Báo Đồng Nai điện tử
En

Chạy đồng cắt cỏ mùa khô

10:04, 07/04/2017

Với những người cắt cỏ bán, mùa này kiếm ngọn cỏ xanh vất vả hơn mùa mưa, nhưng đổi lại giá bán cỏ bao giờ cũng cao hơn nhiều.

“Bây giờ đang mùa khô hạn, hầu hết cỏ mọc ngoài đồng đều đã chết cháy, người nuôi trâu, bò phải cho chúng ăn rơm rạ. Nhưng nếu cho trâu, bò ăn rơm rạ suốt mấy tháng mùa khô e rằng chúng chịu không nổi, dễ ốm yếu và bệnh tật. Vì vậy, chủ nuôi phải mua cỏ, cần thêm chất tươi hàng ngày cho trâu, bò ăn dặm. Đây cũng là thời điểm người cắt cỏ bán dễ kiếm tiền nhất” - ông Trần Văn Lung (ngụ xã Lộc An, huyện Long Thành) chia sẻ.

Ông Trần Văn Lung cắt cỏ trong vườn của người dân.
Ông Trần Văn Lung cắt cỏ trong vườn của người dân.

Với những người cắt cỏ bán, mùa này kiếm ngọn cỏ xanh vất vả hơn mùa mưa, nhưng đổi lại giá bán cỏ bao giờ cũng cao hơn nhiều.

* Kiếm cỏ đồng xa

“Mùa khô năm nay bớt khắc nghiệt hơn mọi năm khi có những cơn mưa trái mùa. Có mưa, cỏ mọc nhanh nên chỉ cần một buổi sáng mình tôi có thể cắt được gần 5 bao cỏ” - ông Trần Văn Lung tâm sự.

Ông Lung cho hay cỏ là thứ mọc hoang, không có giá trị, vậy mà nó giúp người dân vùng nông thôn có thu nhập bằng nghề cắt cỏ bán. So với những việc làm nông khác, thường làm theo nhóm nhiều người thì cắt cỏ bán gần như hoạt động độc lập. Chỉ cần chiếc xe máy cà tàng, bao đựng cỏ và mấy lưỡi liềm sắc bén là có thể đi khắp nơi tìm cỏ cắt bán.

Vào mùa mưa, cỏ mọc ê hề ngoài đồng, bờ đất, 2 bên lề đường mà chẳng ai buồn cắt. Nhưng khi nắng nóng kéo dài, chuyện kiếm được ngọn cỏ xanh non không hề đơn giản, đặc biệt là với những hộ chăn nuôi bò thịt, bò sữa lên đến vài chục con. Tuy có trữ rơm làm thức ăn cho đàn trâu, bò, nhưng chủ nuôi vẫn cần thêm cỏ tươi hàng ngày cho đàn gia súc ăn dặm, cầm cự hết đợt nắng.

Theo ông Lung, người ta nuôi trâu, bò theo đàn ngày càng nhiều, nhu cầu cỏ tươi ngày càng cao, buộc những người đi cắt cỏ bán phải lặn lội tìm kiếm cỏ ở đồng xa, rừng hoang, thậm chí vào tận vườn cây của người ta để phục vụ nghề nuôi gia súc đang phát triển tại địa phương. Trời nắng, cắt cỏ tận những cánh rừng tràm, vườn cây trái, hoa màu mới có thể kiếm được những bao cỏ đầy và non xanh.

Với những người cắt cỏ đem bán, may mắn nhất là gặp những bãi cỏ tươi tốt mà chưa có ai cắt.
Với những người cắt cỏ đem bán, may mắn nhất là gặp những bãi cỏ tươi tốt mà chưa có ai cắt.

“Khi cỏ quá khan hiếm, chúng tôi phải lùng sục khắp nơi, nhắm hướng nào còn có cỏ mới đi cắt. Thường thì những nơi vắng vẻ, ít người qua lại may ra cỏ mọc nhiều và chưa ai biết. Cắt cỏ xong tôi đánh dấu chỗ để hôm khác quay lại cắt tiếp; nếu để lâu không tới thăm, người khác cắt mất sẽ tiếc lắm. Cỏ mọc hoang, chẳng may bị ai cắt mất cũng là điều bình thường, không trách được” - ông Lung giải thích thêm.

Hàng ngày, vợ chồng ông Dương Văn Dinh (ngụ xã Bình Sơn, huyện Long Thành) thức dậy thật sớm rồi đèo nhau trên chiếc xe máy sang xã Suối Trầu “săn” cỏ. Nhiều hộ ở đây đang chờ giải tỏa đất cho dự án xây dựng sân bay, đất đa phần bỏ trống hoặc trồng mì nên cỏ mọc nhiều vô kể.

