy hiểm, hy sinh mất mát không thể tránh khỏi.

“Tháng 4-1974, tôi bị thương nặng trong một lần đánh phục kích 1 trung đội địch đi càn. Lúc đó, viên đạn xuyên qua chân tôi (đến nay vẫn không đi lại bình thường). Tranh thủ lúc địch rút lui chờ tiếp viện, tôi nói 2 đồng đội đi cùng tên Quỳnh (hiện sống tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) và Trúc (sau này hy sinh) để tôi lại cùng vũ khí, tôi sẽ cản chân địch cho đồng đội rút lui an toàn; nhưng 2 đồng đội nhất quyết không bỏ tôi lại mà khiêng tôi rút vào rừng. Nói thật, khi đó tôi đã sẵn sàng tâm lý một mất một còn với địch nên chẳng sợ gì hết, không chỉ cá nhân tôi mà thời đó ai tham gia kháng chiến đều có tinh thần như vậy” - ông Một kể lại.

Sống và bám trụ vùng đất Long Khánh chiến đấu trong thời kháng chiến chống Mỹ, ông Đào Bá Lượng (ngụ xã Bảo Vinh, TX.Long Khánh, Đội trưởng Đội Biệt động Long Khánh giai đoạn 1973-1975) từng bị thương nặng 3 lần, trong đó có 1 lần khiến ông không nói được suốt 4 tháng.

Đội Biệt động Long Khánh được thành lập năm 1965 với nhiệm vụ thọc sâu đánh địch, đập tan kế hoạch bình định… và phối hợp với cơ sở mật bên trong đô thị để tổ chức các hoạt động phá hoại, ám sát các đối tượng có tội ác với nhân dân.

Vén áo lên, chỉ tay vào vết sẹo tròn ngang hông, ông Đào Bá Lượng nói: “Vết thương này bị từ năm 1972, đến tận năm 2014 mới lấy đầu đạn ra được. Bị viên đạn xuyên qua người nhưng không lấy được đầu đạn ra, mà khi đó quân y chỉ băng bó cho sống là được. Do đặc thù của nhiệm vụ nên chúng tôi mua quân phục của địch để ngụy trang khi đi thăm dò bên trong khu vực tỉnh lỵ. Việc này cũng gặp nhiều nguy hiểm. Có lần, tôi cùng một đồng đội mặc đồ lính nhảy dù chạy xe máy vào trong tỉnh lỵ thám thính tình hình thì bị bọn quân cảnh phát hiện, chặn xe lại kiểm tra. Khi đó, trên người chúng tôi không có giấy tờ nên tới gần tổ quân cảnh rồi mỗi người cầm 1 trái lựu đạn (đã rút chốt, nhưng vẫn giữ “mỏ vịt” không để bung) rồi nói chúng tôi là lính chiến đi xa, lén về thăm nhà, chỉ có “giấy tờ” loại này, quân cảnh có muốn kiểm tra thì cầm. Họ cười xòa rồi cho chúng tôi đi, nhưng sau đó chúng tôi phát hiện có người bám theo nên dùng mưu lủi vào rẫy của dân để trốn” - ông Lượng chia sẻ.

Tuổi 20 nằm lại với quê hương

Trong suốt thời gian bám trụ địa phương chiến đấu, điều khiến những người cựu chiến binh đau đáu nhất chính là những lần phải chứng kiến và chôn cất đồng đội hy sinh. Do số lượng quân ta rất ít so với quân địch, trang bị kém hơn nhiều nên những lần nổ súng, việc mất mát, hy sinh là điều khó tránh khỏi.

Ông Trần Tấn Một tâm sự, trang bị của du kích ngày đó không khác với dân thường, chỉ có bộ quần áo vải, mũ vải, còn vũ khí thì lấy của địch cái gì dùng cái đó. “Tháng 6-1972, khi chúng tôi tổ chức đánh lớn trước cửa đồn địch thì anh Lê A (khi đó là Đội trưởng Đội Du kích xã Bình Lộc, đến năm 1978 được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân) hy sinh do một mảnh đạn găm vào trán. Cả trận đánh toàn thắng, nhưng người chỉ huy lại hy sinh. Khi đem thi thể anh Lê A về chôn, ai nấy đều nghẹn ngào. Trong chiến tranh, đồng đội còn thân thiết hơn anh em ruột thịt, phải đào hố chôn người bạn chiến đấu thì mỗi nhát cuốc là một tiếng khóc nấc. Không chỉ anh Lê A, phần lớn đội viên du kích khi đó đều được chôn ở một khoảnh rẫy trong rừng vì gia đình đều ở xa, không tiện đưa về, sau này hòa bình chúng tôi mới quy tập đưa vào nghĩa trang” - ông Một xúc động nhớ lại.

Là Đội trưởng Đội Biệt động Long Khánh giai đoạn 1970-1973, ông Phạm Thanh Mừng (ngụ phường Xuân An, TX.Long Khánh) đã không ít lần chứng kiến đồng đội hy sinh. Giữa cuộc chiến, sự sống và cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc nên khi đó ông chỉ có thể nén đau thương để tiếp tục tiến lên, khi chiến đấu xong mới nghĩ đến việc đưa thi thể đồng đội về. Ngay bản thân ông, trong lần tấn công đồn Bốn Thước vào năm 1972 (tiền đồn phía Đông Long Khánh, có một trung đội bảo an chốt giữ, hiện ở xã Bảo Vinh, TX.Long Khánh) cùng 8 đồng đội, ông đã bị thương nặng, suýt đứt gân tay.

“Trận đó 4 người bị thương. Tôi bị mảnh lựu đạn cứa vào cổ tay và găm vào bụng, phải để quân y mổ sống (không gây mê) mới cứu được. Hồi đó, thương binh sau trận đánh chỉ được cấp cứu sơ sài, vết thương khâu lành miệng là thôi vì dụng cụ, thiết bị y tế, thuốc men khan hiếm. Ai bị thương nặng thì đưa về căn cứ trong rừng ở Sông Ray (huyện Cẩm Mỹ ngày nay), mà đường đi phải vòng tận núi Mây Tàu rồi đi tới Sông Ray, chứ đâu đi đường thẳng được. Khó khăn là thế, nhưng chúng tôi không ai ngần ngại khi làm nhiệm vụ vì ai cũng ý thức được rằng, nếu cứ sợ hy sinh, mất mát thì biết bao giờ đất nước mới thống nhất, hòa bình mới lập lại” - ông Mừng vừa nói vừa chỉ vào vết thương trên bụng.

Đăng Tùng

Bài 3: Máu và nước mắt

Tin xem nhiều