Xuôi theo dòng sông Đồng Nai về phía hạ lưu, chúng tôi đến xã Phú Hữu (huyện Nhơn Trạch), nơi người dân 2 bên bờ (xã Phú Hữu và quận 2, TP.Hồ Chí Minh) đều đang trông ngóng ngày đêm về sự ra đời của cây cầu Cát Lái.
Xuôi theo dòng sông Đồng Nai về phía hạ lưu, chúng tôi đến xã Phú Hữu (huyện Nhơn Trạch), nơi người dân 2 bên bờ (xã Phú Hữu và quận 2, TP.Hồ Chí Minh) đều đang trông ngóng ngày đêm về sự ra đời của cây cầu Cát Lái. Cầu hình thành sẽ thay thế phà giúp việc đi lại thuận tiện, cho ước mơ về một TP.Nhơn Trạch sớm thành hình, giảm bớt kẹt xe ở cảng Cát Lái (quận 2) và cũng tạo thêm động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của khu vực Đông Nam bộ.
Cảnh chờ phà Cát Lái ở bờ Phú Hữu (huyện Nhơn Trạch) mỗi dịp cuối tuần. |
* Dự án đầu tư chờ cầu
Chỉ riêng dân số của xã Phú Hữu đã tăng gấp 14 lần so với năm 1975, từ khoảng 1 ngàn dân lên 14 ngàn dân và chủ yếu là dân từ các tỉnh đến lập nghiệp, trong đó có dân từ quận 2 sang. |
Tiếp chúng tôi tại trụ sở UBND xã Phú Hữu, Phó chủ tịch UBND xã Nguyễn Thanh Yên không ngần ngại nói ngay, có nhiều dự án đầu tư lớn, nhỏ trên địa bàn xã và tính sơ sơ đã có 14 dự án lớn. Tuy nhiên, chỉ có 4-5 dự án triển khai đền bù cho dân và đa số đều chậm tiến độ, hoặc “án binh bất động” vì không có cây cầu bắc qua sông. Có thể kể một số dự án như: đường liên cảng từ Đại Phước tới Phú Hữu cặp theo bờ sông dài 9km, quy hoạch rộng 99m, phục vụ Cụm Cảng 5 chưa triển khai được, mới có quyết định thu hồi đất tổng thể, chưa có quyết định bồi thường chi tiết và người dân đang rất sốt ruột; dự án Cảng tổng hợp Phú Hữu II đối diện Cảng Cát Lái có chiều dài bến quy hoạch 2km, sâu vào bờ 500m, quy mô cho tàu 20 ngàn tấn chưa thể triển khai; dự án Khu dân cư sinh thái và nhà vườn Sen Việt (dự án Sen Việt) có quy mô 212 hécta tại xã Phú Hữu và Phú Đông triển khai chậm chạp vì dường như đang chờ… xây cầu.
Nếu có cây cầu, đầu tiên là giảm thời gian đi lại, có lợi cho dân, nên theo ông Yên ngoài chuyện dân trông thì các nhà đầu tư cũng ngóng. Các doanh nghiệp tìm đến nhưng đa số đều bỏ đi, trong đó có các dự án cụm cảng sông, rất khó cho địa phương. Quy hoạch xây dựng thành phố Nhơn Trạch vào năm 2018 đã được Thủ tướng phê duyệt vì thế cũng “giậm chân tại chỗ”.
Ông Yên quả quyết: “Với chủ trương bổ sung cầu Cát Lái vào quy hoạch phát triển giao thông vừa được Chính phủ thông qua, nếu triển khai sớm, có cây cầu bắc qua sông chỉ 3-4 năm sau là tình hình kinh tế - xã hội địa phương sẽ khác liền”.
* Sống đẹp để chờ cầu
Theo giới thiệu của UBND xã, chúng tôi tìm gặp cụ Lê Văn Một (80 tuổi), vốn sinh ra ở địa phương và sống gần bến phà Cát Lái từ năm 1952. Râu tóc trắng cước, đôi mắt tinh anh và nụ cười hiền từ, cụ Một kể: “Ngày trước qua lại phà khó khăn hơn bây giờ vì chỉ có 2 phà loại nhỏ, phải chờ cả giờ cho đủ khách phà mới qua sông và mất khoảng 15 phút mới qua tới bờ quận 2”.
Sau khi một loạt cầu lớn ở đồng bằng sông Cửu Long, như: Mỹ Thuận, Cần Thơ, Rạch Miễu được thông xe thì phà Cát Lái được tăng cường các phà loại 200 tấn qua sông, giúp thời gian di chuyển giữa 2 bờ chỉ còn 5 phút, nhưng thời gian chờ có khi lâu hơn cả thời gian đi phà, nhất là vào các ngày đầu tuần, cuối tuần và ngày lễ, tết xe cộ nối hàng dài cả cây số.