Đến nơi, vợ chồng ông Dinh vội vàng chia nhau đi kiếm cỏ, ai nấy đều làm việc cật lực. Hễ nhìn thấy khu vực nào có cỏ xanh um họ liền tấp vào cắt cỏ, gom lại thành đống, chất vào bao và đến trưa thì chở cỏ về giao tận nhà cho những chủ nuôi có nhu cầu. Chiếc xe máy cà tàng nhưng sức chở bền bĩ, có thể “cõng” một lúc 3 bao cỏ tươi nặng hơn trăm ký. Nhiều lúc cỏ nhiều, ông Dinh động viên vợ cố gắng cắt thêm, chở về cho đủ số lượng giao ước trước với chủ nuôi.

“Nhìn đám cỏ xanh tốt ai cũng ham cắt cho nhiều, nếu để hôm sau đến cắt chưa chắc đã còn vì mùa này cỏ tươi luôn hiếm. Nghề này cũng thất thường lắm, hôm nay có khi kiếm được nhiều cỏ, nhưng mai chạy khắp nơi cũng chỉ tìm đủ cho đàn bò lót dạ” - ông Dinh nói.

* Sống… nhờ cỏ

Những người làm nghề cắt cỏ bán cho hay mấy năm trở lại đây rất nhiều hộ đầu tư nuôi trâu, bò lấy thịt, thậm chí có nhiều hộ làm ăn lớn. Trong khi đó, đất hoang ngày càng thu hẹp, chỗ cho cỏ dại ít dần nên đàn trâu, bò thiếu nguồn cỏ tươi trầm trọng. Từ đó, nhiều người chuyển qua đi cắt cỏ ở những nơi xa đem về bán cho các hộ nuôi trâu, bò để kiếm thu nhập.

“Bình quân mỗi ngày vợ chồng tôi cắt được 7-8 bao cỏ, trừ tiền xăng cũng kiếm được 300 ngàn đồng...” - ông Dinh nói. Ông Dinh cho biết thêm, khi cần mua cỏ, chủ nuôi chỉ cần gọi điện thoại cho ông vì 2 bên đã quen biết từ trước. Những ngày nắng nóng này, cỏ bán chạy như tôm tươi nên chẳng cần rao bán; bởi người chăn nuôi gia súc biết rõ nguồn rơm dự trữ cạn kiệt, cỏ trở thành “đặc sản” cứu cánh cho đàn trâu, bò đang đói sức của họ.

Về tiền công, thường thì cuối tuần chủ nuôi mới trả cho người bán cỏ. Người cắt cỏ đem bán không chỉ bán cho một chủ, mà có thể bán cho nhiều người để tăng nguồn thu nhập. Việc cắt cỏ bán không chỉ giải quyết nguồn thức ăn cho chăn nuôi, mà còn giúp một số người có thêm nghề mưu sinh, kiếm thêm thu nhập trong khoảng thời gian nông nhàn.

Những người cắt cỏ bán đều biết việc cỏ mọc nhiều, nhưng không phải loại nào cũng có thể cắt đem đi bán được. Trâu, bò thường khoái mấy loại cỏ ống, cỏ chỉ, cỏ voi… Hôm nào trâu, bò ăn kém, cỏ trong chuồng sót lại nhiều là chủ nuôi chê, người cắt cỏ bán phải tìm đám cỏ nào còn xanh non, mềm để cắt. Chưa kể việc vô tình cắt những đám cỏ người ta vừa xịt thuốc thì đàn trâu, bò cũng gặp họa theo.

Ông Huỳnh Văn Lập (ngụ xã Lộc An) cho biết nhà ông nuôi đàn bò gần 30 con, mỗi ngày ông phải cho chúng ăn hơn trăm ký cỏ tươi. Với số lượng như vậy, ngoài lượng cỏ trong vườn ông phải mua thêm cỏ. Nguồn thức ăn cho bò lúc nào cũng phải kiểm soát chặt chẽ nên ông luôn lấy cỏ từ những chỗ quen biết. “Đa số các hộ nuôi bò trong mùa khô đều phải mua cỏ, ít nhất cũng 2 tháng nữa, khi mưa xuống cỏ mới sinh sôi mạnh. Hiện nghề chăn nuôi trâu, bò phụ thuộc vào nguồn cỏ tươi mua thêm là chủ yếu. Bên cạnh đó, giá rơm rạ cũng tăng cao, mỗi bó gần bằng tiền bao cỏ nên có cỏ cung cấp mỗi ngày thì chất lượng đàn bò sẽ được cải thiện” - ông Lập nói.

Thanh Hải

Tin xem nhiều