Trong những bà mẹ ở tỉnh Đồng Nai được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu cao quý "Bà mẹ Việt Nam anh hùng" trong đợt đầu tiên (ngày 17-12-1994), những đóng góp của mẹ Lê Thị Trơn (ngụ ấp 2, xã Tam An, huyện Long Thành) để lại trong tôi nhiều ấn tượng...
Trong những bà mẹ ở tỉnh Đồng Nai được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu cao quý “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” trong đợt đầu tiên (ngày 17-12-1994), những đóng góp của mẹ Lê Thị Trơn (ngụ ấp 2, xã Tam An, huyện Long Thành) để lại trong tôi nhiều ấn tượng. Trong chiến tranh, mẹ đã hy sinh cho Tổ quốc 5 người thân yêu, trong đó có 3 người con và 2 người em, bản thân mẹ là cơ sở nuôi giấu du kích, bộ đội và mẹ cũng từng nếm trải những trận đòn thừa sống, thiếu chết của quân thù...
Bà mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Trơn (trái) được các con cháu quây quần, chăm sóc. |
Theo hướng dẫn của cán bộ xã Tam An, chúng tôi đến thăm mẹ Lê Thị Trơn vào một buổi trưa giữa tháng 7-2017, đúng vào dịp mẹ làm giỗ cúng cơm người con trai đầu là liệt sĩ Nguyễn Văn Góp. Ở tuổi 97, sức khỏe của mẹ Trơn đã giảm sút rất nhiều, song ký ức về một thời đạn bom vẫn còn in đậm trong lòng mẹ.
* Cả nhà là “Việt Cộng”
Ngoài 3 người con ruột là liệt sĩ, mẹ Lê Thị Trơn còn có 2 người em ruột là Lê Văn Đực và Lê Văn Lang hy sinh trong kháng chiến chống Pháp. Mẹ của mẹ Trơn là bà Nguyễn Thị Đua, cũng được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” vào năm 1997. |
Nghe chúng tôi hỏi về sự hy sinh của mẹ trong kháng chiến, mẹ Trơn nhìn chúng tôi rồi nói nhẹ nhàng: “Có gì đâu con ơi, đất nước có giặc thì phải đánh đuổi chúng để giành lấy độc lập, tự do. Đất nước này có hàng triệu người như thế, chứ đâu có riêng gì mẹ”. Tuy vậy, trước yêu cầu của chúng tôi, mẹ cũng chiều lòng.
Lặng im giây lát cho dòng ký ức của những năm tháng chiến tranh hiện về, mẹ nhẹ nhàng kể rằng mẹ sinh ra và lớn lên tại xã Tam An anh hùng, trong một gia đình nông dân nghèo, nhưng giàu truyền thống cách mạng. Tuổi thơ của mẹ gắn liền với những mảnh ruộng, khu vườn quanh năm đầy ắp cây trái.
Năm 18 tuổi, mẹ Trơn lấy chồng và lần lượt sinh 6 người con, gồm: 4 trai và 2 gái. Vào những năm tháng ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, theo lời Đảng gọi, mẹ lần lượt tiễn 4 người con trai: Nguyễn Văn Góp, Nguyễn Văn Đủ, Nguyễn Văn Lợi Anh và Nguyễn Văn Lợi Em lên đường chiến đấu.
Sau khi tiễn các con lên đường đánh giặc, ở lại hậu phương, mẹ Trơn âm thầm làm cơ sở cho cách mạng, thường xuyên tiếp tế lương thực, thuốc men cho bộ đội, du kích và thông báo tình hình địch trong vùng bị chiếm đóng để cán bộ, bộ đội có phương án đấu tranh.
Để lọt qua sự theo dõi gắt gao của địch khi đi tiếp tế cho bộ đội, mẹ đóng rất nhiều vai, lúc thì gánh mạ ra đồng, nhưng thực chất bên dưới đáy thúng toàn là gạo, thuốc chữa bệnh, bông băng cứu thương; cũng có khi mẹ đóng giả làm người đi thăm lúa để đưa tài liệu thông báo tình hình địch cho bộ đội. Những lúc địch bớt càn quét, mẹ dự trữ lương thực, thuốc men tại nhà và tìm cách báo cho bộ đội đến nhà mẹ lấy vào ban đêm.
Để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho bộ đội, mẹ còn giao kết với các anh một quy ước: khi đêm đến, nếu thấy mẹ để cái thau giặt đồ trước sân là hôm ấy không có địch; còn như thấy mẹ không đặt chiếc thau trước sân là có địch phục kích, để bộ đội biết mà tránh xa. Việc làm âm thầm ấy của mẹ cứ đều đặn diễn ra mà bọn địch không hề hay biết.
