17 năm qua, ngôi nhà nhỏ nằm trên con dốc cao thuộc tổ 1, KP.4, thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu của cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Ngọc Luyện (75 tuổi) là nơi tụ hội của nhiều hội viên CCB, người cao tuổi và dân trong khu phố.
17 năm qua, ngôi nhà nhỏ nằm trên con dốc cao thuộc tổ 1, KP.4, thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu của cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Ngọc Luyện (75 tuổi) là nơi tụ hội của nhiều hội viên CCB, người cao tuổi và dân trong khu phố. CCB Luyện cho hay nhà ông luôn sẵn trà nước nên mọi người thích đến bàn việc hơn là tại Văn phòng khu phố.
Nhà của cựu chiến binh Nguyễn Ngọc Luyện (trái) hàng ngày luôn có khách quen tìm đến. |
Vốn là người nhiệt huyết, CCB Luyện sẵn sàng nhận nhiều chức danh không lương, như: Phó chủ tịch Hội Người cao tuổi thị trấn kiêm Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi khu phố; Chi hội phó Chi hội CCB; Phó ban công tác Mặt trận khu phố; Trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh Trường tiểu học Cây Gáo B... Dù vậy, ở bất cứ nhiệm vụ nào, CCB Luyện cũng được người dân quý mến, cấp trên đánh giá cao.
* Hòa giải khéo
Cuộc sống của vợ chồng CCB Nguyễn Ngọc Luyện chủ yếu dựa vào lương hưu trí hơn 3 triệu đồng/tháng. Tuy vậy, CCB Luyện vẫn chắt chiu trong chi tiêu, dành dụm tiền con cho để đóng góp cho phong trào, cho quỹ của Hội CCB mượn tiền nhà trước rồi thu dần trả sau. Bên cạnh đó, CCB Luyện còn được người dân KP.4 biết đến là ông “mai” của hàng chục cặp gia đình trẻ, người chủ lễ nặng tình của những ai qua đời. |
Anh D. vốn mê rượu và mỗi lần quá chén anh hay đánh chửi vợ con. Tuy vậy, chị M. (vợ anh D.) vẫn bấm bụng chịu thiệt mà không dám than thở chuyện bị chồng hà hiếp với hàng xóm.
Biết chuyện, CCB Luyện lập tức đến nhà anh D. khuyên giải: “Bây bỏ quê vào đây tìm kế sinh nhai mà lại không chịu lo làm ăn, tối ngày uống rượu, đánh vợ làm phiền lòng hàng xóm. Nếu không sớm bỏ thói xấu đó, con M. về quê méc họ hàng thì bây ăn nói làm sao với họ?”.
Lời khuyên giải của CCB Luyện chỉ được anh D. để bụng được vài tháng lại quên. CCB Luyện lại lộc cộc đạp xe đến nhà anh D. khuyên can lần nữa thì anh mới chịu bỏ hẳn cái tật rượu chè bê tha.
Anh D. bộc bạch, việc cai rượu với anh thật sự khó khăn, nhưng vì sợ bị CCB Luyện mắng nên anh ráng nhịn. Mỗi lần được bạn bè mời đi nhậu, anh trốn kỹ trong buồng, dặn vợ nói với bạn rằng anh đã đi vắng.
Chuyện cô giáo Y. lỡ tay đánh học trò K. sưng bàn tay bị phụ huynh phản đối dữ dội. Với vai trò Trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh Trường tiểu học Cây Gáo B, CCB Luyện nhận lời nhà trường đứng ra dàn xếp. Cô giáo A nhận lỗi với phụ huynh của trò K. do nóng nảy dẫn đến xử sự thiếu tính sư phạm. Còn phụ huynh trò K. thì xin lỗi nhà trường và CCB Luyện vì con chưa ngoan, làm ảnh hưởng đến uy tín của trường, sự nhiệt tâm của cô giáo.
CCB Luyện tâm sự, chuyện hòa giải các cặp vợ chồng trẻ xích mích khó hơn các cặp vợ chồng già. Tuy nhiên, người trẻ mau giận, lại chóng quên nên ông có cách làm cho họ hạ cơn giận. Còn các cặp vợ chồng già cứ âm ỉ giận hờn rồi bùng phát thành “đám cháy” thì ông phải ra sức “dập lửa” để họ quay lại chung sống thuận hòa.