Cụ Một tâm sự: “Dân ở đây nghe nói sắp xây cầu, ai cũng trông. Có cầu không còn cảnh kẹt xe, đi lại thuận tiện; người dân đi mần ăn hay xe chở bệnh nhân đi cấp cứu cũng mau, xẹt qua một cái là tới bờ bên kia rồi. Tôi ráng sống ít năm nữa coi bắc cái cầu đi qua đi lại”.
Để ước mơ nhìn ngắm cây cầu thành hiện thực, từ nhiều năm nay cụ Một đã làm được một nghĩa cử cao đẹp là dành dụm tiền giúp học sinh nghèo có thêm điều kiện học hành. Hàng ngày, cụ Một đạp xe đi bán vé số và bán báo. Bình quân tiền lời mỗi ngày được khoảng 150 ngàn đồng, cụ dành ra 30 ngàn đồng bỏ ống heo và mỗi năm “mổ heo” 2 lần vào tháng 9 khi học trò nghèo vào học cần được hỗ trợ sách vở, xe đạp và vào tháng 4-5 khi kết thúc năm học, cần động viên học trò nghèo hiếu học. Rất nhiều học trò nghèo của xã trưởng thành nhờ có phần đóng góp ít ỏi của cụ Một, mỗi khi gặp cụ ngoài đường đều chào hỏi lễ phép.
Đợt mới nhất là vào tháng 9-2016, cụ Một tặng 30 suất học bổng, mỗi suất 200 ngàn đồng cho Trường THCS Dương Văn Thì và 5 xe đạp, 10 suất học bổng cho học sinh tiểu học trong xã. Nghĩa cử cao đẹp của cụ Một đã “tỏa sáng giữa đời thường”, thu hút thêm nhiều nhà hảo tâm tham gia và năm nay cụ mở rộng sang xã Đại Phước bên cạnh.
Cụ Một nói vui: “Tui già rồi, nhờ làm vậy mới vui, mới sống lâu”.
* Thao thức đổi đời…
Hơn 10 năm trước, nhiều nhà đầu tư bất động sản đã tìm đến Phú Hữu, Đại Phước và cả trung tâm huyện Nhơn Trạch để đón đầu về sự ra đời của thành phố mới Nhơn Trạch, nhưng các dự án nhanh chóng đóng băng do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế và do sự chậm ra đời của cây cầu Cát Lái.
Nhưng từ giữa năm 2016, việc xây cầu được Chính phủ đồng ý, các dự án bất động sản phía bên kia bờ Đồng Nai bắt đầu hồi sinh. Nhiều lô đất đã tăng giá 25-30% so với cách đây một năm và nhiều lúc, bộ phận làm thủ tục đất đai của các xã: Phú Đông, Phú Hữu, Đại Phước phải làm thêm giờ để cho kịp tiến độ theo nhu cầu chuyển nhượng tăng dần của thị trường.
Hoạt động môi giới đất đai trở nên nhộn nhịp và đã có những ngày “cò” chạy không kịp nghỉ trưa để dẫn khách hàng đi xem đất. Nhiều điểm dịch vụ môi giới bất động sản mọc lên dọc đường Lý Thái Tổ, kéo theo là các quán nước, quán cà phê, quán ăn bung ra, làm cho bức tranh thương mại - dịch vụ của các xã: Phú Hữu, Đại Phước, Phú Đông khởi sắc lên trông thấy, hứa hẹn bước chuyển mình trong tương lai gần một khi có cây cầu.
Chỉ tính riêng xã Phú Hữu, theo quy hoạch đến năm 2020 còn 19,6 hécta đất nông nghiệp, nhưng kế hoạch của xã sẽ chuyển dần từ đất trồng lúa sang đất có mục đích khác theo quy hoạch. Nếu sớm có cầu sẽ giúp cho việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế của địa phương từ nông nghiệp sang dịch vụ gắn với phát triển đô thị nhanh hơn, nghĩa là cũng góp phần vào việc phát triển liên kết vùng. Theo thống kê của xã, có đến 80% là dân TP.Hồ Chí Minh qua Phú Hữu mua đất và trong một năm qua giao dịch đã tăng từ 1,5-2 lần.
Và như vậy, không chỉ thỏa ước mơ được đi lại trên cây cầu mới mà không ít người có thu nhập thấp không mua nổi nhà, đất bên phía quận 2, quận 7 của TP.Hồ Chí Minh cũng sắp hiện thực hóa được giấc mơ có nhà, mở ra cơ hội dịch chuyển dân cư, giảm bớt áp lực cho một siêu đô thị như TP.Hồ Chí Minh và làm tăng giá trị của những thửa đất ven sông; hiện thực hóa giấc mơ đổi đời cho nhiều gia đình 2 bên bờ Đồng Nai.
Văn Phong