Bà mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Trơn chỉ vào những tấm bằng “Tổ quốc ghi công” của các con. |
* Các anh đã không về
Phát hiện mẹ có quan hệ với “Việt cộng” và cho con đi kháng chiến, bọn mật vụ liên tục theo dõi mẹ, thậm chí còn bắt bớ, đánh đập, tra tấn mẹ để tìm cơ sở “Việt cộng”, nhưng chúng chẳng moi được gì ở mẹ.
Mẹ Trơn nhớ có lần chúng bắt mẹ lên đồn tra hỏi xem các con trai mẹ đang ở đâu và chúng còn gài bẫy rằng: “Đã bắt được các con của bà”, để mẹ khai báo sự thật, nhưng chúng đều nhận lấy sự thất vọng.
Trong những trận đòn roi của giặc, mẹ vẫn kiên cường và vẫn một mực nói với chúng rằng: “Tao không biết Việt cộng nào hết. Mấy con tao nó ở đâu tao không biết, tụi bây có giỏi thì đi tìm”.
Không khai thác được gì ở mẹ Trơn, bọn địch bực tức trả thù bằng cách đốt nhà của mẹ. Mẹ nhẩm tính, trong kháng chiến chống Mỹ đến khi hòa bình lập lại, bọn địch đã 9 lần đốt cháy nhà mẹ.
Một lần, vào năm 1966, địch dồn gia đình mẹ Trơn vào ấp chiến lược ở Bến Bàu (nay thuộc ấp 4, xã Tam An) để mẹ không còn cơ hội tiếp xúc với Việt cộng. Hôm đó, đồng chí du kích xã Mười Cai bí mật tìm đến nhà mẹ. Trong lúc đồng chí Mười Cai đang trò chuyện với mẹ Trơn trong nhà thì có mấy tên lính địa phương quân tìm đến dò la tin tức Việt cộng. Bất ngờ trước sự xuất hiện đột ngột của bọn lính, đồng chí Mười Cai vội vã thoát ra cửa sau và bắn ngã một tên lính trong bọn, chiếc vỏ đạn súng AK văng vào cửa miệng hầm tránh bom trong nhà mẹ.
Cho rằng mẹ Trơn chứa Việt cộng và có liên quan đến việc giết 1 lính “Cộng hòa”, bọn địch đã bắt mẹ lên đồn giam cầm, tra tấn suốt 10 ngày. Sau đó, thông qua sự dàn xếp của tổ chức bí mật của ta bên trong, địch mới thả mẹ về nhưng không quên đốt sạch ngôi nhà của mẹ.
Sống trong vòng kìm kẹp của giặc, dù chịu nhiều đau thương, mất mát nhưng mẹ Trơn vẫn kiên cường trước quân thù. “Một tấc không đi, một ly không rời” - mẹ nói như vậy. Vậy mà vào lúc cao điểm của cuộc kháng chiến, mẹ như đổ gục trước sự hy sinh đột ngột của 3 người con trai trên chiến trường.
Vào năm 1972, người con trai đầu của mẹ là anh Nguyễn Văn Góp, trong một trận chiến đấu với quân chư hầu Thái Lan đã ngã xuống ở chiến trường Phước Nguyên (nay là xã Hiệp Phước, huyện Nhơn Trạch).
Chưa nguôi ngoai vì sự hy sinh của liệt sĩ Góp, vào năm 1973, mẹ như chết đi sống lại trước sự lần lượt hy sinh của 2 anh Nguyễn Văn Lợi Anh và Nguyễn Văn Lợi Em trong các trận chống càn ở Dốc 47 và trận đánh bót Rẫy Thơm ở ấp 5, xã Tam An. Đến nay, hài cốt của liệt sĩ Nguyễn Văn Lợi Anh vẫn chưa được tìm thấy.
Chị Nguyễn Thị Kim Dung, người con gái thứ 7 của mẹ Trơn, cho biết những năm gần đây sức khỏe của mẹ giảm sút đi nhiều, mỗi lần nhìn di ảnh các con mẹ đều không kìm được nước mắt. Hàng năm, cứ vào dịp 27-7 mẹ lại tổ chức lễ giỗ tươm tất cho các anh và nhìn vào di ảnh của những người con hy sinh vì Tổ quốc mà rưng rưng khóc một mình.
Lặng im một lúc, quay sang nhìn chúng tôi với đôi mắt ngấn lệ, mẹ Trơn ôn tồn chia sẻ: “Làm cách mạng thì phải chấp nhận hy sinh con ạ. Tuy có đau thương, mất mát nhưng nước nhà được thống nhất, yên bình thì sự hy sinh ấy cũng là lẽ thường thôi!”.
Đức Việt