Báo Đồng Nai điện tử
En

Phương Đông trong lòng Thượng Hải

10:03, 03/03/2017

Thượng Hải tuy là thành phố của Trung Quốc, nhưng do vị trí chiến lược trên sông Dương Tử nên trở thành nơi giao thương và hấp thụ văn hóa phương Tây từ rất sớm.

Thượng Hải tuy là thành phố của Trung Quốc, nhưng do vị trí chiến lược trên sông Dương Tử nên trở thành nơi giao thương và hấp thụ văn hóa phương Tây từ rất sớm. Đặc biệt từ cuộc chiến tranh nha phiến vào đầu thế kỷ 19, Thượng Hải bị quân Anh chiếm giữ và là tô giới của nước Anh trong hơn một thế kỷ. Chính vì vậy, kiến trúc tổng thể của Thượng Hải mang đậm dấu ấn của phương Tây.

Khu phố cổ ở Thượng Hải. Ảnh: T.Thúy
Khu phố cổ ở Thượng Hải. Ảnh: T.Thúy

Thế nhưng, ngay giữa lòng Thượng Hải hiện đại vẫn tồn tại khu vực có lối kiến trúc, đời sống sinh hoạt hoàn toàn đậm nét văn hóa Trung Hoa cổ. Người dân Thượng Hải gọi đây là khu Phố cổ.

Sôi động phố cổ

Từ phố Renmin Lu hoặc phố Zhonghua Lu với những tòa nhà hiện đại cao chọc trời, chỉ cần băng qua đường là du khách đã đến với một Trung Hoa cổ kính ở khu Phố cổ. Khu vực này quy hoạch vuông như bàn cờ với những con đường nho nhỏ, nhà cửa trong khu vực đều xây dựng theo quy thức kiến trúc xưa với vật liệu gỗ, thiết kế lầu các hoa lệ lấy màu đỏ làm chủ đạo, họa tiết, hoa văn trang trí sử dụng màu vàng sang trọng, mái ngói xám hoặc xanh cong vút. Nối giữa các ngôi lầu là những cây cầu gỗ cong có mái che cầu kỳ khiến du khách ngỡ như đang lạc vào cung điện nào đó đã từng thấy trên phim ảnh.

Cũng giống như những khu “China town” khác trên thế giới, các cửa hàng ở đây đều treo đèn lồng đỏ - một nét văn hóa đặc trưng của người dân Trung Hoa. Kiểu dáng đèn lồng của Trung Hoa khác hẳn với đèn lồng Hội An, dù đều cùng nguồn gốc châu Á. Ngắm dãy đèn lồng san sát, tôi chợt nhớ đến bộ phim nổi tiếng Đèn lồng đỏ treo cao của đạo diễn Trương Nghệ Mưu. Có thể nói, đèn lồng gần như là biểu tượng của người dân Trung Hoa, ở rất nhiều nước chỉ cần thấy đèn lồng đỏ là biết khu vực sinh sống của người Hoa. Tôi nhớ, lần đi “phố đèn đỏ” ở Hà Lan chẳng thấy cái đèn đỏ nào. Vòng tới vòng lui, tôi phát hiện những con phố của khu này “giao thoa” với khu của người Hoa treo rất nhiều đèn lồng đỏ, phải chăng vì vậy mà “chết danh” phố đèn đỏ?

Phố cổ không chỉ để du khách thưởng ngoạn, mà mục tiêu chủ yếu là “móc túi” du khách thông qua mua sắm, ẩm thực, giải trí. Tất cả các ngôi nhà trong phố cổ đều là nơi mua bán với hàng hóa tràn ngập, hoặc là nhà hàng ăn uống, cửa hiệu bán hàng lưu niệm, tranh tượng, nữ trang, cẩm thạch, ngọc trai, quần áo... Nói tóm lại, tất cả những sản phẩm nghệ thuật do Trung Quốc sản xuất đều có bán tại đây. Bên cạnh những nhà hàng phong cách châu Âu, cửa hàng thức ăn nhanh McDonald’s, Kentucky Fried Chicken, Pizza Hut, quầy cà phê tự chọn, quán cà phê Starbucks là các “tửu lâu” sang trọng và cửa hàng bán các món ăn truyền thống của Trung Hoa, như: màn thầu, bánh bao nhân có nước, sủi cảo, há cảo, yuan xiao (loại bánh giống bánh trôi), kể cả… đậu hũ thúi và kẹo hồ lô ngào đường xâu trên que tre, thường thấy trong phim cổ trang.

Ở khu Phố cổ có rất nhiều quầy bán hàng lưu niệm, được thiết kế như thuyền nhỏ có mái che cong cong, thật mỹ thuật. Ở một quầy hàng có vị “xếnh xáng” (tiên sinh) mặc chiếc xá xẩu, bên cạnh là chiếc máy xem phim quay bằng tay cho trẻ con dán mắt vào một ô kính để xem những hình ảnh động -  một hình ảnh tôi đã từng chứng kiến khi còn rất nhỏ, khoảng đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, khiến tôi vô cùng hoài niệm. Giữa lòng Phố cổ cũng có thiết kế một hồ nước rộng theo thuật phong thủy, khách băng qua hồ trên chiếc cầu chín khúc (cửu khúc kiều) thật lãng mạn.