Dân cư ở KP.4 vốn là dân nhập cư từ khắp mọi miền đất nước nên tính cách, lối sống của mọi người có sự khác nhau. Vì vậy, CCB Luyện không bao giờ lấy tâm lý, suy nghĩ của dân miền Bắc áp vào lối sống, ý nghĩa của dân miền Trung, miền Nam mà hòa giải. “Mình lấy cái lý, lẽ sống ở đời để mọi người tự phân biệt đúng sai mà cột lại. Khi đôi bên đã thống nhất nhau thì xem như chuyện không xảy ra và mãi là vợ chồng, hàng xóm luôn “tối lửa tắt đèn có nhau” - CCB Luyện tâm sự.
* Nêu gương “Bộ đội Cụ Hồ”
Vốn là lính vá đường, phá bom thời chống Mỹ, CCB Luyện không hài lòng trước tình trạng “nắng bụi, mưa lầy” tại các tuyến đường giao thông ở các tổ: 2, 6 và 6A, thị trấn Vĩnh An. Vì vậy, ông mạnh dạn cùng các CCB trong khu phố liên tục phối hợp cùng Ban điều hành khu phố và người dân bỏ công, góp vật liệu sửa chữa đường nhưng vẫn không giải quyết dứt điểm được. Năm 2015, các tuyến đường này được thị trấn cho chủ trương làm bê tông với kinh phí trên 4 tỷ đồng, sức dân đóng góp 700 triệu đồng.
Trưởng KP.4 Nguyễn Đình Đà bày tỏ, dân cư trong khu phố chủ yếu sống dựa vào nông nghiệp và làm công nhân, lao động tự do nên sức dân hạn hẹp, 700 triệu đồng là con số không nhỏ so với sức dân lúc bấy giờ. Cho nên, khi phương án bê tông hóa các tuyến đường trên địa bàn được thị trấn, huyện duyệt đầu tư, Ban điều hành khu phố “mừng nhiều và lo cũng không ít”, bởi nếu không xúc tiến nhanh thì kinh phí đầu tư cho tuyến đường sẽ tăng theo thời giá vật liệu, nhân công. Nếu khu phố chậm triển khai sẽ bị thị trấn, huyện rút kinh phí và chuyển dự án sang các khu phố hoặc địa phương khác có điều kiện tốt hơn.
Hiểu được sự trăn trở của Ban điều hành khu phố, CCB Luyện và các CCB trong KP.4 nhận nhiệm vụ làm nòng cốt để vận động. Khi các tuyến đường tổ: 2, 6 và 6A hoàn thành, CCB trong KP.4 còn đề xuất với Chi bộ, Ban điều hành khu phố cho phép Chi hội CCB vận động dân đóng góp kinh phí để thắp sáng đường, treo cờ, gắn biển báo giao thông.
Đề xuất của các CCB được Chi bộ, Ban điều hành khu phố và nhân dân đồng tình, hưởng ứng. Nhờ vậy, tuyến đường bê tông các tổ: 2, 6 và 6A không chỉ xóa đi cảnh “nắng bụi, mưa lầy” mà nhanh chóng trở thành tuyến đường “sáng - xanh - sạch - đẹp”, được Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy bình chọn là một trong 35 mô hình tiêu biểu trong toàn tỉnh để tặng giấy khen vào cuối năm 2016.
Với 47 hội viên, Chi hội CCB KP.4 đã triển khai mô hình 1 + 4 (1 CCB có trách nhiệm với 4 hộ dân liền kề, trừ cán bộ, đảng viên) chung sức, góp phần tham gia phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội, giữ gìn vệ sinh môi trường trên địa bàn.
Với trách nhiệm Chi hội phó Chi hội CCB KP.4, CCB Luyện xung phong quản lý 30 hộ gần nhà. CCB Luyện cho hay 17 năm qua, ông đi khắp 9 tổ trong khu phố nên nhà nào ông cũng biết tên, biết mặt. Cho nên, quản lý 30 hộ dân gần nhà để họ cùng tốt, gương mẫu, mẫu mực như ông không khó.
Chi hội trưởng Chi hội CCB KP.4 Nguyễn Văn Sang bày tỏ, tuy tuổi cao nhưng CCB Luyện làm việc rất trách nhiệm. Việc của Chi hội hay Mặt trận ấp, Hội Người cao tuổi thị trấn… giao, CCB Luyện đều hoàn thành xuất sắc. Điều quý nhất ở CCB Luyện là tính gương mẫu, đầu tàu trong công việc, không bao giờ ngại khó, đẩy khó cho đồng đội. Cho nên, các CCB trong Chi hội rất tự hào khi đơn vị có một “bộ đội Cụ Hồ” Nguyễn Ngọc Luyện.
Đoàn Phú