Báu vật Dự viên

Người dân Thượng Hải có câu “Đến Thượng Hải mà chưa đến Dự viên (Yuyuan garden), xem như chưa đến Thượng Hải”. Dự viên là gì mà “ghê gớm” vậy?

Một góc Dự viên.
Một góc Dự viên.

Dự viên là một tổng thể gồm vườn và nhà cổ nằm kề bên Phố cổ, êm đềm tĩnh lặng giữa thành phố Thượng Hải ồn ào và náo nhiệt. Khác với khu Phố cổ tuy có kiến trúc theo lối cổ nhưng thực chất chỉ mới xây dựng từ năm 1990, Dự viên có bề dày lịch sử lên đến 458 năm. Công trình do tổng đốc tỉnh Tứ Xuyên Phan Doãn Ðoan (Pan Yunduan) thực hiện năm 1559, vào đời Gia Tĩnh triều Minh, tặng cha mẹ để báo hiếu nên đặt tên là Dự Viên (“viên” là vườn, “dự” có nghĩa là bình an và sức khỏe). Vì xây dựng quá cầu kỳ nên công trình kéo dài đến 18 năm mới xong, lúc đó thì cha mẹ vị tổng đốc đã qua đời từ lâu, nên tôi chẳng biết mục tiêu bình an, sức khỏe, báo hiếu có đạt hay không. Chỉ biết rằng, ngày nay Dự viên là “báu vật”, là niềm tự hào của người dân Thượng Hải.

Dự viên đã được Trung Quốc xếp hạng di tích cấp quốc gia. Trong thời gian chiến tranh, Dự viên bị tàn phá khá nhiều. Công trình được trùng tu vào năm 1956 và mở cửa đón khách từ năm 1961. Tuy nhiên, việc trùng tu, tôn tạo Dự viên được tiến hành theo nguyên tắc phục chế hoàn toàn theo nguyên mẫu nên hầu như không thể nhận ra sự khác biệt.

Toàn bộ Dự viên là một tổng thể hoàn chỉnh đến từng chi tiết nhỏ, từ chậu cây, khóm hoa, hòn đá… đều được bố trí thật hài hòa bên cạnh những suối nước, ao sen và những đền đài, lầu các đậm nét mỹ thuật Trung Hoa. Dự viên rộng khoảng 2 hécta, được chia thành 6 khu vực bao bọc bởi 5 vòng tường, gồm: Tam Tuệ đường, Ðại Thạch, Vạn Hoa lâu, Điểm Xuân đường, Ngọc Hoa đường, Hội Cảnh lâu và Nội viên. Mỗi khu vực đều có kiểu bài trí khác nhau. Người Hoa cũng giống như người Huế ở nước ta, rất chăm chút đến khu vườn, xem đó cũng là một thành tố của ngôi nhà. Cô Quý, hướng dẫn viên người Hoa nhưng nói tiếng Việt rất sõi, nghe giống như là người Hoa khu Chợ Lớn ở TP.Hồ Chí Minh, chỉ vào một khối đá hình thù như tổ ong và cho biết đây là đá Ngọc Lung Linh cao 3,3m, nặng 5 tấn, nếu nước mưa rơi vào 72 lỗ bên trên sẽ chảy ra ở một lỗ bên dưới, và nếu thổi khói vào lỗ bên dưới, khói sẽ tỏa ra ở 72 lỗ bên trên. Tương truyền, Ngọc Lung Linh có trên ngàn năm tuổi, được vớt lên từ Thái Hồ. Theo cô Quý, giá mua và công trục vớt, vận chuyển của Ngọc Lung Linh còn cao hơn cả chi phí xây dựng Dự viên.

Một nét độc đáo khác của Dự viên là bức tường đắp nổi hình rồng bao quanh khu Vạn Hoa lâu. Thủ nghệ của người xưa thật đáng khâm phục, rồng trông sống động, tinh xảo đến từng chi tiết nhỏ, những miếng ngói xanh làm vẩy rồng lấp lánh trong nắng, càng thêm vẻ uy nghi. Cô Quý chỉ cho chúng tôi xem chân rồng có 4 móng, và giải thích chỉ có vua mới được sở hữu rồng 5 móng còn các quan lại phải “dưới cơ” vua, nếu không tuân thủ quy định này sẽ bị khép tội khi quân, tru di cửu tộc (chém đầu 9 họ có liên quan). 

Vườn đã được chăm chút đến vậy, những đền đài, lầu các bên trong Dự viên làm sao tầm thường? Tất cả đều được chạm khắc tinh tế xa hoa cho đến từng thanh rường, đầu đao, nhiều gian nhà còn giữ nguyên vẹn những bộ bàn ghế, án, kỷ bằng gỗ hồng tâm quý giá từ thời Minh cùng các vật dụng trang trí nội thất khác. Ngồi ở Dự viên, phảng phất như thời gian ở đây đã dừng lại hơn 450 năm.

Thanh Thúy

 

Tin xem nhiều